"Cây sáng kiến'' của người dân vùng khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/12/2022 | 10:24:31 AM

"Anh này bị rồ, làm thế để lợi dụng lấy tiền của dân". Nhiều lời xì xào bàn tán khi nghe ý tưởng kéo điện thắp sáng đường quê của bí thư xã đoàn.

Anh Lương Kiều Vũ với sáng kiến trao dê cho thanh niên yếu thế đã giúp được cho nhiều gia đình trẻ ở địa phương.
Anh Lương Kiều Vũ với sáng kiến trao dê cho thanh niên yếu thế đã giúp được cho nhiều gia đình trẻ ở địa phương.

Gắn bó với Đoàn tôi nhận được tình cảm yêu quý, tin tưởng của nhiều người nên có đi đâu cũng giúp đỡ nhau như người nhà - Lương Kiều Vũ nói. 

Ở vùng đất Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái), anh Lương Kiều Vũ - bí thư Xã Đoàn Đại Đồng - được bà con ủng hộ vì có nhiều sáng kiến sáng tạo khi giúp đoàn viên, thanh niên xã làm ăn.

Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng Đoàn Xuân Quang nhớ mãi lúc anh Vũ thí điểm kéo điện về thôn Đá Chồng có khoảng 90% người dân tộc thiểu số, rất nhiều người phản đối, có cả cán bộ địa phương. Họ còn bảo chắc cán bộ "được lợi gì đó" mới làm vậy.

"Người dân không nói tôi vẫn làm nhưng họ nói như thế tôi càng phải làm. Có thể lúc đó người ta chửi mình nhưng rồi sẽ cảm ơn mình!" - anh Vũ nhớ lại.

Tính toán cẩn thận từng loại cột điện, bóng đèn, giá tiền vật liệu, chi phí lắp đặt, anh cùng ông Quang gặp các cụ cao niên có uy tín trong thôn cùng vận động bà con hiểu lợi ích khi lắp đường điện ở làng quê.

700m đường điện đầu tiên hoàn thành, bà con yên tâm tham gia các hoạt động, tình trạng trộm cắp cũng giảm hẳn vì vừa có điện đường vừa có camera an ninh, học sinh tránh được va quẹt vì đường tối như trước. Thấy hiệu quả, vậy là thôn này tiếp nối thôn kia cùng làm. Đến nay có trên 21km đường điện được thắp sáng ở các thôn.

Những ngày đầu không dễ kéo thanh niên đến với Đoàn. Anh cứ làm cho họ thấy trước đã. Dần dà, chỉ cần nghe kêu đi làm chương trình thiện nguyện, ai cũng náo nức!

"Bắt đầu từ xây dựng đội tình nguyện giúp đỡ bà con ngay tại xã mình. Ban ngày đi làm nhưng tối các bạn đều hăng hái tham gia giúp đỡ, sửa chữa nhà cho dân. Có công trình làm đến 20 buổi tối, từ 19h đến rạng sáng hôm sau mới về nhưng ai cũng nhiệt tình" - anh Vũ kể.

Nhưng anh bí thư Đoàn còn được biết đến là người gần gũi thanh niên. Biết hoàn cảnh vợ chồng anh Nguyễn Đức Thịnh phải vay mượn mãi mới dựng được ngôi nhà trên sườn đồi nhưng trận bão quét qua, cây cối trong vườn gãy đổ hết.

Thời điểm đó, con trai lớn của anh Thịnh được chẩn đoán mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, hai vợ chồng xoay xở khắp nơi để đưa con đi Hà Nội chữa trị.

Anh Vũ tìm đến nhà hỏi anh Thịnh có nuôi dê, trồng keo không, xã đoàn sẽ hỗ trợ. Vậy là hai vợ chồng nhận cặp dê cùng 3.000 cây keo giống quyết tâm thoát nghèo. Được hướng dẫn kỹ thuật đi kèm, hai năm sau, gia đình anh Thịnh làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện đàn dê nhà anh đã có hơn chục con, rừng keo sinh trưởng tốt.

Không có tiền, anh Vũ vận động các nhà hảo tâm, mua được cặp dê trị giá 8,4 triệu đồng, trao cho hộ gia đình thanh niên nuôi để họ cải thiện đời sống. Mô hình trao dê giống được xã đoàn cho hộ gia đình thanh niên mượn có xác nhận của địa phương, sau một năm thành công lại chuyển cho người khác.

Anh Vũ tâm niệm làm công tác Đoàn chỉ "bề nổi" đoàn viên sẽ không theo. Do đó, anh bắt tay nuôi heo rừng phát triển kinh tế cho gia đình. Heo đẻ hai lứa, anh xem như lấy lại vốn và hiện cho lãi cả trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

"Khi cơ hội đến, thấy có thể áp dụng được tôi làm ngay. Muốn làm gì cũng phải đảm bảo cuộc sống cho mình trước rồi mới giúp được người khác" - anh Vũ nói.

Tạo nguồn kế cận của Đoàn

Những sáng kiến thiết thực cho dân giúp anh thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động Đoàn, sự góp sức của các bí thư chi đoàn. Họ không chỉ nhiệt huyết mà còn cho thấy năng lực, hoạt động "chắc tay" để giữ thanh niên "chơi" với Đoàn.

"Tôi mong tổ chức Đoàn quan tâm hơn nữa đến đào tạo đội ngũ kế cận, có vậy mới góp phần củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của Đoàn" - anh Vũ nói.

(Theo TTO)

Các tin khác
Em Lữ Hoài Thương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Cậu bé Đồng Tháp Lữ Hoài Thương được học vượt từ lớp 1 lên lớp 3 sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực Toán, tiếng Việt và tiếng Anh năm 6 tuổi.

Lô Thị Nga, thủ khoa Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022

Gác lại giấc mơ của tuổi trẻ, bước vào cuộc sống công nhân vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, sau 1 năm, Lô Thị Nga thi lại và trở thành thủ khoa đại học.

Hai học sinh Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Thanh Phương bên sáng chế máy bào lạt tre.

Trong một ngày, máy bào lạt tre do 2 học sinh lớp 9 ở Bình Định sáng chế chẻ được hàng chục cân lạt, bằng 5 người bào thủ công.

Mỹ Anh thi vòng bán kết cuộc thi Hùng biện tiếng Anh tại trường THPT Marie Curie Hà Nội hôm 29/10.

Xác định học tiếng Anh tốt là kết quả của một quá trình dài, Trần Ngọc Mỹ Anh, trường THPT Marie Curie, không ôn luyện gấp rút mà tích lũy từ sớm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục