Những năm gần đây, Yên Bái ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng Internet phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số trên địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 80% số dân sử dụng Internet với gần 1 triệu thuê bao Internet di động và 200 nghìn thuê bao cáp quang Internet.
Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Số lượng người sử dụng Internet và mạng xã hội (MXH) nhiều cũng như sự phát triển vũ bão của Internet đã mở ra cơ hội cho nhiều thông tin xấu độc, thông tin rác trên mạng xã hội.
"Rác” trên Internet, nhất là trên các mạng xã hội xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: nhạc chế, clip, video với những nội dung nhảm nhí, hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục; livestream bán hàng; quảng cáo sai sự thật, cổ xúy mê tín dị đoan; tung tin giả; bêu xấu, xúc phạm đến uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân...
Đi kèm với đó là những bình luận vô văn hóa, thiếu hiểu biết cũng như coi thường pháp luật. Những thông tin rác này đã gây ra tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Thời gian gần đây, tính năng livestream trên MXH được người dùng sử dụng khá phổ biến vào các mục đích như: kinh doanh online, quảng bá hình ảnh cá nhân, câu like, câu view... Tuy nhiên, trong không ít livestream có những nội dung tiêu cực, phản cảm, phát ngôn gây thù hận, xúc phạm danh dự cá nhân. Đồng thời có không ít video liên quan đến bạo lực học đường, đánh ghen, chửi bới... đã phản ánh hiện tượng sai lệch khi sử dụng MXH của người dùng…
Với mục đích phát triển lành mạnh MXH, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH và góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Bộ Quy tắc có quy định cụ thể đối với nhóm người trong xã hội.
Bộ Quy tắc khuyến khích mỗi người sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp, chia sẻ thông tin tích cực, lan tỏa việc tốt đẹp.
Tại Yên Bái, ngay sau khi Bộ Quy tắc được ban hành, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ MXH đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Bộ Quy tắc ứng xử đến đông đảo người dân nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH.
Ông Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Yên chia sẻ: "Bộ Quy tắc ngắn gọn, đề cập đầy đủ trách nhiệm các bên, hướng dẫn ứng xử của cán bộ công chức. Đây là "áo giáp” phòng ngừa, ngăn chặn những yếu tố xấu độc, phi đạo đức, văn hóa; đồng thời lan tỏa những giá trị, hiệu ứng tích cực trên không gian mạng”.
Bên cạnh đó, ngày 13/10/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3455/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, MXH trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo đó, yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện cấp phép trang thông tin điện tử đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước; các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi và cập nhật thông tin đăng tải về ngành để kịp thời phản bác đối với những thông tin sai sự thật trên MXH làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh…
Để Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ MXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Bộ quy tắc ứng xử nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH. Qua đó, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh…
Thu Hiền