Bỏ Sư phạm, nữ sinh giành học bổng ngành Kỹ thuật điện

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2022 | 2:34:48 PM

Học đến năm hai Đại học Sư phạm Hà Nội, Ngô Minh Ngọc quyết định rẽ sang ngành Kỹ thuật điện và giành học bổng hơn 3,2 tỷ đồng.

Ngô Minh Ngọc khiến nhiều người bất ngờ với quyết định bỏ ngang Sư phạm để học ngành Kỹ thuật điện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngô Minh Ngọc khiến nhiều người bất ngờ với quyết định bỏ ngang Sư phạm để học ngành Kỹ thuật điện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong vòng phỏng vấn tuyển sinh đầu vào Đại học VinUni (VinUniversity) cuối tháng 12/2021, Minh Ngọc, 20 tuổi, sinh viên năm hai ngành Sư phạm Vật lý chất lượng cao, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận được câu hỏi "Vì sao quyết định bỏ ngành Sư phạm". Đã suy nghĩ kỹ suốt nửa năm, Ngọc không ngần ngại đưa ra lý do, trong đó nhấn mạnh việc "không muốn làm khổ học sinh".

Minh Ngọc là cựu học sinh chuyên Lý, THPT Chuyên Sơn La. Lớp 11, em giành giải ba Vật lý cấp quốc gia, lớp 12 giành giải nhì; được đặc cách tốt nghiệp và tuyển thẳng vào đại học.

Suốt ba năm THPT, chỉ tập trung học, Ngọc không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Bố mẹ đều là giáo viên, Ngọc chọn học Sư phạm Vật lý tại Đại học Sư phạm Hà Nội để nối nghiệp gia đình.

Học được một năm, dù đạt GPA ở mức 3.94/4.0, Ngọc nhận ra mình không phù hợp. "Nghề giáo ngoài chuyên môn còn rất cần tâm huyết. Giỏi chuyên môn nhưng không có đam mê sẽ không thể truyền cảm hứng cho học sinh, thậm chí còn làm khổ cả mình và các em", Ngọc nói. Đó cũng là lý do em muốn bắt đầu lại con đường đại học của mình.

Nữ sinh Sơn La chia sẻ, từ cuối năm nhất, em đã nghĩ đến việc chuyển ngành học, hướng tới mục tiêu một ngành kỹ thuật phù hợp ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, Ngọc không tự tin để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm lấy điểm xét tuyển vào ngôi trường kỹ thuật hàng đầu, bởi ba năm THPT em chỉ tập trung học Vật lý, Toán và Tiếng Anh. Hơn nữa, việc học Vật lý để thi học sinh giỏi quốc gia rất khác với thi tốt nghiệp - kỳ thi em chưa dự lần nào.

Bỏ qua ý định đó, Ngọc nghĩ đến việc củng cố hồ sơ để "apply" vào một trường ở Mỹ hay châu Âu. Nhưng tình hình Covid-19 phức tạp, nhiều nước vẫn đóng cửa khiến Ngọc chần chừ. Đến mùa hè năm nhất, một người bạn chia sẻ câu chuyện giành học bổng từ VinUni, Ngọc mới biết việc nộp đơn vào trường này tương tự đại học Mỹ. Nữ sinh làm quen thêm một số bạn trong trường để tìm hiểu kỹ hơn và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ.

Tự nhận khá tiếng Anh, từng nhận được giải nhì cuộc thi hùng biện ở trường Sư phạm, Ngọc vẫn gặp nhiều khó khăn khi hoàn thiện hồ sơ, bài luận bằng tiếng Anh. Chưa từng học thêm để lấy các chứng chỉ quốc tế, Ngọc nhờ sự hỗ trợ của một người bạn cùng thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia.

Đỗ Xuân Sang, sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí Đại học VinUni, người hỗ trợ Ngọc trong việc nhận xét CV và bài luận, cho biết, ngay thời điểm Ngọc nhờ hỗ trợ, Sang đã tin tưởng Ngọc đủ khả năng trúng tuyển, trở thành bạn cùng trường với mình.

Ở phần hồ sơ, Ngọc tự tin khi có hai giải quốc gia Vật lý cùng điểm GPA 3.94/4.0 tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Điều nữ sinh lo lắng hơn cả là bài luận. Để chứng tỏ bản thân có đam mê với ngành học, nữ sinh kể về dự án Physiad mà em thực hiện cùng một nhóm bạn có chung đam mê Vật lý. Physiad là fanpage trên Facebook, chia sẻ kiến thức, tài liệu thông qua các video diễn giải thí nghiệm, giới thiệu công thức theo cách khác biệt.

"Em học tập tại tỉnh miền núi Sơn La nên khó tiếp cận tài liệu so với các bạn ở thành phố lớn. Điều này cũng thôi thúc em thực hiện Physiad để góp phần giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với kiến thức, nuôi dưỡng đam mê Vật lý", Ngọc chia sẻ. Sau một năm thành lập, fanpage của nhóm Ngọc đã có hơn 16.000 lượt yêu thích.

Cũng trong bài luận, Ngọc kể về việc nhóm chủ chốt của Physiad đã biên soạn cuốn sách khoảng 200 trang, tổng hợp các bài Vật lý hay từ các đề thi quốc tế dành cho học sinh giỏi. Các bài toán được dịch sang tiếng Việt, giải và trình bày chi tiết. Nhóm đang liên hệ nhà xuất bản để phát hành cuốn sách này.

Ở vòng phỏng vấn, ngoài câu hỏi về lý do chuyển ngành hay các câu logic về Toán - Lý, Ngọc nhớ mãi câu hỏi về học bổng. Em chia sẻ gia đình mình không quá khó khăn nhưng với thu nhập từ nghề giáo của bố mẹ, em chỉ có thể học ở ngôi trường có học phí hơn 800 triệu đồng một năm nếu được hỗ trợ 100%. Nếu chỉ được 90%, em vẫn phải đóng hơn 80 triệu, chưa kể sinh hoạt phí. Mức này quá cao so với việc học ở Sư phạm, nơi em được miễn học phí.

Ngọc không ngờ chia sẻ thẳng thắn đó được đáp ứng, với mức học bổng 3,2 tỷ đồng cho bốn năm học. Giữa tháng 2, Ngọc nhận được thông báo trúng tuyển. Dù được gia đình khuyên "nên nghĩ kỹ", Ngọc vẫn quyết định nhập học VinUni. Em phân tích rõ với bố mẹ và chia sẻ định hướng xin học bổng bậc học cao hơn ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật điện.

(Theo Vnexpress)

Các tin khác
Anh Mông Văn Sư thực hiện vệ sinh chuồng trại nuôi lợn.

Mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi, mỗi năm thu về xấp xỉ 2 tỷ đồng, tỷ phú chăn nuôi còn là một bí thư chi bộ gương mẫu để mọi người noi theo. Đó là Bí thư Chi bộ Mông Văn Sư, sinh năm 1984 ở thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên.

Nguyễn Thị Quỳnh Như sẽ đi Mỹ du học vào tháng 8 tới, với học bổng gần 6 tỷ đồng

Nguyễn Thị Quỳnh Như, học sinh Trường THPT Châu Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), đã được 5 trường đại học đồng ý trao học bổng, trong đó có một trường ở Mỹ đã chấp nhận hỗ trợ gần 6 tỷ đồng.

Nhi trong chuyến thăm Caesarea, Israel, trong kỳ nghỉ đông tháng 12 năm ngoái.

Giành học bổng chương trình Tú tài Quốc tế (IB) khi đang học trường chuyên tại TP HCM, Tịnh Nhi vừa trải qua kỳ đầu tiên với kết quả học tập xuất sắc 34/35 điểm.

Nhóm thuyết minh Dự án hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt'.

Hocbanglaixemay.com là website cung cấp kiến thức về Luật Giao thông đường bộ đầu tiên có hỗ trợ dành cho đồng bào Mông chưa sử dụng được tiếng Việt. Đây là sáng tạo thiết thực của thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên vừa đoạt giải Nhất - Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do địa phương tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục