Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác NCKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng song hành cùng với quá trình phát triển, đổi mới, nâng cao năng lực kỹ thuật, nâng cao y đức. Theo thời gian, số lượng đề tài, sáng kiến đang tăng dần qua từng năm. Nhiều nghiên cứu đã mang lại những lợi ích to lớn cho hoạt động chuyên môn và quản lý, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh.
Thực hiện đề tài NCKH về đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi (PTNS) khâu lỗ thủng ổ loét dạ dày tá tràng tại Bệnh viện, nhóm bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hữu Chung, Chu Thanh Hiền (Khoa Ngoại) đã nghiên cứu quá trình PTNS của 34 bệnh nhân thực hiện loại phẫu thuật này trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2023.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hữu Chung cho biết: "Chúng tôi làm nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá khả năng thành công của PTNS khâu lỗ thủng loét dạ dày tá tràng; từ đó, có thể xem phẫu thuật này như một chỉ định chính thức trong phác đồ điều trị khâu lỗ thủng loét dạ dày tá tràng tại Bệnh viện. Ngoài ra, việc đánh giá kết quả điều trị, ghi nhận những tai biến, biến chứng trong quá trình phẫu thuật rất quan trọng sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân”.
Qua nghiên cứu, nhóm bác sĩ đã đưa ra những kết luận về PTNS khâu lỗ thủng loét dạ dày tá tràng. Đây là phẫu thuật có tỷ lệ thành công rất cao; kỹ thuật mổ không khó, thời gian phẫu thuật không quá dài, thời gian nằm viện không lâu, ít tai biến và biến chứng. Phẫu thuật này cho kết quả rất tốt, mang lại giá trị thẩm mỹ, tất cả các bệnh nhân đều hài lòng vì không bị đau nhiều và không bị vết sẹo mổ dài như trong mổ mở, thời gian hồi phục sớm hơn.
Hay xuất phát từ những khó khăn trong quá trình gây mê cho người cao tuổi, nhóm bác sĩ Lê Thị Ánh Nguyệt, Diêm Sơn (Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức) đã triển khai đề tài nghiên cứu hiệu quả sử dụng propofol phối hợp với ketamin tĩnh mạch để khởi mê ở người cao tuổi. Đề tài đã đánh giá tác dụng vô cảm và sự thay đổi các chỉ số về tuần hoàn, tác dụng không mong muốn khi khởi mê bằng propofol kết hợp ketamin 0,5mg/kg tĩnh mạch ở người cao tuổi. Qua nghiên cứu, khởi mê bằng propofol kết hợp với ketamin liều thấp (0,5mg/kg) ít gây ảnh hưởng đến huyết áp hơn so với khởi mê bằng propofol đơn thuần. Nhờ đó, Bệnh viện đã có cơ sở thực tiễn để ứng dụng phương pháp này rộng rãi hơn.
Có thể thấy, dựa trên kết quả NCKH, Bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới vào công tác khám bệnh, chữa bệnh. Gần đây, các nghiên cứu mới trong lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện; khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế, thái độ ứng xử của nhân viên y tế... được ứng dụng; qua đó, góp phần giúp các đơn vị rút kinh nghiệm trong quản lý; đồng thời, áp dụng các biện pháp cải tiến về mọi mặt giúp nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh theo phương châm "Hơn cả một bệnh viện”.
Thạc sĩ, bác sĩ Diêm Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Nhờ phát triển NCKH, ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ của thế giới vào trong công tác khám chữa bệnh, trong những năm qua, Bệnh viện đã có sự phát triển mạnh mẽ về chuyên môn và quản lý. Kết quả cho thấy, năm 2016 là bệnh viện hạng II thực hiện được 51% kỹ thuật của tuyến tỉnh, tỷ lệ chuyển tuyến khoảng 7 % thì đến năm 2023 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là bệnh viện hạng I, thực hiện 86% kỹ thuật tuyến tỉnh và trên 300 kỹ thuật tuyến trung ương, tỷ lệ chuyển tuyến còn 2,2%; được phê duyệt thành bệnh viện đa khoa tuyến cuối liên tỉnh theo Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ”.
Riêng trong năm 2023, Bệnh viện đã nghiệm thu 25 đề tài NCKH, 5 sáng kiến, có 2 bài báo khoa học quốc tế và 7 bài báo trong nước, các cán bộ của Bệnh viện thường xuyên tham dự và có bài báo cáo tại các hội nghị khoa học ngành y tế trong nước. Điều này, làm cho Bệnh viện ngày càng hội nhập phát triển, có tiếng nói và uy tín hơn tại các diễn đàn khoa học trong nước, từng bước tham gia vào các diễn đàn khoa học quốc tế.
Hoài Anh