Nghệ sĩ dương cầm trẻ thông thạo nhiều ngôn ngữ
Đại học Chicago là một trong những trường danh tiếng của nước Mỹ. Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn đang giảng dạy tại đây.
Trung tâm Sáng tác âm nhạc đương đại của Đại học Chicago hàng năm giới thiệu nhiều chuỗi hòa nhạc bao gồm tác phẩm của các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới và những nhà soạn nhạc mới bắt đầu có danh tiếng.
Trung tâm tạo điều kiện cho các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ chuyên nghiệp cộng tác, chia sẻ tài năng để sáng tạo các tác phẩm mới, định hướng tương lai cho nền âm nhạc đương đại.
Mỗi năm, trung bình có khoảng trên dưới 100 người ở mọi lứa tuổi, từ khắp nơi trên thế giới nộp đơn xin học chương trình sau Tiến sĩ nhưng chỉ có một suất duy nhất với học bổng toàn phần gồm chương trình học miễn phí và khoản trợ cấp khoảng 70.000 USD. Minh Anh đã giành được suất nghiên cứu duy nhất này cho khóa học 2022 - 2023.
Minh Anh từng giành được nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Minh Anh cũng vinh dự được tham gia Festival Âm nhạc Tanglewood sẽ diễn ra tại bang Massachusetts trong mùa hè tới. Những nhà soạn nhạc được lựa chọn tham dự sẽ được đảm bảo điều kiện ăn, ở, học suốt hai tháng hè với các giáo sư danh tiếng hoàn toàn miễn phí.
Minh Anh chia sẻ: "Khi biết thông tin được tham gia khóa học sáng tác nâng cao tại Tanglewood, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Giới chuyên môn đánh giá, đây là một trong những festival âm nhạc uy tín tại Mỹ. Không có bất kì giới hạn nào về tuổi tác, quốc tịch của người dự thi nhưng mỗi năm festival chỉ nhận sáu đến tám nhà soạn nhạc từ khắp nơi trên thế giới".
Minh Anh cũng là nhạc sĩ đã giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến âm nhạc mới Boston 2021 tổ chức lần thứ 9. Hội đồng giám khảo đã vô cùng ấn tượng với chất lượng các tác phẩm dự thi.
"Tik-tak" của Ania Vu được lựa chọn từ gần 100 tác phẩm để trao giải. Ban giám khảo gồm các nhà soạn nhạc hàng đầu.
Ngoài ra, Minh Anh cũng là người nhận giải IV cuộc thi của dàn nhạc saxophone Megalopolis (2020) với tác phẩm viết cho tứ tấu saxophone và giải thưởng danh dự 2017 của quỹ ASCAP với tác phẩm bốn chương viết cho tứ tấu dây.
Khóa học nâng cao ở Cesena, Ý là một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của Minh Anh. Cô phải tìm một bài thơ để phổ cho giọng hát nhưng vì không tìm được bài ưng ý nên Minh Anh đã quyết định tự sáng tác lời thơ cho bản nhạc. Cô cảm thấy rất hứng thú với trò chơi âm thanh bằng tiếng Ba Lan mà cô sử dụng thành thạo như tiếng mẹ đẻ.
Với khả năng thông thạo nhiều ngoại ngữ, Minh Anh đã viết 4 bản nhạc cho giọng nữ cao và piano phổ theo thơ tiếng Pháp của Verlaine, Prévert. Hiện cô đang hoàn thành vở nhạc kịch opera do cô đồng sáng tác bằng tiếng Anh.
Những kiến thức được truyền giảng bởi các nhạc sĩ, nhà viết kịch giàu kinh nghiệm đã giúp Minh Anh rất nhiều trong quá trình viết vở nhạc kịch đầu tay. Đây cũng chính là bài thi tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ của cô trong vài tháng tới tại Đại học Pennsylvania.
Cùng với nghệ sĩ piano Eunmi Ko, Minh Anh đã đồng tổ chức chương trình mang tên "The music she writes" - "Tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc nữ" gồm một chuỗi bốn buổi hòa nhạc với các tác phẩm của 25 nhà soạn nhạc nữ Châu Á, từ Iran đến Nhật Bản. Các buổi hòa nhạc sẽ được phát sóng miễn phí vào ngày 1, 15, 29 tháng 4 và 13/5.
Giáo sư James Primosch, người đã từng hướng dẫn Minh Anh chia sẻ: "Tôi nhận thấy âm nhạc của Ania Vu nhạy cảm một cách lạ thường với màu sắc hòa thanh đẹp. Cô ấy phát triển các chủ đề một cách sống động, đặc sắc. Cảm nhận về thời gian rất tuyệt vời. Các tác phẩm cô đọng, đúng mực và không làm người nghe thấy quá dài".
"Âm nhạc của Ania Vu nhạy cảm một cách lạ thường", Giáo sư James Primosch nhận định (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ái nữ của nhạc sĩ Đặng Hồng Anh
Minh Anh là người Ba Lan gốc Việt. Cô bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi và được mẹ là nhạc sĩ Đặng Hồng Anh nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc từ rất sớm.
Lần đầu tiên, cô được bố mẹ dẫn đi nghe hòa nhạc cổ điển ở phòng hòa nhạc Philharmonic Vacsovi khi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đến Ba Lan lưu diễn. Lúc đó Minh Anh mới 5 tuổi. Tình cờ ở đây cô đã gặp được người thầy piano đầu tiên của mình, bà Filomena Dziedzic.
Minh Anh đã nhận được sự chăm sóc tốt, chu đáo từ gia đình. Bố của cô, ông Vũ Hồng Vân đã du học tại Ba Lan năm 1980, chuyên ngành Kỹ sư thiết kế tàu thủy. Ông rất quan tâm đưa đón các con đi học. Khi con ốm, ông không ngần ngại đưa các con đi xa hàng trăm km để được gặp các bác sĩ giỏi nhiều kinh nghiệm.
Ông cũng rất yêu âm nhạc. Trong khi mẹ của Minh Anh cho cô làm quen với âm nhạc cổ điển thì bố đã truyền cho cô sự say mê, am hiểu đối với các thể loại nhạc pop, rock.
Khi mới hơn sáu tuổi, Minh Anh đã tham dự cuộc thi piano quốc tế tại Pháp dành cho trẻ em và giành giải thưởng cao nhất cho nhóm dưới 10 tuổi.
Hai năm sau, Minh Anh lại tham dự cuộc thi piano quốc tế tại Tây Ban Nha. Cô giành giải Nhất trong nhóm dưới 12 tuổi. Trong cả hai cuộc thi, Minh Anh đều là thí sinh nhỏ tuổi nhất nhóm.
Sau đó cô đã rất may mắn được theo học bà Irina Rumiancewa - Dabrowski, một người thầy gốc Nga đã từng giảng dạy tại Nhạc viện Tchaikovski (Moscow, Nga).
Minh Anh liên tục đạt được những giải thưởng như Tài năng trẻ IBLA cuộc thi piano quốc tế tại Ý 2003, giải Ba cuộc thi piano Ba Lan 2006 và hai giải tại cuộc thi piano quốc tế Val Tidone tại Ý: giải Ba 2009, giải Nhì 2011.
Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp, bộ môn piano tại trường Âm nhạc Quốc gia mang tên Karol Szymanowski (Ba Lan), Minh Anh đã quyết định học thêm môn sáng tác với mẹ mình là nhạc sĩ Đặng Hồng Anh, người đã tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Sáng tác âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga tại Moscow.
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dưới sự hướng dẫn của mẹ, cô đã thi đỗ vào khoa Sáng tác trường Âm nhạc Eastman, một trong những trường âm nhạc uy tín có khoa Sáng tác liên tục dẫn đầu trong các bảng xếp hạng của Mỹ. Minh Anh đã tập trung vào hai chuyên ngành chính là Sáng tác và Lý luận âm nhạc.
Ngoài ra cô cũng học song song bằng phụ ngành Tâm lý học. Điều bất ngờ là trong khi theo học hệ đại học, Minh Anh học piano như một môn học phụ. Tuy vậy sau khi tốt nghiệp đại học, ngoài đăng kí thi học tiếp môn sáng tác, cô đã dự thi 5 trường, hệ Thạc sĩ, chuyên ngành Biểu diễn piano.
Minh Anh đã đỗ cả 5 trường trong đó có trường Âm nhạc Eastman, trường Âm nhạc trực thuộc Đại học Michigan tại Mỹ và Đại học McGill tại Canada. Nhưng cuối cùng, cô đã quyết định học chương trình Tiến sĩ PhD chuyên ngành Sáng tác tại Đại học Pennsylvania, một trong 8 trường đại học trong hệ Ivy League uy tín của Mỹ.
Với tư cách một nghệ sĩ dương cầm, Minh Anh tự trình diễn các tác phẩm của mình và đồng nghiệp. Cô đã được Trung tâm Nhân văn Wolf tại Đại học Pennsylvania, Illuminate Women's Music (Anh) và Trung tâm Skalny của Đại học Rochester mời biểu diễn các sáng tác viết cho piano.
Ngoài học piano với các người thầy như: Vincent Lenti, Irina Rumiancewa-Dabrowski, Filomena Dziedzic và mẹ của mình, cô tham gia nhiều khóa học piano nâng cao với các nghệ sĩ dương cầm danh tiếng thế giới như: Douglas Humpherys, Đặng Thái Sơn, Wojciech Świtała, Thomas Rosenkranz, Andrzej Jasiński, Philippe Giusiano và Katarzyna Popowa-Zydroń.
Cô nhận bằng cử nhân chuyên ngành Sáng tác và Lý luận Âm nhạc tại trường Âm nhạc Eastman tại Mỹ vào năm 2017 - nơi cô được học với các giáo sư danh tiếng Robert Morris, Ricardo Zohn-Muldoon, Oliver Schneller, Carlos Sanchez-Gutierrez và David Liptak.
Năm 2017, Minh Anh cũng hoàn thành song song khoa Tâm lý tại trường Đại học Rochester, New York.
Hiện nay Minh Anh đang học năm cuối hệ Tiến sĩ PhD với học bổng toàn phần tại Đại học Pennsylvania dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Anna Weesner, James Primosch, Marcos Balter, Amy Williams.
Khát khao khám phá âm nhạc dân gian, đương đại Việt Nam
Minh Anh rất thích khám phá những lĩnh vực mới lạ. Như các bạn của mình, cô học và thử nghiệm viết nhạc điện tử.
Cô đã xin học thêm về ngôn ngữ lập trình (khoa học máy tính) và khóa cơ bản về điện. Những kiến thức về khoa học đã mở ra nhiều chân trời mới cho nhà soạn nhạc trẻ.
Tác phẩm "2+" viết cho piano, bộ gõ và nhạc điện tử của cô đã được lựa chọn trình diễn trong Festival Âm nhạc chuyên về nhạc điện tử lớn nhất tại Mỹ vào ngày 02/04 do Hiệp hội Âm nhạc điện tử tại Mỹ tổ chức.
Minh Anh từng tham gia giảng dạy bộ môn Lý thuyết âm nhạc trong thời gian theo học chương trình Tiến sĩ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trong thời gian theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Pennsylvalnia, Minh Anh đã tham gia giảng dạy bộ môn Lý thuyết âm nhạc và trong chương trình sau Tiến sĩ tại Đại học Chicago, cô sẽ được tham gia giảng dạy bộ môn Sáng tác. Minh Anh mơ ước trong tương lai được giảng dạy bộ môn này trong một trường đại học tại Mỹ.
Tính đa văn hóa là điểm mạnh của Minh Anh cũng như nhiều trẻ em Việt Nam sinh ra tại nước ngoài.
Sinh ra, lớn lên tại Ba Lan nhưng Minh Anh nói, đọc thông thạo tiếng Việt. Từ rất nhỏ, mẹ đã dạy cô thuộc lòng nhiều bài ca dao ngắn như "Trong đầm gì đẹp bằng sen", "Trúc xinh trúc mọc bờ ao"… và những bài thơ ngắn của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Từ mẫu giáo cho đến hết cấp hai, Minh Anh học trường quốc tế Pháp tại Vacsovi, lên cấp ba, cô chuyển sang học trường quốc tế Mỹ và suốt 12 năm, cô học trường nhạc Ba Lan.
Bởi vậy ngoài kiến thức ngoại ngữ tốt, cô còn được làm quen từ rất sớm với nền văn học, thi ca của Pháp, Ba Lan, Mỹ. Cô sử dụng thông thạo tiếng Việt, Anh, Ba Lan, Pháp. Ngoài ra, cô đã học nhiều năm tiếng Latinh, tiếng Đức và hiện đang học thêm tiếng Hy Lạp.
Minh Anh quan tâm, muốn tìm hiểu về thiền, về Phật giáo. Cô đã tìm đọc một số sách của Thiền sư Thích Nhật Hạnh qua các bản dịch tiếng Ba Lan và tiếng Anh. Để giảm căng thẳng, cô tự tập thiền, thực tập chánh niệm giúp cơ thể, tinh thần thư giãn tối đa.
Cô luôn tìm cách cân đối giữa công việc, nghỉ ngơi. Du lịch với cô là một đam mê lớn và Minh Anh đã khám phá được 30 quốc gia. Ngoài ra, cô thích tham quan bảo tàng, đam mê khiêu vũ.
Minh Anh chia sẻ: "Tôi hy vọng có thể về thăm Việt Nam sớm nhất sau khi đại dịch kết thúc, khám phá nền âm nhạc dân gian cũng như âm nhạc đương đại của Việt Nam. Tôi biết, tôi sẽ học hỏi được nhiều điều. Những kiến thức đó sẽ để lại dấu ấn trong sáng tác của tôi".
(Theo Dân trí)