Sáng chế hữu ích từ “phế liệu”
- Cập nhật: Thứ tư, 19/7/2017 | 10:45:08 AM
YBĐT - Vùa giành giải Khuyến khích Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, sáng chế “Tủ sấy năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh được đánh giá khá cao vì tính ứng dụng và đặc biệt là lại được làm từ những nguyên liệu bỏ đi.
Sản phẩm “Tủ sấy năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh.
|
Được biết, người khởi xướng và thiết kế chính trong sáng chế này là em Vi Đức Nhuần ở xã Khánh Thiện (Lục Yên), hiện đang học lớp 11B, Trường PTDTNT THPT tỉnh. Trong suốt thời gian nghiên cứu, Nhuần nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ cô bạn học cùng lớp Hoàng Ngọc Anh và sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo Vương Dũng Hà.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn lại thích mày mò, sáng tạo, đam mê khoa học kỹ thuật, sau 3 tháng nghiên cứu, Nhuần và Ngọc Anh đã chế tạo thành công sản phẩm “Tủ sấy năng lượng mặt trời” giúp người nông dân vơi bớt khó khăn trong công đoạn làm khô nông sản.
Nói về ý tưởng của mình, Nhuần cho biết: “Để bảo quản các loại nông sản thì việc đầu tiên sau thu hoạch đó là công đoạn làm khô. Nhiều lần em tham gia lao động cùng gia đình, thấy bố mẹ rất mất công và vất vả khi phải phơi nông sản theo cách tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời. Ngoài đòi hỏi phải có diện tích sân phơi rộng, trong quá trình phơi còn phải đảo nông sản để nhanh khô, gặp trời mưa thì phải nhanh chóng thu cất, nếu không thu kịp thì sẽ bị tổn thất, chưa kể là phơi tự nhiên còn bị vật nuôi ăn, không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, em đã nảy sinh ý tưởng chế tạo ra tủ sấy năng lượng mặt trời dùng trong gia đình giúp người thân tiết kiệm thời gian, công sức mà lại không tốn chi phí như sấy lò”.
Nghĩ là làm, Nhuần bắt tay ngay vào việc thiết kế ý tưởng, lên bản vẽ rồi bạn bạc với những người bạn nhằm hiện thực hóa mong muốn của bản thân. Ngoài giờ học ở Trường, Nhuần lại tập trung nghiên cứu, chế tạo để nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm đầu tay của mình. Sản phẩm “Tủ sấy năng lượng mặt trời” sử dụng khung bằng gỗ có mái che, bên trong gồm 6 sàn phơi bằng lưới thép có khung gỗ bao quanh.
Linh kiện quan trọng của sản phẩm là giàn bắt nhiệt có nhiệm vụ thu nhiệt từ năng lượng mặt trời sau đó đưa vào trong tủ sấy. Giàn bắt nhiệt có bên ngoài là máng gỗ, bên trên phủ mica trong suốt, bên trong có 5 hàng ống thu nhiệt từ những vỏ lon ghép lại; 2 quạt hút gió lấy từ quạt máy tính cũ đặt phía chân giàn làm nhiệm vụ hút gió từ ngoài và thổi lên phía trên tủ sấy tăng khả năng lưu thông nhiệt, giúp quá trình sấy nhanh hơn.
Toàn bộ giàn bắt nhiệt được sơn màu đen để tăng khả năng hấp thụ nhiệt. Khi đặt tủ sấy ngoài trời nắng, năng lượng mặt trời sẽ được hấp thụ từ bên ngoài làm nóng không khí bên trong ống thu nhiệt. Theo tính chất đối lưu không khí nóng sẽ đi lên tủ sấy và không khí có nhiệt độ thấp sẽ được hút vào thông qua lỗ thông khí ở phía cuối giàn.
Điểm đặc biệt của sản phẩm là sử dụng gỗ, vật liệu tái chế như: vỏ lon, quạt máy tính cũ… Đồng thời, có thể linh hoạt thay đổi sản phẩm để tăng năng suất và hiệu quả bằng cách tăng kích thước của tủ sấy, đặt thêm các giàn lưới bên trong hoặc kết hợp sử dụng thêm quạt hút gió và giàn thu nhiệt ở 2 bên.
Sau khi chế tạo thành công, Nhuần đã thử nghiệm sản phẩm tại gia đình bác Vi Đặng Hòa ở thôn Nà Khang, xã Khánh Thiện (Lục Yên) để sấy măng khô, sắn khô và gia đình bác Lương Ngọc Thuận ở tổ 9, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) sử dụng để sấy chuối và táo mèo.
Sau khi sử dụng tủ sấy để làm khô các sản phẩm, so sánh với các phương pháp làm khô truyền thống và sấy bằng lò, cảm quan bằng mắt có thể thấy khi sử dụng tủ sấy, nông sản được làm khô nhanh, không bị thất thoát, màu sắc đẹp, giữ được vệ sinh (không bị bám bụi, đất, ẩm mốc…), giảm sức lao động của con người. Thời gian làm khô nông sản tuy đã rút ngắn hơn so với phơi truyền thống nhưng vẫn kém hơn sấy lò do vẫn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Tuy vậy, sử dụng tủ sấy lại không mất chi phí nhiên liệu như sấy lò.
Nhuần cho biết thêm: “Sản phẩm của chúng em làm rất đơn giản lại tận dụng từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm như gỗ, vỏ lon nên nếu sẵn các nguyên liệu này thì chi phí chỉ khoảng 700.000 đồng/1 sản phẩm”. Với 700.000 đồng, người dân có thể giảm bớt công lao động, lại có thể sử dụng lâu dài không mất thêm chi phí nhiên liệu. Vì vậy, mặc dù vẫn còn hạn chế nhưng tính ứng dụng của sáng chế “Tủ sấy năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh đã mang lại ý nghĩa thiết thực cho người nông dân.
Hoài Anh
Các tin khác
Ai nói đời người ngắn ngủi? Đời người thật sự rất dài. Sẽ còn phải trải qua rất nhiều điều.
Nắng hạ buông mình xuống mặt đường, nhẹ nhàng và uyển chuyển. Từng sợi nắng vàng tươi như vắt nhẹ qua từng cành lá, uốn mình theo những cơn gió nhè nhẹ mơn man. Sắc nắng ấy càng in đậm màu vàng tươi của những chùm hoa điệp. Màu của sự khởi đầu nỗi nhớ thương vương vấn mãi trong tôi.
Bao mong chờ, háo hức rồi mùa hè cũng đã đến. Tôi đã mong ngóng kỳ nghỉ này từ rất lâu rồi, không chỉ vì công việc học tập mệt mỏi mà điều quan trọng là tôi được tham gia trại hè cùng với các anh chị tại Vườn quốc gia Ba Vì – nơi tôi đã muốn đến từ lâu.
Tôi định viết thiệp chúc mừng bố mẹ nhưng tôi nghĩ tốt hơn nên thể hiện bằng việc làm thực tế. Vậy là trong lúc bố mẹ đi làm, tôi dọn nhà, phơi quần áo, rửa bát đũa, tưới đám hoa của mẹ và cây cảnh của bố, gấp lại quần áo trong tủ của bố mẹ.