Những giá trị bền vững
Tuổi đời chỉ mới hơn 20, nhưng Đào Duy Hưng (sinh viên Trường Đại học Sài Gòn) lại khá rành về các loại máy cassette cũ. Không chỉ là chiếc máy hát quen thuộc một thời, với Hưng khi nghe máy cassette còn giúp phân biệt được chất giọng nghệ sĩ. Fanpage chia sẻ về băng cassette, những bài hát và ca sĩ quen thuộc của thập niên 90 thế kỷ trước do Hưng thành lập thu hút hơn 93.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội. Thỉnh thoảng, những người trẻ cùng sở thích này lại tổ chức những buổi họp mặt để chia sẻ thêm về loại âm thanh đã đi vào dĩ vãng.
"Nhạc thị trường bây giờ nghe vui tai, giải khuây thì được chứ không đọng lại nhiều cảm xúc. Đặc biệt là những người nghe nhạc có gu, có tai cảm nhạc tốt thì muốn thưởng thức một bài hát không chỉ có ca sĩ hát hay, giai điệu đẹp mà cả ca từ cũng phải có ý nghĩa, thông điệp chứ không xô bồ, dễ dãi như bây giờ”, Minh Hà (28 tuổi, nhân viên kế toán tại quận 1) chia sẻ.
Với sở thích sưu tầm các loại xe, bên cạnh việc thỏa mãn ý thích của bản thân, công việc này cũng mang lại lợi nhuận cho anh Phan Huy Hân (33 tuổi, nhân viên quảng cáo). Bên cạnh những con tuấn mã hầm hố, anh Hân còn sưu tầm thêm xe Vespa cổ và học luôn cách sửa xe.
"Chạy xe phân khối lớn thì nhanh, còn xe Vespa chậm hơn nhưng cũng có cái hay của nó. Thời ông bà, ba mẹ mình thì dòng Vespa rất phổ biến, nhưng sau này ít hẳn, vì khi chạy phải khởi động hơi lâu, tốc độ cũng không quá cao nên ít người chuộng. Tìm lại những dòng Vespa để thấy được cái thú việc chạy xe chậm, cảm nhận phố phường”, anh Hân cho biết thêm.
Cùng với sở thích sưu tầm Vespa cổ của chồng, chị Phương Thảo (vợ anh Hân, 28 tuổi) cũng đầu tư hẳn một bộ sưu tập áo dài với thiết kế và họa tiết hoa văn xưa. Tủ áo dài với hơn 50 bộ từ những họa tiết chấm bi tròn, hoa văn nhỏ li ti, gạch bông… đều được chị đặt may cẩn thận với cổ áo cao, tay áo và tà áo dài, kín đáo.
Chị Thảo chia sẻ: "Áo dài xưa có cái đẹp mà gần như những kiểu áo cách tân sau này không bằng được, chính là nét đẹp kín cổng cao tường, cổ áo cao, tay áo dài, áo có chít eo, người mặc nếu dáng đẹp thì tôn dáng rất nhiều. Còn không thì áo dài cũng che được một số khuyết điểm cơ thể. Mặc áo dài kiểu xưa kín đáo, đi đến cũng không ngại, còn áo dài bây giờ cách tân nhiều quá, nhìn vào không biết là áo dài hay áo ngắn nữa. Cuối tuần, nhóm bạn chơi chung Vespa của ông xã cũng hay họp mặt, mặc áo dài xưa chạy Vespa gợi lại nét đẹp sang trọng của các quý cô Sài thành xưa”.
Hàng xưa quán cũ
Vài năm trở lại đây, xu hướng retro trở thành "mốt” thịnh hành trong giới trẻ, từ những bộ quần áo mang gu thời trang của các thập niên trước đến những quán cà phê có lối bài trí hoài cổ như cây đèn dầu, nền nhà gạch bông, máy cassette, bàn ủi con gà, máy đánh chữ…, cùng những món ăn vặt quen thuộc của thế hệ 8X, 9X như: mì tôm trẻ em, ô mai chua ngọt, mứt chùm ruột, kẹo dẻo hình thú, kẹo ngậm vitamin C... Tất cả đã thu hút đông đảo bạn trẻ tìm đến để có những phút sống chậm giữa phố phường hối hả và hơn hết là cảm giác như sống lại thời của ông bà, cha mẹ mình đã sống.
Tại một quán cà phê theo lối xưa trên đường Đồng Khởi (quận 1), nhóm bạn trẻ trò chuyện khá rôm rả, sau khi lần lượt xem từng vật dụng trang trí trong quán. Chỉ tay xuống nền nhà lát bằng gạch bông xưa với kiểu hoa văn đối xứng đặc trưng, Bùi Yến Thu (24 tuổi, nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TPHCM) chia sẻ: "Nhìn mấy ô gạch này nhớ lại hồi xưa nhà mình cũng vậy, ba mình kể, ô gạch nhỏ mà hoa văn cầu kỳ nên thợ lát gạch phải tỉ mỉ, khéo tay lắm. Sau này, ba mẹ cất nhà lại, gạch bông theo kiểu mới bây giờ cũng đẹp, nhưng hoa văn ấn tượng như thế này thì không còn thấy nữa”.
Không chỉ thu hút bởi không gian xưa cũ, mang dáng dấp hoài niệm, nhiều bạn trẻ còn say đắm nét cũ kỹ này, bởi cách sống chậm rãi của thế hệ trước. Tại quán cà phê theo lối Nam bộ xưa trên đường Phạm Ngũ Lão, Hoài An (sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nói: "Đôi khi mình cũng hay dành thời gian rảnh rỗi tìm những quán có không gian xưa cũ như thế này vừa uống cà phê vừa chiêm nghiệm nhiều thứ trong cuộc sống, tạo cho mình một cách sống chậm hơn, bình tĩnh hơn. Chứ bây giờ, đi cà phê thường là công việc, hay bạn bè gặp gỡ tám chuyện thì lựa quán nào vừa gần vừa tiện là được. Còn những không gian quán xưa thì phải có thời gian, không chỉ nhâm nhi cà phê mà còn ngắm nhìn, chạm vào những vật dụng một thời như cây đèn dầu hay máy cassette, cảm thấy mọi thứ đều thân thuộc nhưng đã xa vì bây giờ còn mấy ai xài đồ dùng kiểu này nữa”.
Không chỉ xây dựng mô hình quán cà phê theo phong cách xưa cũ để thu hút khách, nhiều người còn mong muốn tạo dựng một cộng đồng cùng nhau nói chuyện, cùng nhau chia sẻ thay vì cầm điện thoại rồi mạnh ai nấy quẹt, vuốt, lướt khi đến quán.
"Ngay từ ngày đầu lập quán, biết là không có WiFi sẽ mất nhiều khách, gần cả nửa năm trời tụi mình phải bù vốn hoặc thu vừa đủ chi là mừng. Sau này thì nhiều khách bắt đầu quen và chấp nhận, mọi người dần ủng hộ nhiều hơn, những khách làm việc viết lách, sáng tác cũng thường đến quán để tìm cảm xúc, hoàn toàn không câu nệ chuyện có WiFi hay không”, anh Bùi Hoàng Tân (30 tuổi, chủ một tiệm cà phê theo phong cách retro trên đường Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3) cho biết.
Anh Nguyễn Hữu (37 tuổi, chủ tiệm cà phê với không gian retro cùng những vật dụng hoài cổ theo dạng sưu tầm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, quận 1) cho biết: "Tôi hy vọng tạo ra không gian quán cà phê thân mật, gần gũi để khách đến quán, nhất là những bạn trẻ không phải cắm cúi vào điện thoại hay laptop mà quên mất người đối diện. Dù chỉ là cuộc gặp gỡ vì công việc hay chỉ để tám chuyện cho vui thì cảm xúc chân thật chỉ có thể đến từ việc chúng ta trò chuyện trực tiếp với nhau”.
Có lẽ sẽ không ai tìm về những điều cũ kỹ, để rồi mất thời gian tìm hiểu, tốn tiền bạc để sưu tầm, nếu nó không hướng đến những điều tốt đẹp hay mang lại giá trị gì trong cuộc sống. Những giá trị "lỗi thời”, "cổ lỗ sĩ” hay là những giá trị sống tốt đẹp thì có lẽ thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất.
Retro là từ rút gọn của "retrospective” (tạm dịch: hồi tưởng quá khứ) hoặc "retrospection”, hay có nguồn gốc từ tiếng Latinh "retrospectus” có nghĩa là "ngược trở lại”. Thuật ngữ này được sử dụng từ những năm 1960 của thế kỷ 20, dùng để mô tả những xu hướng, những phong cách từng xuất hiện trong quá khứ. Phong cách retro không chỉ giới hạn riêng trong thời trang mà còn có mặt trong lĩnh vực âm nhạc, hàng gia dụng, đồ chơi…
(Theo SGGP)