Là một đơn vị sản xuất, kinh doanh, chị Đoàn Thị Lương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương luôn lo lắng việc làm thế nào có thể mở rộng thị trường, tối ưu hóa chi phí và quản lý được doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Điều đó đã thôi thúc chị nghiên cứu, học hỏi và tìm kiếm cơ hội cải thiện vấn đề còn nhiều hạn chế của mình.
Thông qua các đơn vị, các cuộc kết nối, đào tạo, học hỏi về tiếp thị đa kênh, đa nền tảng, chị nhận thấy công nghệ là công cụ tuyệt vời giúp giải quyết nhiều vấn đề trong kinh doanh một cách hiệu quả. Đó thật sự là giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã; thậm chí, các hộ kinh doanh cũng có thể tận dụng tốt cơ hội này để bứt phá, thay đổi cách nghĩ, cách làm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chị Lương chia sẻ: "Tôi rất cảm ơn sở, ngành của tỉnh đã cho tôi tham dự các hội nghị, hội thảo và tập huấn về ứng dụng công nghệ thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường. Công nghệ đã mang đến cho chúng tôi những công cụ mạnh mẽ để nắm bắt thông tin về thị trường và khách hàng; từ đó, tạo ra các chiến lược tiếp thị và bán hàng hiệu quả hơn. Chúng tôi có thể tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh khác nhau như: website, ứng dụng di động, mạng xã hội và email marketing. Điều này giúp chúng tôi tăng cường hiệu quả tiếp cận và tạo dựng thương hiệu mạnh mẽ trên nhiều nền tảng”.
Những năm qua, Yên Bái luôn quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng tạo cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, nhiều đơn vị đã xác định được vị trí quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thích ứng và từng bước ứng dụng công nghệ vào tiếp thị và giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số. Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã định hướng và quan tâm tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về ứng dụng công nghệ vào quản lý doanh nghiệp, tiếp thị sản phẩm.
Đặc biệt, nhiều hội nghị, hội thảo mời nhiều các đơn vị lớn trong mô hình sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội… đã mang lại hiệu quả tích cực. Các nhà sản xuất của tỉnh đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Hàng trăm sản phẩm của các HTX đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Các chuyên gia cho rằng, với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, bán lẻ. Vì vậy, để tăng trưởng trong xu thế này, người kinh doanh và doanh nghiệp cần có một mô hình kinh doanh liên tục thích ứng, đặt khách hàng vào trung tâm bằng cách kết hợp công nghệ, thương mại, sản xuất, logistics… Các doanh nghiệp, nhãn hàng luôn phải tối ưu nguồn lực của mình và đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển.
Việc ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt; tối ưu hóa chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng; từ đó, gia tăng doanh số. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ được ví như cầu nối giúp nhà sản xuất và người tiêu dùng được gần hơn.
Chị Trần Thị Lan Anh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Tôi biết đến các sản phẩm dấm táo mèo trên Tiktok. Tôi đã đặt mua được dễ dàng các sản phẩm đặc sản của Yên Bái trực tiếp với các cơ sở sản xuất nên yên tâm về chất lượng”.
Ứng dụng khoa học, công nghệ mở rộng tiếp thị, bán hàng đa kênh và quản lý doanh nghiệp hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, mà còn cải thiện trải nghiệm mua sắm và tương tác của người dân. Đây là xu hướng không thể phủ nhận trong thời đại công nghệ số, tạo ra cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp và người dùng.
Thanh Ba