Nguyễn Thị Phương Nghi (27 tuổi, TP HCM) từng giành học bổng toàn phần Chevening của Chính phủ Anh vào năm 2019 để học bậc thạc sĩ ngành Khoa học trị liệu tại Đại học Cambridge - ngôi trường đứng thứ hai thế giới trên bảng xếp hạng đại học năm 2023 của QS.
Năm 2022, Nghi tiếp tục giành suất học bổng toàn phần trị giá 530.640 USD (khoảng 12,3 tỷ đồng) cho 5 năm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ). Từ trải nghiệm thực tế, Phương Nghi chia sẻ bảy bí quyết giúp các bạn trẻ bắt nhịp với việc học tập, nghiên cứu bậc thạc sĩ tốt hơn, đặc biệt là học ở Anh.
Dưới đây là chia sẻ của Nghi:
1. Chuẩn bị tinh thần "teamwork"
Không chỉ khóa học ngành Khoa học trị liệu của mình ở Đại học Cambridge mà hầu hết khóa học thạc sĩ tại những trường khác, các bạn phải làm việc nhóm (teamwork) rất nhiều trong suốt năm học: trao đổi trên lớp, bài tập của từng buổi học, bài tập của học kỳ, thuyết trình nhóm, hùng biện... Sinh viên sẽ có cơ hội làm việc cùng với các bạn học ở nhiều độ tuổi và quốc tịch khác nhau.
Ví dụ lớp mình có 18 người đến từ 12 quốc gia. Mình đã học cách tiếp thu nhiều nguồn ý kiến, dung hòa khi gặp tư tưởng trái chiều nhưng vẫn giữ được lập trường cá nhân một cách khéo léo.
2. Rèn luyện kỹ năng tự học
80% kiến thức học thạc sĩ ở Anh đến từ việc bạn tự học. Để việc học tập hiệu quả, trước khi đến lớp, bạn nên đọc bài hoặc tìm hiểu trên mạng trước về chủ đề sẽ học trong buổi đó, ghi sẵn một vài điểm mấu chốt cũng như câu hỏi để có thể tích cực tham gia đóng góp ý kiến.
Trong buổi học, bạn nên vận dụng kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking) để tiếp cận kiến thức từ nhiều góc độ và chia sẻ những ý kiến, kinh nghiệm của bản thân từ môi trường ở Việt Nam. Điều này giúp nội dung buổi học đa chiều hơn.
Sau khi học, mình thường ôn và nhớ bài bằng kỹ thuật chủ động gợi nhớ (active recall) và lặp lại cách quãng (spaced repetition) để chuẩn bị dần cho các kỳ thi và khóa luận tốt nghiệp, không đợi "nước tới chân mới nhảy".
3. Học cách sử dụng thư viện và thư viện điện tử
Các trường đại học ở Anh đều có thư viện trực tiếp và thư viện điện tử (e-library) với nhiều đầu sách quý, mà quy trình đọc và mượn sách rất dễ dàng. Học viên có thể nhờ sự trợ giúp của các anh chị thủ thư khi cần tìm sách hay tài liệu phục vụ cho việc học. Thư viện cũng thường có các dịch vụ như mượn phòng tự học hoặc họp nhóm, photocopy/scan giấy tờ miễn phí.
Đối với các bạn học nhóm ngành Khoa học, thư viện điện tử là "thiên đường" cho việc kiểm tra tài liệu. Bạn có thể tìm kiếm được những bài báo nghiên cứu, bài xã luận hay khóa luận của cựu sinh viên để tham khảo cho bài viết của mình. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý trích dẫn đầy đủ.
4. Tích cực trao đổi với người hướng dẫn và giảng viên
Tùy trường, các bạn có thể nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của một người hướng dẫn (supervisor), là người theo dõi và hỗ trợ quá trình học tập của bạn cũng như giải đáp tất cả thắc mắc liên quan đến việc học tập, thậm chí cả cuộc sống.
Ngoài ra, bạn có thể tìm đến giảng viên các môn học để hỏi thêm. Các thầy cô lúc nào cũng sẵn sàng trả lời. Muốn biết phải hỏi nên đừng ngại hỏi.
5. Tận dụng các dịch vụ của trường
Các trường đại học ở Anh luôn có những dịch vụ miễn phí để hỗ trợ sinh viên như sửa bài luận, xem qua CV tuyển dụng hoặc tổ chức những buổi phỏng vấn giả định (Mock - interview). Như tại Đại học Cambridge, Student Service Centre thường tổ chức những buổi hướng dẫn kỹ năng viết học thuật hay tìm hiểu lựa chọn nghề nghiệp.
Các trường cũng rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần của sinh viên, luôn có những số điện thoại đường dây nóng nếu các bạn cần tư vấn tâm lý hoặc chia sẻ những nỗi bận lòng trong học tập và cuộc sống. Bạn hãy tận dụng những nguồn lực này để hỗ trợ quá trình học tập, phát triển sự nghiệp hay giải tỏa căng thẳng.
6. Tham gia vào các hoạt động bên ngoài lớp học
Tùy chương trình học, các bạn có thể tiếp cận với rất nhiều cơ hội tham gia chuyến đi thực tế hay thực tập.
Mình từng có dịp tham quan công ty dược AstraZeneca hay công ty Bicycle Therapeutics của Sir Gregory Winter - người đạt giải Nobel Hóa học 2018. Tận dụng những cơ hội này, mình đã học hỏi thêm những kiến thức từ thực tế và so sánh với môi trường ở Việt Nam để có thể ứng dụng những điều hay ho từ nước bạn, đặc biệt là trong quá trình chuyển giao công nghệ.
Bạn cũng nên tham gia các buổi hội chợ việc làm và sự kiện "networking" của trường để mở rộng mối quan hệ, tìm hiểu về các kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu tại môi trường làm việc chuyên nghiệp ở Anh, từ đó bổ sung kiến thức và kỹ năng phù hợp, hoặc nhìn ra được những khoảng trống tại môi trường ở Việt Nam.
7. Chuẩn bị tinh thần phải học rất nhiều
Một số bạn nghĩ học thạc sĩ nhàn, nhiều trải nghiệm thực tế, ít sách vở. Tuy nhiên, việc học trên lớp, kiểm tra thi cử hoặc viết luận là một phần vô cùng quan trọng trong khóa học thạc sĩ tại Anh, chiếm 60-70% tổng thời lượng.
Như khóa học của mình, một tuần mình đi học đầy đủ từ thứ 2 đến 6, từ 9h đến 16-17h, thứ 7 thi thoảng có buổi "supo" (tiếng lóng ở Cambridge chỉ những buổi trao đổi với người hướng dẫn). Thời gian đầu chưa quen với phương pháp học ở Anh, mình có hơi chới với và căng thẳng.
Nhưng cũng nhờ vậy, mình đã "tu" được những bí kíp học sao cho nhanh chóng và hiệu quả nhất, rèn luyện được những kỹ năng mềm quý giá như quản lý thời gian hay làm việc đa nhiệm. Mình không còn sợ khó khăn vì tất cả trải nghiệm đều là những cơ hội quý giá để học hỏi, trưởng thành.
(Theo VnExpress)