Trấn Yên: Đưa tiến bộ khoa học vào thâm canh chè Bát tiên
- Cập nhật: Thứ năm, 20/4/2017 | 4:31:27 PM
YBĐT - Huyện Trấn Yên hiện có trên 2.049 ha chè tập trung ở các xã: Báo Đáp, Đào Thịnh, Nga Quán, Bảo Hưng, Việt Cường..., năng suất chè búp tươi trung bình năm 2015 đạt 8 tấn/ha, sản lượng đạt trên 16.000 tấn.
Nhân dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hoạch chè Bát tiên.
|
Thực tế đầu tư sản xuất chè của nông dân huyện Trấn Yên chưa đồng đều, nhiều hộ chưa thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, bón phân chưa cân đối, thu hái chè chạy theo lợi nhuận trước mắt, có nơi người dân vẫn dùng liềm, dao cắt chè, chưa thực hiện việc tưới chủ động theo nhu cầu của cây chè, chủ yếu là tận dụng nước trời nên ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chè búp tươi.
Để giúp bà con nông dân trong huyện áp dụng tiến bộ khoa học vào thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng chè, năm 2015, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện Dự án nhân rộng mô hình khoa học công nghệ “Ứng dụng hệ thống tưới phun mưa cố định và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất chè Bát tiên trên địa bàn huyện Trấn Yên”.
Đơn vị chủ trì Dự án (Trạm Khuyến nông huyện) đã xây dựng mô hình tại xã Báo Đáp, quy mô 1,1 ha chè Bát tiên, với sự tham gia của hộ bà Đặng Thị Dần ở thôn 10; hộ ông Nguyễn Đình Hương ở thôn 5 và Nguyễn Sóng Biển ở thôn 4, xã Báo Đáp. Đồng thời lựa chọn 5 hộ để điều tra đối chứng so sánh với mô hình, diện tích 1 ha. Sau khi xây dựng mô hình, tháng 7/2015, đơn vị chủ trì Dự án đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho các hộ tham gia mô hình và một số hộ dân sản xuất chè trong xã tham gia.
Tháng 12/2015, đơn vị chủ trì Dự án triển khai xây dựng hệ thống phun mưa cố định trên diện tích 1,1ha chè của 3 hộ tham gia mô hình nêu trên. Sau khi lắp đặt, hệ thống vận hành đảm bảo, vòi tưới đều trên toàn bộ nương chè, không có rò rỉ. Đơn vị chủ trì Dự án đã cử cán bộ hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc 1,1 ha chè: tưới nước trung bình một năm 14 lần, lượng nước 7m3/sào/lần.
Sử dụng rơm rạ, cỏ khô để tủ gốc chè vào tháng 5/2015 và tháng 4/2016. Bón phân hữu cơ 28 tấn/ha (sử dụng chế phẩm vi sinh để chế biến phân hữu cơ từ chế phụ phẩm nông nghiệp); superlân 540 kg/ha; đạm Ure 810 kg/ha; Kaliclrua 486 kg/ha, bón chia thành nhiều lần theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Dự án.
Phòng trừ sâu bệnh cho chè, chỉ phun thuốc khi đến ngưỡng theo dự báo của cơ quan chuyên môn nhằm giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các hộ tham gia mô hình thu hái chè phải tuân thủ nguyên tắc hái chè san chật nhằm đảm bảo chất lượng búp, tăng số lứa hái/năm, tăng năng suất chè.
Kỹ sư Trồng trọt Lê Anh Tuấn - Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên, Chủ nhiệm Dự án cho biết: “Năm 2016, diện tích 1,1ha chè mô hình được tưới nước, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Thời điểm bắt đầu thu hoạch chè búp tươi vụ xuân sớm hơn so với vườn đối chứng trung bình từ 3 - 6 ngày. Do áp dụng kỹ thuật hái san chật nên khoảng cách giữa các lứa thu hái ở mô hình ngắn hơn so với đối chứng: khoảng cách giữa các lứa hái ở mô hình từ 23 - 25 ngày, còn ở vườn đối chứng là 40 - 41 ngày. Tổng lứa hái ở mô hình là 10 lứa cao hơn 4 lứa so với vườn đối chứng. Năng suất chè búp tươi trung bình mô hình năm 2016 đạt trên 101 tạ/ha, cao hơn 34% so vườn chè đối chứng... Lợi nhuận bình quân của mô hình là trên 61 triệu đồng/ha, cao hơn 17 triệu đồng/ha so với vườn chè đối chứng”.
Sau hai năm triển khai thực hiện Dự án nhân rộng mô hình khoa học công nghệ: “Ứng dụng hệ thống tưới phun mưa cố định và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất chè Bát tiên trên địa bàn huyện Trấn Yên” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là cơ sở để huyện Trấn Yên và các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân áp dụng ra diện rộng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề chè trên địa bàn huyện Trấn Yên và các địa phương trong tỉnh.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (ƯDTBKH&CN) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh được đổi tên thành Trung tâm Thông tin và ƯDTBKH&CN theo Quyết định số 659/QĐ-UBND, ngày 6/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
2014 J025 - tiểu hành tinh được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phân loại "có khả năng gây nguy hiểm", sẽ bay cách trái đất chỉ khoảng 1.766.400 km, tức 4,6 lần khoảng cách trái đất tới mặt trăng (384.400 km).
YBĐT - Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn tái sản xuất bã thải quế sau khi chưng cất tinh dầu tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” của hai cậu học trò Nguyễn Đức Hải và Phan Hoài Kiên đã đạt giải Khuyến khích Hội thi Khoa học và Kỹ thuật (Intel ISEF) cấp quốc gia 2017.
Đây là ca phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u nang buồng trứng lớn nhất từ trước đến nay của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.