Vinh danh 56 ''nhà khoa học của nhà nông'' 2024

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/10/2024 | 3:27:12 PM

Các tác giả được vinh danh là nhà khoa học, trí thức, nhà sáng chế và nông dân sáng tạo có nghiên cứu, sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho nông dân.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bên trái) và Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (bên phải) trao giấy chứng nhận và biểu trưng cho PGS.TS Trần Thanh Vân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bên trái) và Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (bên phải) trao giấy chứng nhận và biểu trưng cho PGS.TS Trần Thanh Vân.

Lễ tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 5 được tổ chức sáng 3/10 tại Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đại diện lãnh đạo Ban bộ ngành, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Hội nông dân các tỉnh, thành phố.

Danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông" năm nay vinh danh 56 cá nhân tiêu biểu. Theo Hội đồng giải thưởng, tiêu chí xét chọn dựa trên đóng góp công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị cho cộng đồng.

Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông" nhằm ghi nhận các nhà khoa học và nông dân sáng tạo có cống hiến xuất sắc, tiêu biểu, góp phần tri thức hóa nông dân, hướng tới xây dựng thế hệ nông dân mới.

Qua 5 lần tổ chức, giải thưởng góp phần nâng cao nhận thức, khởi dậy niềm tự hào, trí tuệ và tinh thần cần cù, vượt khó, đam mê sáng tạo trong tầng lớp nhân dân và các nhà khoa học, từ đó tạo phong trào nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến ứng dụng mô hình khoa học công nghệ vào thực tiễn.

"Nhiều công trình, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp, các cải tiến sáng tạo góp phần nâng cao năng suất chất lượng, cho thấy sức sáng tạo phong phú đa dạng", ông nói.

Trong danh sách nhà khoa học của nhà nông năm nay, có 37 người có học hàm, học vị là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều trí thức, nhà khoa học là các tác giả các sáng chế, cải tiến kỹ thuật, như GS.TS Hoàng Thị Thái Hoà, Trưởng khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, với 35 đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt khi chuyển giao đến nông dân, các nghiên cứu tận dụng phụ phẩm cây trồng làm phân hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, với các nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao cho nông dân các giống lạc MD7, MD9, L14 năng suất, chất lượng, có khả năng kháng bệnh héo xanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hay TS Dương Đình Đức, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, với nhiều đề tài dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật như bảo tồn phát triển Sâm Lai Châu, phục tráng giống lúa Khẩu Hốc.

Chương trình cũng có những nông dân sáng tạo, đam mê nghiên cứu, sở hữu nhiều sáng chế, cải tiến công cụ, máy móc. Với nhiều năm theo đuổi phục dựng 40 giống lúa mùa, kỹ sư Lê Quốc Việt (60 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã Nông dân sáng tạo (IFC), huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, được công nhận danh hiệu. Từ năm 2017, ông Việt trồng và bảo tồn nhiều giống lúa mùa bản địa xưa, phối hợp các Viện nghiên cứu ở đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) trồng trẻ hóa 850 giống lúa địa phương, chọn lọc 2 giống riêng TV1, TV2.

Hay ông Nguyễn Văn Lĩnh (45 tuổi), Giám đốc Công ty Chế tạo máy Lĩnh tỉnh Bình Phước, dù không trải qua trường lớp kỹ thuật nào vẫn tự tìm tòi học hỏi, cải tiến sáng tạo các loại máy móc nông nghiệp đa chức năng, giúp cải thiện hiệu suất, giải phóng sức lao động. Ông nghiên cứu và sáng chế 4 sản phẩm máy cho cho ngành nông nghiệp như máy phun thuốc bảo vệ thực vật "5 trong 1", máy thổi lá cao su chống cháy mùa khô, máy phát cỏ trục băm. Ông chế tạo thiết bị dùng để bơm chất lưu có độ nhớt (như mủ cao su, bủn lỏng) được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2023. Hiện các thiết bị của ông Lĩnh chế tạo có giá dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, được áp dụng tại hơn 20 tỉnh, thành phố cùng một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia.

Ông Võ Văn Út, 63 tuổi, Long An đã sáng chế máy gieo hạt bắp, dụng cụ gieo mè, máy nhổ đậu phộng giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân. Với giải pháp máy gieo hạt bắp có thể gieo được 1 ha trong hai giờ, tiết kiệm chi phí khoảng 20 công lao động so với cách gieo truyền thống. "Giải thưởng góp phần động viên tinh thần để nông dân làm thêm nhiều sản phẩm mới giúp quê hương và địa phương, đưa vào ứng dụng sản xuất thuận lợi hơn", ông Út chia sẻ.

Chương trình "Nhà khoa học của nhà nông" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện. Kể từ lần đầu tổ chức năm 2018, đến nay đã có 301 cá nhân được vinh danh.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Màng seal nhôm là giải pháp niêm phong hiệu quả, phổ biến trong các ngành thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Nó bảo vệ sản phẩm khỏi không khí, độ ẩm và vi khuẩn, giúp duy trì chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng. Lựa chọn màng seal phù hợp với chất liệu bao bì và yêu cầu bảo quản là chìa khóa đảm bảo sự an toàn và toàn vẹn của sản phẩm.

Mô phỏng hạt nhân nguyên tử phóng xạ.

Các nhà khoa học Trung Quốc phát triển một loại pin hạt nhân với tế bào quang điện có thể sản xuất điện trong hàng trăm năm, ở hiệu suất cao gấp nghìn lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất.

Mặt trăng mọc là thời điểm tốt nhất để quan sát kích thước lớn của siêu trăng.

Ngày 17/10, những người yêu thích thiên văn có thể tiếp tục được chiêm ngưỡng siêu trăng thứ 3 trong năm nay.

Adobe Photoshop có ngôn ngữ tiếng Việt cho người dùng.

Ngày 30-9, Công ty Adobe công bố chính thức ra mắt tính năng hỗ trợ tiếng Việt dành cho phần mềm Photoshop trên máy tính, giúp người dùng Việt Nam thỏa sức sáng tạo mà không gặp trở ngại về ngôn ngữ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục