Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Cập nhật: Thứ năm, 2/8/2012 | 9:01:42 AM
YBĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực, quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đã không ngừng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày một cải thiện.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đến vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) trong đời sống kinh tế - xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và phát triển CNTT trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo việc đầu tư cũng như triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT, tăng cường nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước.
Đến nay, hạ tầng CNTT tỉnh Yên Bái được cải thiện đáng kể: 100% các sở, ban, ngành và uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có mạng LAN, trong đó 90% số máy tính được kết nối mạng Internet; bình quân 2 cán bộ có 1 máy tính; hệ thống thư điện tử của tỉnh đã có trên 2.000 cán bộ, công chức sử dụng để trao đổi văn bản, tài liệu; 13 sở, ngành, huyện đã ứng dụng phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp. Bên cạnh đó triển khai thực hiện thành công phần mềm “một cửa” điện tử tại UBND thành phố Yên Bái.
Phần mềm này đã hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, chủ yếu là các thủ tục liên quan đến đất đai đã liên thông từ bộ phận “một cửa” đến các phòng, ban chuyên môn, uỷ ban nhân dân các xã, phường và các cơ quan thuế, giúp người dân theo dõi tình hình và kết quả giải quyết thủ tục hành chính của mình qua mạng Internet đồng thời tạo tác phong làm việc khoa học, hiện đại, nhanh chóng hơn của các cán bộ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Yên Bái hiện có 38 website của các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố hoạt động nền nếp, cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến các hoạt động của ngành, tích hợp cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 1, mức độ 2, mức độ 3 bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công qua mạng nhanh chóng, thuận lợi.
Mới đây, Cổng Thông tin điện tử đã tổ chức đối thoại trực tuyến với nhân dân về lĩnh vực thuế và sắp tới sẽ đối thoại về lĩnh vực giáo dục, tiến tới tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành với nhân dân về những vấn đề mà nhân dân và dư luận quan tâm.
Cổng Thông tin điện tử ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Năm 2011, Cổng Thông tin điện tử tỉnh được xếp hạng tổng thể ở vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Những kết quả đạt được về ứng dụng và phát triển CNTT trong thời gian gần đây đã tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức, phương pháp làm việc của cán bộ, công chức toàn tỉnh; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong cơ quan Nhà nước; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, với điều kiện là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, việc ứng dụng và phát triển CNTT trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hướng tới Chính phủ điện tử của tỉnh Yên Bái có nhiều khó khăn, bất cập.
Ứng dụng CNTT để phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra; ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước chưa có cơ chế đầu tư phù hợp, giữa các ngành còn xảy ra tình trạng chồng chéo, không thống nhất, khó tích hợp dữ liệu, gây khó khăn cho người sử dụng và dẫn đến lãng phí.
Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước còn yếu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT; hiệu quả sử dụng các hệ thống quản lý và điều hành qua mạng còn nhiều bất cập, mới chỉ sử dụng trong mạng nội bộ mà chưa liên thông giữa các cơ quan; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử chưa nhiều, hoạt động của trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước còn hạn chế, các dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai triệt để, chưa thu hút được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp.
Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của ứng dụng và phát triển CNTT chưa đầy đủ; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính; công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước chưa cao; mức độ đầu tư cho xây dựng hạ tầng CNTT còn thấp; CNTT chưa thực sự trở thành động lực để cải cách thủ tục hành chính, cải tiến phương pháp làm việc...
Với quan điểm chỉ đạo phát triển và ứng dụng CNTT phải phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh, trong những năm tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực CNTT cụ thể như sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ứng dụng và phát triển CNTT đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước. Từng cơ quan cần xác định lộ trình kế hoạch ứng dụng chi tiết, xây dựng bước đi cụ thể.
2. Gắn ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước với cải cách hành chính, trong đó nhấn mạnh các nội dung: cải tiến quy trình làm việc; tăng cường phân cấp gắn với trách nhiệm cá nhân; xây dựng tiêu chí đánh giá, kiểm tra. Ngoài ra, về khía cạnh kỹ thuật, cần tính đến khả năng kết nối đồng bộ trong thời gian tới giữa các cơ quan Nhà nước với nhau và với xã hội khi thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử ở mức cao hơn.
3. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước, tập trung đào tạo cán bộ kỹ thuật trình độ cao và đào tạo kiến thức ứng dụng CNTT; đào tạo phải đi đôi với sử dụng, tránh tình trạng có đơn vị thiếu cán bộ CNTT nhưng cũng có đơn vị có kỹ sư CNTT nhưng lại bố trí công việc khác.
4. Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư cho CNTT hợp lý và đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, thực sự hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử tỉnh; đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư vào tỉnh Yên Bái.
6. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, ưu đãi thu hút nguồn nhân lực CNTT, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào CNTT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông cũng như khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT; sử dụng có hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.
7. Tăng cường học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn đã triển khai tốt việc ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, hướng tới Chính phủ điện tử để lựa chọn những mô hình, phương pháp triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của Yên Bái nhằm tránh lãng phí thời gian, kinh phí và hạn chế các rủi ro.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, ngoài sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Yên Bái cũng rất cần có sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Thông tin & Truyền thông cho hoạt động thông tin, truyền thông nói chung và ứng dụng CNTT nói riêng của tỉnh Yên Bái. Mặt khác, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho tỉnh tham gia các chương trình, dự án về CNTT, giúp cho tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng CNTT, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách hành chính, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2015, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc.
Một số văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Yên Bái ban hành về lĩnh vực CNTT: - Chỉ thị số 25 ngày 23/12/2008 về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước. - Quyết định số 1925 năm 2010 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015. - Quyết định số 1926 năm 2010 phê duyệt Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020. - Chỉ thị về việc tăng cường sử dụng phần mềm mã nguồn mở trên địa bàn tỉnh. - Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và bảo mật trên môi trường mạng trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. |
Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái
Các tin khác
Đã từ lâu, ảnh vệ tinh là một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực. Từ các thiết bị bay trong không gian này, người ta có thể nhận biết toàn cảnh đến chi tiết các vùng đồng bằng, rừng núi cho tới biển đảo, các hiện tượng thiên tai, lũ lụt, sóng thần... của bất cứ một quốc gia nào.
Một nghiên cứu mới cho thấy trẻ có mẹ hút thuốc lúc mang thai tăng 50% rủi ro mắc bệnh hen, theo UPI.
Nhà phát minh người Mỹ Claire Delaynay vừa ra mắt robot Botiful tích hợp chương trình cuộc gọi video Skype, cho phép tương tác với người ở xa hoặc quan sát khắp mọi nơi mà không cần di chuyển.
Hôm 27/7, thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ bảo mật mạng và di động AuthenTec cho biết, hãng này đã đồng ý “bán mình” cho hãng Apple với giá 8 USD trên mỗi cổ phiếu, tức gần xấp xỉ 356 triệu USD.