Hiểm họa từ... thuốc giảm đau
- Cập nhật: Thứ năm, 7/6/2012 | 8:14:53 AM
Trưởng phòng y tế của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Jiri Dvorak đã cảnh báo các cầu thủ dự vòng chung kết Euro 2012 có thể đối mặt với nguy hiểm do lạm dụng thuốc giảm đau.
Tiền vệ tuyển Pháp Yann M’Vila (17) bị chấn thương nặng nhưng vẫn có mặt ở Euro 2012. Để ra sân thi đấu, tiền vệ 21 tuổi này chắc chắn phải sử dụng thuốc giảm đau - Ảnh: AFP
|
Theo thống kê của ông Jiri Dvorak, World Cup 2010 có 39% cầu thủ phải sử dụng thuốc giảm đau trước mỗi trận đấu. Hầu hết trong số họ đều dùng loại thuốc chống viêm để có thể ra sân dù đang bị chấn thương. Đồng thời chuyên gia y tế này cũng cảnh báo hiện tượng sử dụng các loại thuốc giảm đau ngày càng tăng với mức độ chóng mặt.
Điều đáng nói không riêng những cầu thủ ngôi sao, ngay cả những cầu thủ trẻ sử dụng thuốc giảm đau ngày càng thường xuyên. Ông Jiri Dvorak nói với Daily Mail (Anh): “Ở những giải đấu dành cho lứa tuổi U-17 có từ 16-19% cầu thủ sử dụng thuốc giảm đau. Đó là điều mà những người làm bóng đá phải quan tâm hơn”.
Tạp chí y tế thể thao của Anh đã gọi thuốc giảm đau là “thảm họa tiềm ẩn”, đồng thời những nghiên cứu đã đưa ra kết quả đáng giật mình: ở những kỳ World Cup gần đây có khoảng 71,7% trong tổng số 736 cầu thủ phải cần đến sự chăm sóc y tế ở mỗi trận đấu. Và 60,3% trong số này ít nhất một lần dùng thuốc giảm đau.
Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu này, ở nhiều giải bóng đá hàng đầu châu Âu trung bình một trận mỗi cầu thủ sử dụng hơn ba loại thuốc khác nhau. Trả lời phỏng vấn BBC, ông Jiri Dvorak nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể dùng từ lạm dụng để nói về tình trạng ngày càng nhiều cầu thủ sử dụng các loại thuốc giảm đau. Chúng ta cần phải xem xét nghiêm túc, phân tích những tác hại của hiện tượng này”. Phó giám đốc Hiệp hội Phòng chống doping thế giới (WADA) Hans Geyer nhận định: “Đây là tình trạng đáng báo động”.
Ông Jiri Dvorak sẽ tiếp tục nghiên cứu về vấn đề sử dụng thuốc và thuốc giảm đau ở nhiều giải đấu khác trước khi có kiến nghị lên FIFA đề nghị có những biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc như hiện nay. Nhưng theo dự báo của các chuyên gia y tế, số lượng cầu thủ sử dụng thuốc giảm đau sẽ tăng vọt ở vòng chung kết Euro 2012.
Nói vậy bởi trong tổng số 368 cầu thủ góp mặt ở Euro 2012 hầu hết đều ít nhiều đang dính chấn thương. Trong đó đội tuyển Anh ngoài những cầu thủ đã “vô phương cứu chữa” phải ngồi nhà như: Lampard, Barry, Cahill... còn lại rất nhiều cầu thủ như: Gerrard, Terry, Parker, Welbeck đều trong tình trạng chấn thương, phải miễn cưỡng ra sân.
Đội tuyển Tây Ban Nha cũng có nhiều ngôi sao đang mang “mầm chấn thương” như: Fabregas, Iniesta, Xavi, Alonso. Đáng chú ý là đội bóng càng có nhiều ngôi sao thì càng có nhiều cầu thủ bị chấn thương hoặc quá tải. Nguyên nhân do những cầu thủ này đều là trụ cột của các CLB hàng đầu ở châu Âu nên gần như đã bị vắt kiệt sức sau một mùa giải căng thẳng với mật độ thi đấu dày đặc.
(Theo TT)
Các tin khác
Sáng 6/6, từ lúc mặt trời mọc tới khoảng giữa trưa, Việt Nam sẽ chiêm ngưỡng một trong những hiện tượng thiên văn hiếm gặp nhất thế kỷ - phải đến 105 năm nữa mới lặp lại - sao Kim đi ngang qua mặt trời.
Là thông tin được Hội Y học dự phòng Việt Nam đưa ra tại hội thảo khoa học "Chủng ngừa rotavirus - trẻ cần được bảo vệ sớm" được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia y tế thế giới đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng ngừa rotavirus - nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp nặng.
Ngày 1-6, tạp chí Lancet Oncology dẫn một nghiên cứu cho biết số ca ung thư trên toàn cầu có thể tăng thêm 75% vào năm 2030, chủ yếu do nhân khẩu học và lối sống.
Một tập đoàn viễn thông Nhật Bản công bố loại điện thoại thông minh có khả năng phát hiện chất phóng xạ nhờ chip đặc biệt.