5 rưỡi sáng ngày 15/3, nghe thấy tiếng thông báo nhận được email, Nguyễn Hương Giang (sinh năm 2000, Hà Nội) bật dậy để kiểm tra điện thoại. Ban đầu khi nhận được thư từ BI Norwegian Business School ở Na Uy, nữ sinh nghĩ đó là tin quảng cáo.
Sau khi đọc kỹ các nội dung chắc chắn rằng mình đã nhận được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ngành Quản trị chiến lược truyền thông của trường đại học này, Giang sang phòng bố mẹ, nói thầm vào tai "Bố mẹ ơi con giành được học bổng rồi.” Nữ sinh chia sẻ: "Lúc đó bố mẹ em vừa bất ngờ, vừa hạnh phúc."
Theo xếp hạng theo Financial Times, BI Norwegian Business School xếp thứ 50 trong danh sách những trường kinh doanh tốt nhất ở châu Âu.
Chia sẻ quá trình giành học bổng toàn phần của BI Norwegian Business School, Hương Giang cho biết em bắt đầu chuẩn bị hồ sơ cho học bổng BI PRESIDENTIAL SCHOLARSHIP từ tháng 10 năm ngoái, ngay khi học bổng mở đơn đăng ký vào tháng 11, Giang nhanh chóng gửi hồ sơ.
Hương Giang kể từ cấp khi học cấp 1 em được xem các chương trình nước ngoài, "em bị ấn tượng mạnh bởi môi trường và văn hóa của các quốc gia đó nên mong muốn được trải nghiệm. Khi ấy em vẽ hẳn sơ đồ tư duy ghi mình sẽ học ngành gì, ở đâu, … Mong ước đó cũng trở thành kim chỉ nam để em đưa ra những quyết định quan trọng sau này", Giang tâm sự.
Để thực hiện ước mơ của mình, cuối cấp 1, Hương Giang đặt nguyện vọng học trung học cơ sở ở vào trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Lý giải về lựa chọn trên, nữ sinh cho rằng đây là ngôi trường có tỷ lệ học sinh đi du học rất cao, nhiều hoạt động ngoại khóa giúp phát triển bản thân và làm đẹp hồ sơ.
Tuy nhiên do chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Giang bỏ lỡ cơ hội vào ngôi trường này. Em theo học một ngôi trường ở gần nhà. Không bỏ cuộc, nữ sinh tiếp tục trau dồi học tập. Sau nhiều cố gắng, lên cấp 3, Giang đỗ chuyên Anh của trường Trung học phổ thông chuyên Sư phạm (Trường Đại học sư phạm Hà Nội).
Tại trường Trung học phổ thông chuyên sư phạm, Giang bắt đầu đặt chiến lược cho ước mơ của mình như: Cố gắng giữ điểm GPA trên 9, tham gia câu lạc bộ du học để biết thêm thông tin, câu lạc bộ tiếng Anh để học giỏi tiếng Anh và nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Cuối năm lớp 11, Giang chuẩn bị hồ sơ để nộp vào các trường ở Anh để theo học bậc cử nhân tại quốc gia này. Nữ sinh nhận được học bổng ở trường Bosworth Independent College và trường Wakefield College với mức hỗ trợ lần lượt là 60% và 50% học phí.
Giang nhận định mức sinh hoạt phí ở Anh khá đắt đỏ thêm, thêm vào đó thời điểm nữ sinh chuẩn bị du học, ở Anh có nhiều biến động. Nên em quyết định ôn tập để thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Vốn dự định du học Mỹ, Giang chọn học Chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại - Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh liên kết giữa Trường Đại học Ngoại thương và Colorado States University, Mỹ.
Nhờ có kinh nghiệm từ những học bổng trước, lần này khi chuẩn bị hồ sơ học bổng bậc thạc sĩ Giang không mất quá nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ.
Ban đầu Giang chọn Mỹ làm điểm đến, tuy nhiên sau quá trình trải nghiệm các cuộc thi, và học trao đổi tại Đức một học kỳ vào năm ba, Giang nhận thấy mình phù hợp hơn với định hướng phát triển của các trường ở châu Âu hơn.
Cô gái Hà Nội chia sẻ các bạn có dự định du học bậc thạc sĩ thì cần có chiến lược để cải thiện những yếu tố như: Điểm GPA, các chứng chỉ, thành tích học thuật và hoạt động ngoại khóa, …
Về điểm GPA, nữ sinh cho rằng cần có chiến thuật để đạt được điểm cao. Trước khi đến lớp, Giang đọc trước tài liệu, vì thế khi giảng viên đặt câu hỏi em có thể trả lời. Đây là lý do giúp Giang có điểm thành phần (chuyên cần, giữa kỳ) cao. Thêm vào đó việc năng nổ xây dựng bài trên lớp giúp em để lại ấn tượng tốt với thầy cô khi chấm bài tiểu luận cuối kỳ.
Trong giờ học nữ sinh ghi chú lại những thông tin quan trọng, khi về nhà em xem lại bài nếu cảm thấy mình chưa ghi đầy đủ, Giang sẽ đọc thêm sách, tài liệu giảng viên cung cấp và tìm kiếm trên mạng để bổ sung thêm. Vì đã nắm được kiến thức, trước kỳ thi Giang chỉ dành khoảng 3 đến 4 ngày để ôn tập chứ không phải học lại từ đầu.
Vốn có mong muốn du học từ nhỏ, Giang chú trọng rèn luyện tiếng Anh. Ngoài học ở trường và các lớp học thêm, nữ sinh tìm mọi cách để áp dụng những kiến thức mình học vào môi trường thực tế như: Đến hồ Gươm để trò chuyện với các du khách nước ngoài, tìm thêm các trang web để chat tiếng Anh với bạn bè quốc tế.
Lần đầu ra hồ Gươm để nói chuyện với du khách nước ngoài, Giang ngại ngùng nên không thể nói câu "How are you" (Bạn có khỏe không?) một cách liền mạch. Nghĩ mình không thể kém cỏi, về nhà em luyện nói trước gương. Việc nhắn tin với những người bạn nước ngoài giúp em tăng phản xạ ngôn ngữ. Nữ sinh không ngần ngại hỏi những người đi trước kinh nghiệm học tiếng Anh.
Hương Giang cho rằng muốn giỏi tiếng Anh thì người học cần phải ăn, ngủ với nó và môi trường xung quanh phải bằng tiếng Anh. Vì vậy, nữ sinh cài đặt ngôn ngữ trên điện thoại di động sang tiếng Anh.
Về hoạt động ngoại khóa, Giang không định hướng mình theo thiên hướng gì mà quan tâm đến việc bản thân sẽ trở thành một người như thế nào qua các hoạt động đó.
Ở Trường Đại học Ngoại thương, Giang tham gia nhiều cuộc thi để tìm hiểu bản thân thích và phù hợp với lĩnh vực gì. Từ đó nữ sinh Hà Nội nhận thấy mình hợp với nghiên cứu nên em hướng đến việc nộp hồ sơ những học bổng các trường ở châu Âu.
Những ngày đầu tháng 6, Nguyễn Hương Giang tập trung hoàn thành nốt chương trình học tại Trường Đại học Ngoại thương. Dự kiến tháng 8 tới, nữ sinh sẽ sang Na Uy để bắt đầu chương trình học thạc sỹ Quản trị chiến lược truyền thông tại BI Norwegian Business School.
(Theo GDVN)