Trung tâm đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo giống mới có năng suất, chất lượng trong sản xuất nông - lâm nghiệp, cung ứng cho bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn.
Trong công tác nghiên cứu - thử nghiệm, Trung tâm đã xây dựng các nhiệm vụ khoa học bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trên cơ sở những vấn đề cấp thiết của từng địa phương.
Trong đó, trọng tâm các nhiệm vụ khoa học là ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua quá trình triển khai các đề tài, dự án đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nâng cao được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và được tiếp nhận nhiều quy trình công nghệ mới…
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tổ chức triển khai hàng chục đề tài, dự án, được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu và đánh giá là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết được những vấn đề cấp thiết của từng vùng.
Đặc biệt, trong 2 năm từ 2011 - 2013, Trung tâm đã triển khai thực hiện thành công Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nấm hàng hóa tại tỉnh Yên Bái” thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015. Trung tâm đã xây dựng mô hình sản xuất các loại giống nấm cấp I, cấp II, cấp III, với sản lượng: 9.872 tuýp giống nấm cấp I, 9.354 chai giống nấm cấp II và 9.350 túi giống nấm cấp III.
Đồng thời triển khai thực hiện thành công các mô hình nuôi trồng các loại nấm như: nấm sò, mộc nhĩ, linh chi, nấm rơm... thuộc Dự án tại Trung tâm và các địa phương: Yên Bình, Văn Chấn, thành phố Yên Bái để giới thiệu cho nhiều hộ dân tham quan học tập, nắm bắt được tiến bộ khoa học, áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Trung tâm sản xuất và cung ứng từ 8.000 - 10.000 túi giống nấm các loại cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh để sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn ở tổ 3 phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái là 1 hộ nông dân phát triển kinh tế từ nghề nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu.
Anh Tuấn chia sẻ: "Mình là một kỹ sư nông nghiệp, qua tìm hiểu được biết nấm ăn là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao: hàm lượng protein chỉ sau thịt, cá, rất giàu chất khoáng và các axit amin không thay thế, các vitamin B, C, D, E. Để nấm sinh trưởng tốt, chúng phải được nuôi trồng trong môi trường sạch, tưới nguồn nước sạch.... Với mong muốn lập nghiệp trên quê hương Yên Bái và trở thành nhà cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, năm 2012, tôi đầu tư 200 triệu đồng tiền vốn và bắt đầu với nghề trồng nấm. Vụ nấm đầu tiên, gia đình tôi bị thất bại nặng nề, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Nguyên nhân là do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng nấm, quy trình công nghệ cũng đã được học, nhưng thực hiện chưa đầy đủ và bài bản, thậm chí có những công đoạn thực hiện sơ sài, bỏ qua, chất lượng giống chưa đảm bảo.
Sau khi được biết Trung tâm là đơn vị chuyên cung cấp các loại giống nấm và phổ biến, hướng dẫn các quy trình nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho người dân, tôi đã tìm đến và nhận được hỗ trợ về giống và kỹ thuật. Tôi lại tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Thời gian đầu diện tích nhà xưởng nuôi trồng nấm mộc nhĩ và linh chi chỉ là 1.600m2, đến nay gia đình tôi đã mở rộng diện tích nhà xưởng lên 3.000m2.
Chỉ tính riêng mộc nhĩ một năm tôi nuôi trồng 14 vạn bịch, bình quân mỗi bịch nấm cho thu hoạch 0.7g mộc nhĩ khô, với giá 110.000đ/1kg; nấm linh chi mỗi năm ươm trồng 3.000 bịch, cho thu hoạch xấp xỉ 120kg nấm khô với giá trung bình 600.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đi, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2019, tôi sẽ đầu tư thêm máy đóng bịch và mở rộng quy mô nhà xưởng để sản xuất - anh Tuấn thông tin thêm.
Trước kế hoạch mở rộng quy mô nhà xưởng để sản xuất nấm đồng nghĩa với việc sản lượng nấm sẽ tăng lên nhiều vậy còn thị trường tiêu thụ? Anh Tuấn tự tin cho biết: "Tôi không lo gì cả, vì các sản phẩm nấm khô của gia đình tôi sản xuất luôn tuân thủ nghiêm quy trình công nghệ và chọn giống đảm bảo chất lượng nên khách hàng rất yên tâm.
Hiện nay, các loại nấm khô của gia đình sản xuất ra, không đủ bán cho khách hàng trong tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc. Vì vậy, vụ nấm tiếp theo tôi sẽ tăng thêm 25 tấn nguyên liệu để trồng nấm linh chi và 15 tấn nguyên liệu trồng mộc nhĩ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Để tiếp tục tạo ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng và nhất là giữ được "chữ tín” với khách hàng, hiện nay chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm để học hỏi kinh nghiệm, trong quá trình nuôi trồng nấm nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn.
Những kết quả đạt được của Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN tỉnh trong việc triển khai các đề tài, dự án những năm gần đây đã giúp cho bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh từng bước tiếp cận được tiến bộ khoa học, thay đổi nhận thức về cơ cấu trong sản xuất nông - lâm nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Thu Hương (Trung tâm ƯDKT,TTKH&CN)