Theo nghiên cứu vừa công bố trên Nature Climate Change, có tới 58% bệnh truyền nhiễm đã biết có nguy cơ bùng phát trong tương lai theo một ngàn cách khác nhau, mà nguyên nhân là cụm từ tưởng chừng không mấy liên quan: Biến đổi khí hậu.
Nhóm khoa học gia từ Đại học Hawaiʻi ở Mānoa và Đại học Wisconsin-Madison - Mỹ đã phân tích dữ liệu và 375 mầm bệnh ở người, và nhận thấy các giai đoạn bùng phát trong lịch sử liên quan mật thiết đến các thảm họa khí hậu.
Có lẽ bạn đang nghĩ chúng ta đang ở trong một thời điểm dịch bệnh "bùng nổ"; trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa lui bước hẳn, hàng loạt dịch bệnh mới và cũ đã chen chân nhau tấn công: Đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn, sốt xuất huyết, bại liệt...
Science Alert trích dẫn nghiên cứu, vốn đã đối chiếu cụ thể lịch sử bệnh tật, các biến số đối với khí hậu trong quá khứ, hiện tại và những dự đoán tương lai, cảnh báo rằng có tới 277 căn bệnh đã biết mà con người cần đưa vào vòng theo dõi nghiêm ngặt để ngăn ngừa bùng phát trong tương lai.
Biến đổi khí hậu thật ra từ lâu đã được cảnh báo là nguyên nhân thúc đẩy các dịch bệnh. Các hiểm họa khí hậu biểu hiện bằng sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, sự thu hẹp môi trường sống tự nhiên đang khiến các loài sinh vật tiếp xúc gần với con người hơn, mà ví dụ quen thuộc chính là Zika, sốt rét, sốt xuất huyết, cúm và Ebola.
Biển đổi khí hậu còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều loài mầm bệnh, vốn rất ưa chuộng sự nóng lên toàn cầu. Hơn nữa, biến đổi lớn về môi trường chắc chắn gây biến đổi trong thế giới sinh vật, lịch sử tiến hóa đã cho thấy.
Ví dụ nhiệt độ ấm và lượng mưa cao đang "nuôi tốt" những con bọ ve mang bệnh Lyme và những con muỗi sốt xuất huyết, sốt rét; trong khi việc chúng ta cố làm mát cơ thể đủ kiểu trong sóng nhiệt làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng.
Trong 375 mầm bệnh được phân tích có 286 cái liên quan đến 1 tác nhân duy nhất và 277 trong số đó đã có dấu hiệu trầm trọng hơn khi đối mặt với ít nhất 1 nguy cơ khí hậu.
Chưa kể, một mối đe dọa tiềm tàng khác đang ẩn trong các khối băng giá vĩnh cửu, nơi các mầm bệnh ngủ đông hàng thế kỷ cũng có nguy cơ trỗi dậy.
Biến đổi khí hậu và một môi trường khắc nghiệt, ô nhiễm cũng làm con người ốm yếu hơn, tăng nguy cơ dị ứng, bệnh da, các tình trạng sức khỏe do mất nước, biến chứng thai kỳ...
"Chúng ta chỉ khỏe mạnh như thế giới chúng ta đang sống" - các nhà khoa học kết luận, khẳng định mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe nhân loại và sức khỏe của địa cầu.
(Theo NLĐO)