Yên Bái nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện
- Cập nhật: Thứ tư, 27/6/2012 | 9:57:07 AM
YBĐT - Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn các huyện, thành, thị ở tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mù Cang Chải kiểm tra mô hình ruộng áp dụng phân viên nén dúi sâu. (Ảnh: Đức Hồng)
|
Đến nay, tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh đều đã thành lập mới hoặc kiện toàn lại hội đồng KH&CN cấp huyện phù hợp để đáp ứng được những nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN ở cấp huyện đã được giao cho phòng kinh tế và hạ tầng (phòng kinh tế); các phòng này đều đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo phòng phụ trách và 1 cán bộ chuyên trách quản lý hoạt động KH&CN.
Hoạt động chỉ đạo và quản lý của Sở KH&CN đối với công tác hoạt động KH&CN cấp huyện được chú trọng: thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra nắm bắt tình hình triển khai các hoạt động KH&CN của từng địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho những năm tiếp theo.
Đồng thời phối hợp với các huyện tổ chức triển khai các biện pháp phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp (SHCN), bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực SHCN, quản lý an toàn bức xạ (ATBX) hạt nhân theo đúng các quy định của pháp luật; tiến hành các đợt thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (TC - ĐL - CL) sản phẩm hàng hoá nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Cùng với đó là tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ (SHTT) và chính sách hỗ trợ xác lập quyền SHCN; mở lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về kiểm định phương tiện đo. Ngoài ra, hàng năm Sở KH&CN còn phối hợp với UBND các huyện luân phiên tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động KH&CN để thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong thời gian tiếp theo.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, hoạt động KH&CN ở cấp huyện đã được UBND cấp huyện chú trọng triển khai trên các mặt: hoạt động tư vấn của hội đồng KH&CN cấp huyện. ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất; quản lý nhà nước về TC-ĐL-CL hàng hóa, SHTT và phổ biến thông tin KH&CN…
Hàng năm, hội đồng KH&CN cấp huyện tổ chức từ 5 - 6 phiên họp hội đồng để tranh thủ ý kiến của đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn tham mưu, tư vấn cho UBND cấp huyện về giải pháp triển khai các hoạt động KH&CN, lựa chọn các tiến bộ KHKT đưa vào phục vụ sản xuất và đời sống.
Chất lượng tư vấn của hội đồng KH&CN cấp huyện ngày càng có sự chuyển biến rõ rệt, thiết thực, sát với tình hình thực tế của địa phương, tư vấn của hội đồng đã có hàm lượng khoa học cao và sát với thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng của từng địa phương.
Để huy động được nguồn chất xám của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) ở địa phương và tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ KH&CN mới để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như khả năng nghiên cứu ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, từng bước giúp cho người dân địa phương thay đổi nhận thức, coi tiến bộ KHCN là nguồn lực thiết thực giúp họ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường, từ năm 2010, Sở KH&CN đã uỷ quyền quản lý một số đề tài, dự án (ĐTDA) KHCN cấp tỉnh cho cấp huyện (xác định danh mục, tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì, tổ chức Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu, quản lý kiểm tra quá trình thực hiện và công nhận kết quả thực hiện).
Sau 2 năm triển khai nhiệm vụ uỷ quyền quản lý ĐTDA KHCN cấp tỉnh, các huyện đã tuyển chọn, xét duyệt và tổ chức thực hiện được 30 đề tài, dự án KHCN, trong số 3 đề tài và 14 dự án đã được nghiệm thu thì có 17,65% đạt loại xuất sắc và 82,35% đạt loại khá.
Công tác quản lý Nhà nước về đo lường - chất lượng hàng hoá có nhiều đổi mới, sáng tạo góp phần thực hiện xã hội hoá, huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh chống gian lận trong thương mại, có ý nghĩa giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về TC - ĐL -CL, góp phần giảm đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường và chất lượng, làm lành mạnh thị trường, văn minh thương mại và bảo vệ lợi ích người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Đã xây dựng được hệ thống thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng, SHTT từ tỉnh đến huyện, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp trong công tác thanh kiểm tra, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi được các hiện tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; thanh kiểm tra chuyên ngành về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại các nhà hàng, khách sạn; lắp đặt và đưa vào sử dụng 19 trạm cân đối chứng tại các chợ đầu mối, giúp người tiêu dùng kiểm tra trọng lượng khi có nghi vấn gian lận, góp phần lập lại trật tự và văn minh thương mại trong đo lường
Thường xuyên tuyên truyền các văn bản PQPL liên quan đến hoạt động TC-ĐL-CL thông qua tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng các phóng sự truyền hình về những vi phạm, gian lận trong đo lường - chất lượng; vận động và hướng dẫn các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và sử dụng phương tiện đo không hợp chuẩn.
Hoạt động quản lý công nghệ, SHTT và ATBX hạt nhân cũng đã được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành ở các huyện; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT và ATBX hạt nhân, những quy định của Nhà nước về đổi mới công nghệ cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân đóng trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ đổi mới công nghệ và xác lập quyền SHCN; kiểm tra ATBX tại các Bệnh viện Đa khoa; hướng dẫn một số cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp với Cục SHTT, giúp cho các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về SHTT từng bước đưa các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu ra thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý KH&CN cấp huyện còn một số mặt hạn chế cần khắc phục. Đó là: hệ thống quản lý nhà nước về KH&CN ở cấp huyện chưa đồng đều, cán bộ chuyên trách thường có sự thay đổi hoặc chưa tập trung cao cho các hoạt động KH&CN, một số lãnh đạo cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức được KH&CN là động lực quan trọng cho việc phát triển KT-XH địa phương. Hầu hết các huyện chưa có chương trình, kế hoạch dài hạn về KH&CN, do đó còn bị động, lúng túng trong việc xác định nhiệm vụ.
Sự phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như TC-ĐL-CL; quản lý ATBX, quản lý công nghệ; SHTT... chưa thật sự chặt chẽ, do vậy, một số huyện chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực này còn đạt kết quả chưa cao. Việc khai thác thông tin KHCN trong hệ thống đã được trang bị của các huyện, thành, thị chưa thật hiệu quả.
Đồng thời do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhu cầu ở cơ sở lại nhiều, nên các ĐTDA thực hiện ở cấp huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ chế thích hợp để nhân rộng các mô hình tốt đến khi hình thành sản phẩm thương mại. Tình trạng ĐTDA chưa được ứng dụng và nhân rộng có hiệu quả còn phổ biến.
Ngoài kinh phí của tỉnh và TW, huyện chưa có cơ chế chính sách đầu tư ngân sách trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN trên địa bàn. Vì vậy, phải bám sát nhu cầu phát triển KT-XH và đời sống trên địa bàn huyện để xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ KHCN một cách sát thực và hiệu quả, hạn chế những nhiệm vụ KH&CN mang tính chung chung, không hướng tới sản phẩm cụ thể.
Vì vậy, các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn các huyện, đặc biệt việc lựa chọn thực hiện các ĐTDA ở cấp huyện phải hướng tới việc ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN, nhân rộng các mô hình có hiệu quả và nghiên cứu ứng dụng KH&CN tiên tiến trong việc nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm truyền thống vốn có của từng địa phương trở thành các sản phẩm hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đỗ Văn Sơn
Các tin khác
Ngày 25.6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Ex-Im Bank) mở rộng khoản vay 125,9 triệu USD cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để mua một vệ tinh truyền hình và viễn thông do Mỹ sản xuất, theo thông báo của Nhà Trắng.
Vắc-xin chống nghiện ma túy đã được đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc Weill Cornell Medical College (New York) phát triển. Họ là những người đầu tiên thử nghiệm một phương pháp điều trị mới để chống lại việc gây nghiện.
Giáo sư Đại học Stanford (Mỹ) Philip Low đã tìm ra cách để “truy cập” vào não của nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking bằng một công nghệ mới có tên “ibrain”.
Theo trang mạng Sina của Trung Quốc, ngày 21/6 Google đã công bố chính thức trên trang web của mình một dự án có tên “Những ngôn ngữ có nguy cơ biến mất” nhằm bảo vệ hơn 3.000 ngôn ngữ thoát khỏi nguy cơ "tuyệt chủng."