Văn Yên từng là thủ phủ của sắn với diện tích lên tới 15.000 ha nhưng do phát triển ồ ạt, canh tác độc canh, chưa biết cách ứng dụng KHKT dẫn đến năng suất, giá trị sản phẩm thấp. Trước thực trạng đó, huyện Văn Yên chủ trương giảm dần diện tích sắn; tích cực hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để canh tác sắn bền vững trên đất dốc.
Các biện pháp đều được cán bộ chuyên môn, khuyến nông viên cơ sở tích cực phối hợp với UBND các xã vùng nguyên liệu sắn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng, từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, ngày càng nhân rộng các diện tích canh tác theo hướng bền vững.
Năm 2024, huyện Văn Yên có 4.000 ha thì đã có 1.028 ha được áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, trong đó: xếp băng cành sắn 223 ha, trồng cây lâm nghiệp đỉnh đồi 478 ha, sử dụng bón phân hưu cơ vi sinh ủ từ vỏ sắn là 244 ha, trồng băng cây cốt khí cỏ 21 ha, trồng xen lạc, đậu đỗ 62 ha.
Bà Nguyễn Thị Kỳ ở xã Mậu Đông chia sẻ: "Từ khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chi phí canh tác sắn giảm tới hơn một nửa, bởi phân bón hữu cơ được nhà máy hỗ trợ toàn bộ. Hơn nữa, tại những diện tích sắn được bón phân hữu cơ vi sinh, đất tơi xốp hơn, độ ẩm cao hơn, tỷ lệ mùn cao hơn cùng với việc áp dụng các kỹ thuật canh tác sắn bền vững trên đất dốc, sử dụng giống sắn mới BK thay thế các giống sắn thoái hóa, năng suất sắn của gia đình đã tăng lên đáng kể, trung bình từ 42 - 45 ha, lợi nhuận gần 5 chục triệu đồng/ha”.
Cùng với cây sắn, những năm qua, huyện Văn Yên đã tích cực phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng KHKT để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 44 lớp và 1.341 nhóm hộ với gần 20.000 lượt người tham gia về các nội dung: kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ rừng trồng, tre Bát độ, dâu tằm, cây ăn quả; kỹ thuật sử dụng một số loại phân bón; kỹ thuật về chăm sóc nuôi dưỡng, ủ dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét, nắng nóng, dịch bệnh cho vật nuôi; kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...
"Ngoài ra, Trung tâm đã triển khai mới 5 mô hình ứng dụng, chuyển giao KHKT, tiếp tục tư vấn hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi các mô hình cây, con giống mới trong nhân dân, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi để được nghiệm thu theo Nghị quyết 69 của tỉnh, đồng hành cùng nhân dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất” - ông Thắng thông tin.
Tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất đã giúp nền nông nghiệp Văn Yên có bước tiến dài. Trong chăn nuôi chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao như: hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín, cho ăn, uống tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát.
Trong trồng trọt, huyện đã đẩy mạnh đưa những giống lúa, cây ăn quả, sắn, dâu tằm… phát triển thành vùng hàng hóa chuyên canh quy mô lớn. Trong lĩnh vực lâm nghiệp đã từng bước hình thành vùng quế theo hướng hữu cơ…
Có thể thấy, công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT trên địa bàn huyện Văn Yên đã bám sát theo các định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của huyện, của ngành, đáp ứng được nhu cầu của địa phương và của người sản xuất. Các nhiệm vụ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT triển khai đảm bảo yêu cầu về thời vụ, cơ bản đúng tiến độ đề ra, góp phần tích cực phục vụ cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng "xanh - sạch - an toàn”.
Hoài Anh