Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên, đẩy mạnh việc xây dựng, đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Nhiệm vụ này được giao cho Sở KH&CN chủ trì thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
Ông Đinh Khắc Tiến - Trưởng phòng Quản lý khoa học cho biết: "Từ năm 2020, Tỉnh ủy đã dành riêng kinh phí 5 tỷ đồng để thực hiện việc xác lập quyền SHTT trong các chương trình hành động hàng năm của Tỉnh ủy. Tùy thuộc vào tính chất của từng loại sản phẩm cũng như nhu cầu, điều kiện thực tế của từng vùng sản xuất đặc sản địa phương, Sở sẽ lựa chọn, tạo lập và phát triển đối tượng quyền SHTT phù hợp. Thông thường, mỗi nhiệm vụ này sẽ được thực hiện trong 2 năm với kinh phí từ 400-500 triệu đồng, tùy từng chứng nhận”.
Để được cấp giấy chứng nhận bảo hộ SHTT, các đơn vị chủ trì cần thực hiện rất nhiều bước từ việc điều tra hiện trạng quá trình sản xuất, thị trường tiêu thụ của sản phẩm, các giấy tờ hồ sơ đăng ký (đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên môn về tính chất/ chất lượng đặc thù, bản đồ vùng địa lý, thiết kế lựa chọn mẫu logo) cho đến bộ công cụ quảng bá, hệ thống truy suất nguồn gốc, hệ thống quản lý, vận hành thí điểm, đào tạo, tập huấn về SHTT, nâng cao năng lực cho người hưởng lợi... Bởi vậy, khi được cấp quyền bảo hộ quyền SHTT sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm.
Còn đối với người sản xuất sẽ được hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng; sử dụng logo sản phẩm có truy suất nguồn gốc rõ ràng; được cập nhật các thông tin cần thiết về thị trường, được tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm; được bảo hộ, chống lại sự tranh chấp về thương mại, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Đây được coi là bước đi đầu tiên, đặt nền tảng cho chuỗi tiến trình đưa đặc sản địa phương đến sâu, rộng thị trường.
Cùng với việc xác lập quyền SHTT, Sở KH&CN cũng đã triển khai kiểm tra quá trình quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của các chủ sở hữu, cơ quan quản lý hoặc cơ quan ủy quyền quản lý. Quá trình kiểm tra đã xác định được những khó khăn, hạn chế, từ đó, đề xuất giải pháp để quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ một cách hiệu quả.
Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật và các văn bản có liên quan đến công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT; kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ quan quản lý, chủ sở hữu trong công tác quản lý, sử dụng và phát triển.
Đối với chủ sở hữu cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các tiêu chí bắt buộc trong quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá, việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code; quản lý và duy trì website, cập nhật tin bài một cách thường xuyên, liên tục...
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 38 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền SHTT, 19 sản phẩm đang trong quá trình thực hiện. Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, chọn lựa các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh để xác lập quyền bảo hộ SHTT phù hợp.
Đối với những sản phẩm đã được bảo hộ sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển thương hiệu; hình thành các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Nguyễn Hoài