Nam sinh trường Ams giành vé cuối vào chung kết Olympia

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2022 | 2:28:21 PM

Hai lần đứng cuối đoàn leo núi và phải phân thắng bại bằng câu hỏi phụ, Nguyên Sơn có chiến thắng kịch tính ở cuộc thi quý IV để vào chung kết Olympia.

Vũ Nguyên Sơn, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thắng cuộc thi quý IV và góp mặt trong trận chung kết Olympia năm thứ 22. Ảnh chụp màn hình
Vũ Nguyên Sơn, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thắng cuộc thi quý IV và góp mặt trong trận chung kết Olympia năm thứ 22. Ảnh chụp màn hình

Chiều 25/9, trận đấu quý IV, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, được phát sóng với màn tranh tài của bốn thí sinh Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), Phạm Hồ Phương Nghi (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận), Đặng Quốc Khánh (THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai), Vương Gia Kiệt (THPT chuyên Hùng Vương, Bình Dương).

Nguyên Sơn cho biết mình sút cân so với cuộc thi tháng, nhưng vẫn tự tin và thoải mái khi bước vào cuộc thi quý IV. Với Sơn, lời chúc khiến em tâm đắc nhất là "Người bản lĩnh nhất là người cháy hết mình".

Ở phần thi Khởi động, Nguyên Sơn năng nổ bấm chuông và trả lời trong hai lượt thi đầu tiên. Em giành điểm tại các câu hỏi Toán học, hiểu biết chung nhưng cũng mất điểm tại các câu liên quan khoa học tự nhiên. Với mỗi câu trả lời sai, thí sinh sẽ bị trừ 5 điểm nên đến lượt thi cuối cùng, Sơn có phần chắc chắn hơn. Em chỉ bấm chuông một lần ở câu hỏi Địa lý về "các lực làm cho bề mặt Trái đất gồ ghề và bằng phẳng". Đáp án của Sơn là "nội lực" và "ngoại lực" bị ngược với đáp án của chương trình. Nguyên Sơn cho biết đây là câu hỏi mà em tiếc nhất.

Kết thúc phần thi Khởi động, Nguyên Sơn, Phương Nghi và Quốc Khánh cùng có 20 điểm, Gia Kiệt cao nhất 35 điểm. "Nếu trả lời đúng câu hỏi về nội lực và ngoại lực, em sẽ không mất 5 điểm, đồng thời có thêm 10 điểm để bằng mức 35 của Gia Kiệt", Sơn nói.

Vượt chướng ngại vật vốn là phần thi thế mạnh của Nguyên Sơn khi ở vòng thi tuần và tháng, em đều trả lời đúng từ khóa ngay sau một gợi ý và giành 80 điểm. Tuy nhiên, trong trận quý IV, Sơn đã không thành công, dù vẫn là người bấm chuông nhanh nhất.

Từ khoá lần này gồm bốn chữ cái, với gợi ý "đen, trắng" và một góc hình ảnh về các chữ cái alphabet, Sơn trả lời "bảng" nhưng không chính xác. Phải dừng phần chơi từ sớm nhưng nam sinh trường Ams không mất bình tĩnh. Em cho biết độ liều lĩnh của mình trong trận đấu này là 100% và chấp nhận rủi ro.

Sau Nguyên Sơn, Phương Nghi bấm chuông và trả lời "chữ R" nhưng cũng phải dừng chơi. Quốc Khánh là thí sinh thứ ba giành quyền trả lời với đáp án chính xác "mã QR" - giành 20 điểm và vươn lên dẫn đầu.

Kết thúc phần chơi Vượt chướng ngại vật, Nguyên Sơn rơi xuống vị trí cuối đoàn leo núi với 40 điểm, Gia Kiệt 45, Phương Nghi 50, Quốc Khánh 70.

Đến phần thi Tăng tốc, Nguyên Sơn là thí sinh duy nhất trả lời đúng câu hỏi đầu tiên, đòi hỏi tưởng tượng hình ảnh đối xứng qua gương, giành 40 điểm. Ở câu hỏi thứ hai về môn Sinh học, Sơn trả lời chậm nhất, nhưng vẫn giành 20 điểm do Phương Nghi trả lời sai.

Câu hỏi thứ ba về Toán học đã gây khó khăn cho Sơn. Em mất nhiều thời gian tính toán nhưng không đưa ra đáp án chính xác. Trong khi đó, Quốc Khánh là thí sinh duy nhất trả lời đúng, giành 40 điểm. Tuy nhiên, Nguyên Sơn có màn rượt đuổi điểm số sát sao khi đưa câu trả lời nhanh nhất ở câu hỏi tiếp theo, giành 40 điểm.

Sau phần thi Tăng tốc, Quốc Khánh vẫn dẫn đầu với 150 điểm, Nguyên Sơn đã cải thiện vị trí của mình khi đứng thứ hai với 140 điểm. Gia Kiệt 115, còn Phương Nghi 70. "Thu hẹp khoảng cách với người dẫn đầu còn 10 điểm cũng là thành công với em trong phần thi này", Sơn nói.

Quốc Khánh là người đầu tiên chọn gói câu hỏi trong phần thi Về đích. Nam sinh chọn ba câu hỏi 20 điểm, trả lời đúng một câu và không bị thí sinh nào giành điểm, nâng tổng điểm của mình lên 170, củng cố vị trí dẫn đầu.

Nguyên Sơn là người chọn gói câu hỏi tiếp theo. Vì khoảng cách với Quốc Khánh đã tăng lên 40, Sơn chọn ba câu hỏi với giá trị điểm 20-30-20. Nam sinh không trả lời đúng câu đầu tiên và bị Gia Kiệt giành 30 điểm ở câu thứ hai. Xác định chơi tất tay vì không còn gì để mất, Nguyên Sơn chọn ngôi sao hy vọng ở câu hỏi cuối. Với câu hỏi tiếng Anh, Nguyên Sơn nhanh chóng đưa ra đáp án đúng là "Monkeypox" (đậu mùa khỉ), giành thêm 40 điểm. Lúc này, Sơn đang có 150 điểm.

Gia Kiệt - người đang có 135 điểm, thi ở lượt thứ ba đã chọn ba câu hỏi cùng 20 điểm. Kiệt liên tiếp đưa ra đáp án đúng cho hai câu hỏi đầu tiên, giành tổng 40 điểm. Tuy nhiên, nam sinh để mất 20 điểm ở câu thứ ba, chủ đề Lịch sử khi Nguyên Sơn bấm chuông và trả lời đúng. Đến thời điểm này, Quốc Khánh và Nguyên Sơn cùng có 170 điểm, Gia Kiệt 155.

Phương Nghi thi cuối cùng, chọn ba câu hỏi 30 điểm cho phần thi Về đích. Nữ sinh trả lời đúng một câu và chọn ngôi sao hy vọng ở câu hỏi cuối nhưng không thành công. Gia Kiệt sau đó bấm chuông nhưng đáp án không chính xác và bị trừ 15 điểm.


Nguyên Sơn và các thí sinh nhận kỷ niệm chương của chương trình sau khi trận thi quý IV khép lại. Ảnh chụp màn hình

Nguyên Sơn và Quốc Khánh cùng có 170 điểm, phải bước vào câu hỏi phụ loại trực tiếp. Với câu hỏi đường dây điện 500kV đi qua những thành phố trực thuộc trung ương nào, Quốc Khánh ngay lập tức bấm chuông trả lời nhưng không chính xác. Trong vài giây, Nguyên Sơn cân nhắc và cho rằng đường dây chạy từ Hòa Bình, nếu đi qua Hà Nội sẽ phải chạy ngang, điều này không hợp lý nên đưa ra đáp án "Đà Nẵng, TP HCM".

Khi được thông báo cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết sẽ được đặt tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyên Sơn vỡ òa, chạy xuống chia vui cùng cổ động viên. Quốc Khánh cũng gửi lời chúc mừng tới bạn chơi về màn thể hiện xuất sắc.

Trận quý IV khép lại, Nguyên Sơn và Quốc Khánh cùng có 170 điểm, Gia Kiệt 140 và Phương Nghi 60.

Trận chung kết Olympia năm 2022 diễn ra trực tiếp vào 2/10 với bốn nam sinh: Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La) và Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội).

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Đang có thu nhập tốt nhờ khởi nghiệp, Đinh Thị Lý vẫn quyết định tạm dừng công việc, xin học bổng du học để có kiến thức mở rộng doanh nghiệp.

Đoàn viên thanh niên xã Quy Mông, huyện Trấn Yên lao động tình nguyện giúp đỡ gia đình chính sách. (Ảnh: Thanh Tiến)

Với tinh thần xung kích “Đâu cần thanh niên có/ Việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Đại diện Google trao chứng nhận cho nhóm sinh viên Trường ĐH Hoa Sen đứng đầu cuộc thi.

Vượt qua 835 dự án trên thế giới, dự án Gateway của 4 sinh viên Trường ĐH Hoa Sen trở thành một trong ba đội chiến thắng cuộc thi của Google.

Chàng trai bắt đầu hành trình chinh phục học bổng bằng việc chăm chỉ trau dồi ngoại ngữ.

Lê Viết Thịnh (SN 1999, quê Hà Tĩnh), K62 chuyên ngành Hệ thống Điện và Năng lượng tái tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã chinh phục được ba học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ tại Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục