Australia khánh thành trung tâm nghiên cứu công nghệ nano
- Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2016 | 2:21:19 PM
Ngày 20/4, Trường Đại học Sydney, Australia, đã khai trương Trung tâm khoa học nano Sydney và đưa vào hoạt động Viện Công nghệ và Khoa học Nano Australia (AINST) với tòa nhà nghiên cứu khoa học nano tiên tiến nhất trong khu vực với việc thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các thiết bị được tiến hành trong cùng một tòa nhà.
Một nhà khoa học thuộc AINST làm việc trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm khoa học nano Sydney mới khai trương.
|
Đây là cơ sở khoa học nano đầu tiên ở Australia được xây dựng dành riêng cho ngành khoa học này, trị giá 150 triệu AUD.
Việc đưa trung tâm này đi vào hoạt động sau 6 năm xây dựng đã mở đường cho các nhà khoa học có thể nghiên cứu những phân tử và cấu trúc nhỏ nhất trên thế giới như cỡ bằng một phần triệu bề ngang của một sợi tóc con người.
Tòa nhà được xây dựng và trang bị nhằm mục đích tập hợp và tạo sự hợp tác giữa các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học chế tạo và y học tới nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, qua đó các nhà nghiên cứu và sinh viên có thể phát minh, chế tạo, thử nghiệm và triển khai công nghệ và khoa học nano mới vốn đang làm thay đổi thế giới.
Giám đốc Trung tâm khoa học nano Sydney, giáo sư Simon Ringer cho rằng nhu cầu khoa học thực tế hiện nay đặt chúng ta phải nghiên cứu các vấn đề và giải quyết những câu hỏi với hành động ở một phần tỷ giây và độ dài ở một phần triệu của millimetre.
Ông cho biết những vấn đề cụ thể mà các nhà khoa học đang nghiên cứu là thiết kế các nguyên liệu bán dẫn thế hệ mới, các nguyên liệu lượng tử ánh sáng vốn sẽ thay đổi cách chúng ta truyền thông.
AINST được thành lập để đưa ra những công trình nghiên cứu giải quyết trực tiếp những thách thức mà xã hội đối mặt trong thế kỷ 21 và giúp xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức.
Với mục tiêu này cùng sứ mệnh phát hiện và khai thác khoa học mới ở mức độ nano, có ba lĩnh vực nghiên cứu chính liên quan đến công nghệ nano mà AINST nhắm đến để có thể ứng dụng trong cuộc sống là năng lượng và môi trường; sức khỏe và thuốc chữa bệnh, và truyền thông, máy vi tính và an ninh.
Lý giải về việc ưu tiên 3 lĩnh vực này, các nhà khoa học tại AINST cho rằng trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên thế giới, điều quan trọng là phải biết cân bằng nó với sự duy trì bền vững về môi trường, do vậy mục tiêu nghiên cứu của viện là tập trung tìm các giải pháp bền vững trong việc tạo, lưu trữ và phân bổ năng lượng để đáp ứng nhu cầu của thế giới hiện đại.
Trong khi đó, dân số thế giới ngày càng tăng nhanh cũng đẩy nhu cầu về các hệ thống chăm sóc sức khỏe gia tăng, do vậy các nghiên cứu tại AINST cần tập trung cải thiện việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh cùng những điều kiện y học sử dụng công nghệ nano.
Về lĩnh vực thứ ba, họ cho rằng các máy tính thông thường rất nhanh bị lỗi thời về tốc độ và quy mô truyền dẫn, trong khi con người ngày càng có nhu cầu truyền thông nhanh hơn với an ninh tốt hơn, nên các nghiên cứu khoa học muốn giúp xây dựng công nghệ truyền thông và thông tin thế hệ tiếp theo phù hợp với nền kinh tế tri thức.
Dựa trên những mục tiêu này, Trung tâm khoa học nano Sydney có những phòng thí nghiệm được thiết kế chuyên biệt và hiện đại hàng đầu thế giới cho nghiên cứu khoa học lượng tử, lượng tử ánh sáng nano, các nguyên vật liệu ở mức độ nano hay khoa học nano phân tử.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
73 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tiêu biểu năm 2016 sẽ được trao tặng danh hiệu Sao Khuê. Buổi lễ công bố và trao danh hiệu diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội.
Những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tham dự các sự kiện, lễ hội âm nhạc sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm căng thẳng. Không dừng lại ở đó, việc góp mặt trong những dàn đồng ca nhà thờ còn góp phần chữa trị bệnh ung thư.
Ngày 15-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức phê chuẩn văcxin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới.
Ngôi trường trung học phổ thông ở Nhật Bản lần đầu tiên sẽ tiếp nhận một học sinh đặc biệt, tên cậu ấy là Pepper, một robot có thiết kế giống hệt con người.