Tên lửa đầu tiên trên thế giới dùng nhiên liệu từ than đá

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/5/2023 | 10:03:44 AM

Tên lửa Tianlong-2 của startup Trung Quốc Space Pioneer phóng thành công lần đầu tiên hồi tháng 4 với nhiên liệu là dầu kerosene hàng không gốc than đá.

Vụ phóng tên lửa Tianlong-2 ngày 2/4.
Vụ phóng tên lửa Tianlong-2 ngày 2/4.

Nhiên liệu mới của Space Pioneer hoạt động tốt như dầu kerosene hàng không làm từ dầu mỏ. Một số chuyên gia vũ trụ cho biết, nó cung cấp năng lượng an toàn và hiệu quả cho ngành hàng không vũ trụ vốn khan hiếm nhiên liệu của Trung Quốc, SCMP hôm 25/5 đưa tin.

Các động cơ tên lửa đòi hỏi nhiên liệu cao cấp và dầu kerosene tên lửa truyền thống chỉ có thể tinh chế từ dầu mỏ chất lượng cao thông qua quy trình chiết xuất phức tạp. Nguồn cung nhiên liệu như vậy luôn gặp nhiều thách thức khi Trung Quốc có trữ lượng dầu hạn chế và chất lượng mỏ dầu nhìn chung không cao.

Vụ phóng tên lửa đầu tiên chạy bằng dầu kerosene hàng không gốc than đá được coi là một thành tựu mang tính bước ngoặt trong ngành hàng không vũ trụ.

"Thành công của nghiên cứu mới giúp mở rộng nguồn cung nhiên liệu cho ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đặt nền tảng vững chắc cho việc phóng tên lửa đẩy thế hệ mới", China Space News, tờ báo thuộc Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), cho biết.

Dầu kerosene hàng không gốc than đá do nhiều công ty nhà nước Trung Quốc phối hợp phát triển, bao gồm Viện Nghiên cứu số 165 thuộc CASC, Công ty Hóa chất Than lỏng thuộc Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Than Ninh Hạ.

Sau nhiều năm thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện, dầu kerosene hàng không sản xuất từ quá trình hóa lỏng than đá có các đặc tính tương tự loại làm từ dầu mỏ. Phát hiện này mang đến giải pháp năng lượng hàng không vũ trụ đầy hứa hẹn vì Trung Quốc có nguồn tài nguyên than dồi dào và công nghệ chuyển đổi than thành chất lỏng đang hoàn thiện.

"Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, viện đã phát triển thành công dầu kerosene hàng không gốc than đá, thiết lập dây chuyền sản xuất với sản lượng hàng năm đạt 5.000 tấn (ước tính cung ứng cho hơn 30 chuyến bay). Đến năm 2025, sản lượng hàng năm dự kiến tăng lên khoảng 30.000 tấn", Fu Quanjun, phó giám đốc Viện Nghiên cứu số 165, cho biết.

Ngày 2/4, sau hơn 300 thử nghiệm động cơ và thời gian thử nghiệm kéo dài hơn 60.000 giây, tên lửa Tianlong-2 phóng thành công với nhiên liệu mới. Động cơ nhiên liệu lỏng YF-102 trên Tianlong-2 do Viện Công nghệ và Khoa học Hàng không vũ trụ số 6 phát triển, là động cơ tiêu chuẩn cho các phương tiện phóng thế hệ mới của Trung Quốc. Các tên lửa Trường Chinh 5, 6 và 7 đều sử dụng động cơ thuộc series này, đồng nghĩa chúng cũng có thể sử dụng dầu kerosene hàng không vũ trụ gốc than đá làm nhiên liệu.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
PGS.TS Trần Văn Miền bên ngôi nhà bằng công nghệ in 3D do ông và đồng sự thiết kế.

Dựa trên nguyên lý hoạt động các máy xay thịt, máy ép đùn chả cá, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Miền cải tiến, phát triển máy in 3D đùn bê tông xây nhà.

Nhờ dự đoán của Albert Einstein các nhà thiên văn học đã tìm thấy siêu lỗ đen với kích thước khổng lồ.

Không ngờ lỗ đen với kích thước đáng kinh ngạc lại được tìm thấy nhờ dự đoán của nhà khoa học Albert Einstein.

Ảnh minh họa

Cây trám đen ghép là loại cây trồng đa tác dụng, cho hiệu quả kinh tế cao và sau trồng 3 năm đã bói quả; từ 7 - 10 năm có thể cho sản lượng quả trên 2 tạ/cây/năm.

Các chuyên gia khảo sát và tư vấn công nghệ dây chuyền sản xuất viên nén sinh học từ phụ phẩm sau chế biến gỗ tại Chi nhánh Công ty cổ phần Netma Yên Bái.

Với sự hỗ trợ đắc lực về công nghệ, Chi nhánh Công ty cổ phần Netma tại Yên Bái (xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình) đã tiếp nhận và hoàn toàn làm chủ quy trình công nghệ biến phụ phẩm sau chế biến gỗ trở thành viên nén sinh học - nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo, phục vụ dân dụng, công nghiệp và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục