Trung thu ở trường “SOS”

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/10/2017 | 7:54:41 AM

 YBĐT - "Em chỉ muốn có một gia đình, có nhiều người và sẽ không bao giờ rời xa nhau", câu nói của Trang đã để lại một khoảng lặng trong tôi và tất cả mọi người trong đêm Trung thu ấy. Trung thu hôm nay không chỉ mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những mảnh đời khuyết thiếu mà còn nhận được nhiều điều hơn thế.

Các bạn trẻ tham gia tổ chức tết Trung thu cho các em nhỏ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái. 
(Ảnh: Thanh Thủy)
Các bạn trẻ tham gia tổ chức tết Trung thu cho các em nhỏ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Thủy)

Trong tiết se lạnh của trời thu, tôi cùng với các bạn trong nhóm thiện nguyện đi thăm, tặng quà các em nhỏ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (nhiều người vẫn gọi với cái tên quen thuộc "Trường SOS"). Mỗi người trong nhóm đều có một lý do, mục đích riêng của mình khi đăng ký tham gia. Còn tôi, tham gia là một cách để tôi hòa nhập cộng đồng, mang đến cơ hội trải nghiệm và có thể tiếp xúc với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống.

Trong tiếng nhạc, tiếng trống rộn ràng, các em học sinh từng lớp ngồi quây tròn bên mâm cỗ Trung thu để chờ trăng lên, phá cỗ. Khác với những điểm đón trăng rằm của khu dân cư, các em nhỏ được bố mẹ đưa đến, chạy nhảy hò reo ầm ĩ cả sân nhà văn hóa, tôi thấy các em ở đây ngồi ngay ngắn theo lớp, cùng hát, vỗ tay theo tiếng nhạc dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo.
 
Lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình từ thiện nên tôi có chút lo lắng xen lẫn hồi hộp nhưng với sự nhanh nhẹn của bạn trưởng nhóm khiến tôi yên tâm hơn, nhanh chóng hòa nhập vào với công việc chung của nhóm cũng như không khí của đêm hội. Tôi được biết những cô bé, cậu bé xinh xắn dễ thương kia mỗi em đều có một hoàn cảnh rất éo le. Có em là trẻ khuyết tật, có em là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, có em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
 
Tôi được giao nhiệm vụ trao quà cho các em lớp 4. Những đồ chơi xinh xắn, những món quà bánh được gói bọc điệu đà. Các em nhỏ chạy xúm lại quanh tôi giơ những bàn tay bé xinh để đón nhận với nét mặt rạng rỡ, lễ phép: "Em xin ạ!”, "Em cảm ơn chị !”. Tôi cảm thấy rất vui.

Nhưng góc phía trong có một bé gái vẫn ngồi yên lặng không hào hứng cũng không ra nhận quà. Tôi đi tới gần, giật mình khi thấy một thân hình bé nhỏ, mái tóc cắt ngang gáy hơi xõa che khuôn mặt một nửa gần như biến dạng. Tôi cúi xuống cầm đôi bàn tay đầy sẹo rúm ró và đặt lên tay em một món quà nhỏ. Em lí nhí cảm ơn rồi chẳng nói gì thêm và lại ngồi im trong góc của mình. Phải đến khi cô giáo chủ nhiệm xuống dỗ dành và mấy bạn cùng lớp đến rủ mãi em mới lên ngồi cùng các bạn, hòa vào những trò chơi của đêm rằm.

Trong lúc các em liên hoan phá cỗ, cô giáo chủ nhiệm đã kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động về cảnh ngộ của em bé tội nghiệp. Em tên Trang. Trang từng có một gia đình hạnh phúc bên bố mẹ và em trai. Trong ngày sinh nhật lần thứ 6, Trang được bố mẹ đưa đi chơi. Đó sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nếu như gia đình em không gặp tai nạn.
 
Trên con đường đèo dốc quanh co lên khu du lịch sinh thái, do tránh một chiếc xe đi ngược chiều, chẳng may xe ô tô của gia đình bé Trang bị chệch bánh, lao thẳng xuống vực. Chuyến đi định mệnh ấy đã cướp đi mạng sống của bố mẹ và em trai Trang. Bé Trang sau nhiều tháng điều trị đã qua khỏi nhưng do bị bỏng nặng nên để lại nhiều di chứng trên khuôn mặt và cơ thể. Hoàn cảnh éo le nên gia đình đã đưa em đến đây để được nuôi dưỡng và học tập.

Cô giáo nói thêm, khi mới đến, Trang luôn cảm thấy sợ hãi, không nói, không cười. Nhưng khi sống trong ngôi nhà chung với các bạn cùng cảnh ngộ và luôn nhận được tình yêu thương của các thầy, cô giáo, Trang đã dần thích nghi. Em bớt tự ti và mặc cảm về bản thân, đã chơi, đã học cùng các bạn nhưng ít khi cô bé cười.

Buổi tối hôm nay, chúng tôi có tổ chức một trò chơi nho nhỏ "Q&A”(hỏi và đáp). Chúng tôi hỏi các em về ước mơ của mình và làm thế nào để biến điều ấy thành sự thật. Ai cũng háo hức chuẩn bị cho câu trả lời của mình. Đến lượt Trang, người mà tôi rất mong chờ câu trả lời, đang chăm chú dõi theo câu trả lời của các bạn và lo lắng khi sắp tới lượt của mình:

- Em cũng không biết...

- Nếu không phải nghề nghiệp thì em muốn mai sau mình sẽ như thế nào?

- Em chỉ muốn có một gia đình, có nhiều người và sẽ không bao giờ rời xa nhau, chứ không như bố mẹ và em trai bỏ em mà đi.

Càng về khuya, trăng càng tròn và sáng. Sương đêm nhuốm lạnh. Đêm hội trăng rằm kết thúc, các em nhỏ trở về ký túc xá. Có thể, sau một buổi tối chơi vui và thấm mệt, chúng sẽ ngủ ngay nhưng với tôi, buổi tối hôm ấy và câu chuyện về bé Trang khiến tôi thao thức mãi. Câu nói của Trang đã để lại một khoảng lặng trong tôi và tất cả mọi người. Tôi thấy buồn và thương các em hơn. Dường như đằng sau những gương mặt thơ ngây ấy, đằng sau những nụ cười hồn nhiên ấy là những nỗi buồn, những nỗi bất hạnh. Tôi nhận ra rằng, chúng tôi hôm nay không chỉ mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những mảnh đời khuyết thiếu mà còn nhận được nhiều điều hơn thế. Đó là tình cảm yêu thương của mỗi con người và khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi cá nhân.

Nông Thanh Thảo My (Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác

Sang thu, cái nắng đã chín như một quả hồng Bảo Lương căng mọng rực rỡ như muốn thiêu đốt mọi thứ trên đường nó đi qua. Giữa dòng xe cộ hối hả, trong cái nắng chói chang, tôi cố len lên để nhanh về tới nhà. Phần vì tránh cái nắng, phần vì nồi canh cá nấu rau sắn chua mẹ tôi nấu sẵn đang chờ ở nhà. Đã lâu lắm rồi, từ ngày lên tỉnh, tôi đã chẳng còn được thưởng thức cái hương vị ngai ngái, chua chua nhưng lại rất đậm đà ấy nữa.

Tuổi học trò.
(Ảnh: Hoàng Đô)

Các cậu có biết tại sao lại có những kẽ hở giữa các ngón tay không? Đó là vì bàn tay nào cũng cần được lấp đầy bằng một bàn tay khác… Nếu hỏi tôi ý nghĩa của yêu thương, sao lại chỉ có thể đếm qua đôi bàn tay, tôi có thể chứng minh với các cậu, cái nắm tay có nhiều ý nghĩa khác nữa.

Tình bạn. (Ảnh: Minh Đức - HĐND tỉnh)

Có lẽ, hình ảnh tôi và Linh chen chúc xem thông báo điểm thi và ôm nhau khóc giữa sân trường vì hạnh phúc quá, tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là một phần ký ức đẹp nhất của tôi về tuổi học trò.

Tại gia đình tôi, mỗi dịp Quốc khánh, mẹ lại mua trái cây thắp hương, vừa cúng tổ tiên vừa để tưởng nhớ Bác Hồ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục