Từ cậu bé chăn bò đến chủ nhân giải thưởng Quả cầu vàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2022 | 10:02:58 AM

Sinh ra trong gia đình nhà nông, không có tiền học thêm, Thiện xin sách nâng cao tự học, chinh phục nhiều giải thưởng rồi trở thành nhà khoa học, chủ nhân giải Quả cầu vàng 2022.

TS Lương Văn Thiện hiện đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa.
TS Lương Văn Thiện hiện đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa.

Ở tuổi 30, Lương Văn Thiện trở thành tiến sĩ trẻ nhất top 10 nhà khoa học vừa nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022. Sở hữu 19 bài báo công bố quốc tế, tác giả chính 10 báo cáo hội thảo quốc tế và một sản phẩm khoa học công nghệ đã ứng dụng thực tế, TS Thiện chia sẻ về đường đi qua từng không ít thử thách.

Sinh ra trong gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, mỗi mùa vụ đến bố mẹ lại đi cấy thuê để có tiền nuôi hai anh em Thiện ăn học. Không có tiền học thêm, Thiện đi xin sách Toán nâng cao cũ tự học. Những lúc chăn bò ngoài đồng, cậu tranh thủ mang sách ra học, cứ vậy cậu trò lớp 6 đã làm hết bài tập Toán cho cả năm học tiếp theo. Từ một học sinh trường làng, Thiện thi đỗ THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), liên tiếp giành được giải thưởng trong kỳ thi HSG Toán quốc gia. "Bố mẹ rất vất vả nuôi tôi ăn học và trưởng thành, họ là nguồn động viên lớn nhất trong mỗi bước đi của tôi", TS Thiện nói với VnExpress.

Năm 2010, Thiện được tuyển thẳng trường Y nhưng từ bỏ, chọn thi vào khoa Điện tử - Viễn thông của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Gia đình không mấy hài lòng bởi luôn mong con trai sẽ theo học trường y chữa bệnh cho mọi người. Song với quyết tâm theo đuổi đam mê kỹ thuật, Thiện đỗ vào lớp Kỹ sư tài năng của trường.

Khác với nhiều bạn đồng lứa, Thiện chỉ bắt đầu tập tành nghiên cứu khoa học khi gần năm cuối đại học. Đó là năm 2015, Thiện gặp TS Ngô Vũ Đức. "Thầy giao cho tôi một bài toán rất khó, trong khi kiến thức nền cho chủ đề đó gần như chưa có", Thiện kể. Nhờ mách nước từ thầy, cậu sinh viên nghèo tìm cách đặt mua bằng được cuốn "Digital Transmission of Information", cuốn sách hiếm và khó tìm với chi phí không rẻ. Anh phải tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách báo bằng tiếng Anh để hiểu hơn về cái mình sẽ làm. Kết quả, Thiện trở thành một trong những sinh viên hiếm hoi có 2 bài báo được chấp nhận tại hai Hội nghị khoa học quốc tế uy tín IEEE PIMRC và IEEE ATC 2015 tại Hong Kong (Trung Quốc). Nhờ công trình này, anh nhận học bổng tiến sĩ toàn phần tại ĐH Queen’s University Belfast, Vương quốc Anh mà không cần qua bậc Thạc sĩ. Đây cũng thành bước đệm để anh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học sau này.

Bén duyên với trí tuệ nhân tạo

Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng thực tiễn là một trong những mục tiêu theo đuổi của TS Thiện. Đầu tiên phải kể đến "Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong tín hiệu chuỗi thời gian (ADT - Anomaly Detection in Time-series)" giúp tự động phát hiện những trạm hoặc cell di động tế bào có lưu lượng download và upload suy giảm bất thường, nhằm nhanh chóng khắc phục sự cố, nâng cao chất lượng truyền dẫn.

Giải pháp ADT đưa ra cảnh báo kịp thời, kết hợp phân tích tương quan các nguồn dữ liệu kỹ thuật khác để hỗ trợ kỹ sư xác định nguyên nhân gây bất thường và đưa ra phương án xử lý. Giải pháp cũng đảm bảo cho khách hàng được trải nghiệm chất lượng mạng tốt nhất. Công nghệ đã chuyển giao và ứng dụng tại Trung tâm Đo kiểm và sửa chữa thiết bị viễn thông Mobifone - Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Trước khi có giải pháp này, rất khó để các kỹ sư Mobifone giám sát bất thường cho một số lượng lớn 30.000 trạm và cell di động trên toàn quốc, chưa kể đến việc tìm nguyên nhân để khắc phục cũng mất rất nhiều thời gian và công sức.

Năm 2020, TS Thiện cùng các cộng sự tại đại học Queen’s University Belfast, lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật học sâu để thiết kế đồng thời máy phát và máy thu tín hiệu viễn thông sử dụng đa anten và đa sóng mang OFDM mà không cần phải ước lượng kênh truyền ở phía thu. Hệ thống viễn thông dựa trên học sâu do nhóm đề xuất cho phép tốc độ truyền dữ liệu và độ linh hoạt thích ứng tốt hơn trong khi độ phức tạp giải mã tín hiệu ở mức chỉ tương đương hoặc thấp hơn.

Ở công trình khác, anh cũng nghiên cứu và đưa ra giải pháp phân tích dữ liệu y tế về hệ miễn dịch người Việt. Bằng việc xây dựng các thuật toán, công trình giúp xác định các hằng số miễn dịch lần đầu tiên cho người Việt, xác định các chỉ số quan trọng nhất giúp phát hiện người bị ung thư hay nhiễm trùng toàn thân (Sepsis). Nhờ số ít những chỉ số quan trọng này, bác sĩ có thể nhanh chóng chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất, rút ngắn thời gian và nguồn lực cho việc xét nghiệm quá nhiều chỉ số. Hiện giải pháp đã được chuyển giao cho nhóm nghiên cứu của GS Huỳnh Đình Chiến đại học VinUni và các cộng sự ở Bệnh viện Vinmec.


TS Lương Văn Thiện (giữa) được vinh danh tại giải thưởng Quả cầu Vàng 2022. 

TS Hà Minh Hoàng, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Giám đốc Công ty Cổ phần chuyển đổi số Phenikaa, cho biết TS Thiện đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín (top 1%), có nhiều sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao ứng dụng thực tế.

Anh Hoàng đánh giá, ngoài nghiên cứu, TS Thiện dành nhiều thời gian hướng dẫn sinh viên. Nhóm nghiên cứu luôn sáng đèn rất khuya với cuộc thảo luận sôi nổi. Nhóm sinh viên do thầy Thiện hướng dẫn đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học và sinh viên khởi nghiệp.

Với vai trò là giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa, TS Thiện mong muốn truyền lửa, định hướng trực tiếp cho sinh viên. "Tôi nhìn thấy chính mình khi xưa, đôi lúc mông lung, mơ hồ về về con đường học tập để phát triển bản thân", anh nói.

Theo TS Thiện, làm nghiên cứu nhiều khó khăn với các bài toán hóc búa cần thời gian, công sức đào sâu mới giải quyết được. "Tôi nghĩ, sự kiên trì và luôn tin tưởng bản thân sẽ làm được, giúp bạn theo đuổi mục tiêu tới cùng", anh chia sẻ tới các sinh viên trẻ.


TS Lương Văn Thiện hướng dẫn sinh viên thực hành.

Trong tương lai TS Thiện mong muốn phát triển AIoT Lab thành một nhóm nghiên cứu mạnh, cùng với sinh viên tạo ra nhiều công trình khoa học có ảnh hưởng, các giải pháp công nghệ hữu ích, giúp giải quyết các vấn đề thực tế, với trọng tâm là các công nghệ AI và IoT. "Tôi muốn giúp các em trở thành chuyên gia trong lĩnh vực hẹp của mình, không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn đẹp về nhân cách".

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Trường Giang là thầy giáo được học trò yêu mến trên mạng xã hội.

Đinh Trường Giang hiện là thầy giáo dạy toán được đông đảo học sinh biết tới. Không chỉ sở hữu tấm bằng cử nhân xuất sắc, anh còn được mệnh danh là "soái ca" Bách khoa vì ngoại hình "sáng".

Tiến sĩ Lê Thái Hà khi còn giảng dạy tại Đại học Fulbright năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Thái Hà, nữ tiến sĩ có tên trong top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, học xong cử nhân và tiến sĩ ở Singapore trong gần 5,5 năm.

Nguyễn Tuấn Anh nhận học bổng Chính phủ Úc.

Vượt qua biến cố tuổi 24, Tuấn Anh thực hiện hoá ước mơ giành học bổng du học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên khoa Hóa học, Đại học Sư Phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, một trong ba nữ ứng viên trẻ nhất đạt chuẩn phó giáo sư 2022, từng giành huy chương Olympic Hóa học quốc tế và tốt nghiệp thủ khoa ở Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục