Tờ báo bán chạy nhất châu Âu thay một loạt nhân viên bằng AI

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/6/2023 | 3:00:18 PM

Báo Bild của Đức - tờ báo bán chạy nhất ở châu Âu - dự kiến thay thế một loạt vị trí biên tập bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để cắt giảm chi phí.

Bild là tờ báo bán chạy nhất ở châu Âu.
Bild là tờ báo bán chạy nhất ở châu Âu.

Báo này cũng đang tổ chức lại hoạt động kinh doanh ở khu vực, cũng như giảm số lượng ấn phẩm từ 18 xuống còn 12. Động thái này được cho là sẽ dẫn đến việc dư thừa hàng trăm người lao động.

Nhà xuất bản truyền thông lớn nhất châu Âu Axel Springer - chủ sở hữu tờ Bild - viết trong thư điện tử nội bộ gửi đến các nhân viên rằng tờ báo này lấy làm tiếc khi phải chia tay với những nhân sự trong mảng kỹ thuật số, thay thế bằng AI hoặc các quy trình tự động hóa.

Theo đó, các vị trí biên tập viên, nhân viên chỉnh sửa xuất bản trong ấn phẩm, biên tập viên phụ, người đọc dò và chỉnh sửa ảnh tại Bild sẽ không còn tồn tại như hiện nay.

Báo Đức Frankfurter Allgemeine (FAZ) cho biết bức thư trên đã được xác nhận bởi 4 nhà quản lý hàng đầu của tờ báo, trong đó có Tổng biên tập Marion Horn và Robert Schneider. Các biện pháp tương tự cũng có thể xảy ra đối với nhật báo Die Welt cũng thuộc sở hữu của nhà sản xuất bản Axel Springer.

Thông báo này được đưa ra sau khi Giám đốc điều hành Mathias Döpfner tuyên bố vào tháng 2 rằng nhà xuất bản này sẽ trở thành một "công ty truyền thông kỹ thuật số thuần túy”. Ông nói các công cụ AI như ChatGPT có thể làm cho báo chí độc lập trở nên tốt hơn bao giờ hết, hoặc thay thế nó.

Ông Döpfner dự đoán AI sẽ sớm tổng hợp thông tin tốt hơn các nhà báo con người và chỉ những nhà xuất bản tạo ra "nội dung gốc hay nhất” – ví dụ như báo chí điều tra và bình luận gốc – mới tồn tại được.

Bild hiện chưa đưa ra số lượng công việc cụ thể sẽ bị AI thay thế. Tờ báo cho biết họ sẽ cố gắng tránh tình trạng cắt giảm nhân sự nhất có thể.

Axel Springer không phải là nhà xuất bản tin tức đầu tiên xem xét "tuyển dụng” trí tuệ nhân tạo. BuzzFeed muốn sử dụng AI để nâng cao chất lượng nội dung và các câu đố trực tuyến, trong khi Daily Mirror và Daily Express ở Anh cũng đang tìm hiểu về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Các công cụ AI như ChatGPT có thể tạo văn bản cực kỳ tinh vi từ lời gợi ý đơn giản của người dùng. Nó tạo ra mọi thứ từ bài tiểu luận và đơn xin việc cho đến thơ và tác phẩm hư cấu, nhưng phản hồi của nó đôi khi không chính xác hoặc thậm chí là bịa đặt.

Tạp chí Men's Journal và trang web chuyên về tin tức công nghệ Cnet cũng đã sử dụng AI để viết báo, sau đó được các biên tập viên con người rà soát lại để đảm bảo độ chính xác. Cnet đã thừa nhận rằng dự án này có những hạn chế vì một nửa số bài báo do AI viết cần phải chỉnh sửa lại. 

Hồi tháng 4, nhà xuất bản tạp chí hàng tuần Die Aktuelle của Đức đã sa thải một biên tập viên và xin lỗi gia đình của tay đua Michael Schumacher sau khi biên tập viên đó đăng một bài phỏng vấn với huyền thoại Công thức 1 do AI tạo ra, chứ hoàn toàn không có thật. 

Nhà vô địch 54 tuổi này đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 12/2013, sau khi anh bị chấn thương sọ não không nghiêm trọng vì tai nạn trượt tuyết ở dãy núi Alps của Pháp. Gia đình ông đã khởi kiện các nhà xuất bản của tạp chí Die Aktuelle vì đăng bài sai sự thật. 

(Theo Tin tức)

Các tin khác
Logo của Microsoft tại tòa nhà ở New York City, Mỹ.

Tập đoàn chế tạo phần mềm Microsoft vừa thông báo nguyên nhân dẫn đến các vụ mất điện hồi đầu tháng 6, ảnh hưởng đến một số dịch vụ của tập đoàn này là do bị tấn công mạng, đồng thời cho biết chưa tìm ra bằng chứng về việc truy cập hoặc làm hư hại những dữ liệu về khách hàng.

Thanh kiếm bằng đồng hơn 3.000 năm tuổi “gần như vẫn còn sáng bóng”.

Thanh kiếm bằng đồng hơn 3.000 năm tuổi “gần như vẫn còn sáng bóng”, đã được khai quật ở miền Nam nước Đức.

Sản phẩm mật ong hoa tự nhiên huyện Mù Cang Chải được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. (ảnh: Thông Nguyễn)

Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương với các mô hình, dự án được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.

TS Trương Vĩ Khánh giới thiệu về vải được phủ kim loại.

Bằng cách phủ lên bề mặt vải một lớp 'kim loại lỏng', TS Trương Vĩ Khánh cùng cộng sự từ Đại học Flinders (Australia) phát triển thành công vật liệu thông minh có thể tự lành và theo dõi được nhịp tim.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục