Các nhà mạng gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile vừa ký thoả thuận cam kết (MoU) để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại diện các nhà mạng đều cho rằng, việc ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ mới, không gian mới của lĩnh vực trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số - xã hội số của Việt Nam.
Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) cho biết, một số đối tượng đã lợi dụng các ưu điểm của dịch vụ viễn thông, phát tán các cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng (telesales) mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng,..) gây phiền nhiễu, quấy rối người tiêu dùng. Dù vậy, đây là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.
Trước thực trạng nêu trên, nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn các cuộc gọi rác, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ cũng như của các doanh nghiệp quảng cáo đúng quy định, trong thời gian vừa qua Bộ TT-TT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định (Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP), xây dựng các Thông tư hướng dẫn tạo hành lang pháp lý quản lý; đồng thời chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai nhiều biện pháp xử lý, tỷ lệ vi phạm cũng đã giảm đi rõ rệt.
Thừa nhận cuộc gọi rác gây phiền nhiễu, khó chịu cho người sử dụng nhưng ông Nguyễn Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, để giải quyết câu chuyện cuộc gọi rác, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, cần phải có cả sự chung tay của người sử dụng, bằng cách khi nhà mạng gửi tin nhắn hỏi cuộc gọi họ vừa nhận có phải cuộc gọi rác hay không, người dùng cần phản hồi lại.
Tỷ lệ phản hồi này còn rất thấp, gây khó khăn cho nhà mạng cũng như cơ quan quản lý trong quá trình xác định nguồn phát tán cuộc gọi rác.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho hay, phần lớn các "cuộc gọi rác” là cuộc gọi chưa được định danh. Thực tế cho thấy, nhiều người dùng vẫn cần thông tin từ các cuộc gọi quảng cáo, việc quảng cáo dịch vụ cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Để làm điều này, các thuê bao thực hiện quảng cáo cần phải được đăng ký định danh, hiện đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc này. Nếu các cuộc gọi được định danh, đó sẽ không còn là cuộc gọi rác.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần chung tay với nhà mạng chặn cuộc gọi rác.
Với SIM rác, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, nhà mạng cần doanh thu, nhưng cũng không cần doanh thu từ những thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
"Vì vậy, nhà mạng phải có trách nhiệm với xã hội và chung tay giải quyết vấn nạn này. Người sử dụng có trách nhiệm phối hợp để xác thực thông tin thuê bao chính chủ, việc này thực hiện rất thuận tiện thông qua các hình thức trực tuyến (video call), tại quầy giao dịch và hotline hỗ trợ của nhà mạng …
Bộ TT-TT sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này”- Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
(Theo ANTĐ)