Chiếc xe đạp chở ước mơ của cô gái người Mông

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2023 | 3:25:08 PM

Người cha không biết chữ của Ngô Thị Kia mang hết ngô thóc trong nhà đổi lấy chiếc xe đạp cho con gái đi học, mong con có số phận khác mình.

Cô giáo Ngô Thị Kia ngồi trong lớp học ở trường Tiểu học Hùng Lợi 2, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, tháng 12/2022. Ảnh: Hải Thư
Cô giáo Ngô Thị Kia ngồi trong lớp học ở trường Tiểu học Hùng Lợi 2, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, tháng 12/2022. Ảnh: Hải Thư

Sớm cuối năm 2022, cô giáo trẻ Ngô Thị Kia cầm cặp bước ra ngoài chuẩn bị lên lớp khi sương giá còn đọng đẫm những lá cọ khô lợp mái nhà. Nghe tiếng bước chân con gái, ông Ninh chạy ra, ấn vào tay mấy cái ngô non bọc trong lá chuối còn hơi nghi ngút, dặn khi nào nghỉ giữa giờ thì ăn, nhớ chia cho cả học trò. Hai mươi ba năm qua, đây không phải lần đầu Kia được cha chăm sóc từ những việc nhỏ nhặt thế này, nhưng lần nào, cô cũng xúc động.

Là con gái thứ tư trong gia đình người Mông nghèo nhất nhì bản, Kia từ nhỏ sớm nhận ra con đường đời mình sẽ đi, chắc chắn không dễ dàng. Ba chị gái, người không đi học, người học hết lớp ba rồi ở nhà vác cuốc, đeo gùi lên nương cùng cha mẹ. Ở đất này, những đứa trẻ cao bằng cây ngô non đã được bố mẹ trao vào tay sợi thừng dắt trâu, quán xuyến cả sản nghiệp của gia đình.



Nhà cô giáo Ngô Thị Kia ở thôn Toạt, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Tuyên Quang. 

Khi Kia còn nhỏ, điểm trường tiểu học Hùng Lợi ở thôn Toạt, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn mỗi năm có chưa đến 10 học sinh. Cứ qua một năm học lại rơi rụng mất mấy em. Sự hiện diện duy nhất của ngành giáo dục, khi đó ở Toạt, chỉ là một túp nhà tranh xiêu vẹo với ba bộ bàn ghế khập khiễng. Thầy giáo từ huyện vào đứng lớp, thời gian dạy học cũng nhiều bằng thời gian đến nhà vận động trẻ con đến trường.

Nhưng đứa con gái thứ tư nhà ông Ninh là một đứa trẻ khác biệt. Kia ham thích sách vở, chưa một lần thầy phải vào nhà dỗ đến trường. "Em cố gắng học, cuộc sống mới bớt vất vả khổ cực", lời thầy dặn khi đó Kia chẳng hiểu hết. Cô bé chỉ biết, muốn làm nghề dạy học như thầy.

Kia coi đi học là niềm vui hiếm hoi trong tuổi thơ vất vả. Xã Hùng Lợi khi đó chưa có điện nên buông đũa cơm trưa, Kia thường tranh thủ làm hết bài để chiều dắt trâu, địu em lên nương. Dưới ánh đèn dầu, tối tối, cô bé mở sách, rúc rích đọc cho các chị và em trai nghe những mẩu truyện trong sách tập đọc đến khi cha mẹ giục đi ngủ hoặc đèn cạn dầu mới thôi.

Mấy hôm sau, ông Ninh kiếm đâu được chiếc đèn pin cũ để ở đầu giường bọn trẻ. Những đêm học bài, đọc truyện của năm chị em, nhờ cha, không còn khét mùi xăng dầu nữa.

Hết lớp 5, Kia đứng trước dấu mốc quan trọng đầu tiên của cuộc đời: nghỉ học hay đi tiếp. "Con gái học thế nhiều rồi, đằng nào chả lấy chồng", người làng nói trong khi Kia hồi hộp đợi quyết định của cha mẹ. Ông Ninh bỏ lại sau lưng lời thiên hạ, lặng lẽ hậu thuẫn con gái.

Lên một cấp học, nhưng đường đi thành 15 km, xa gấp năm lần. Mùa hè năm đó, vợ chồng ông Ninh bà Xía vét những bao ngô bao gạo tích cóp, vốn định để dành cho mùa giáp hạt, đổi lấy một chiếc xe đạp thồ kiểu cũ trong sự ngạc nhiên của đám con vì cả nhà không ai biết đi xe.

Cha con Kia đánh vật với chiếc xe trên những con đường núi trước nhà suốt hai tháng hè. Cuối cùng, người cha không biết đi xe đạp, bằng cách nào đó đã dạy con gái biết đi xe.

Con bé thôn Toạt đi chiếc xe đạp thồ xấu xí trở thành trò trêu đùa của bạn bè trong trường, còn với Kia nó là một kho báu. Nhưng cũng không ít những lần, kho báu già cỗi này khiến cô gái nhỏ phát khóc khi bỗng dưng một sáng thức dậy, hai lốp hết sạch hơi. Tiệm sửa xe duy nhất của xã xa bằng quãng đường đi học, Kia quyết định đi bộ 15 km xuống trường.

Nhưng cha Kia không để con gái tủi thân. Sớm hôm sau, ông tay dắt chiếc xe đạp hỏng, lưng đeo cặp sách cùng con đi xuống tiệm, đợi thợ vá xong và con gái khuất sau cổng trường, ông Ninh mới yên tâm đi bộ về nhà.


Với Ngô Thị Kia, cha là động lực và chỗ dựa giúp cô giáo trẻ vững vàng trong mọi bước đi của cuộc đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ cô gái duy nhất của thôn Toạt học hết lớp 5, Kia trở thành học sinh duy nhất xã Hùng Lợi học đến trung học phổ thông. Vợ chồng ông Ninh vẫn bị xóm làng coi như những phụ huynh kỳ quặc vì để một đứa con gái tốn nhiều tiền của vào chuyện học hành đến thế.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa Kia đã rục rịch lấy chồng, đẻ con, đi công ty, sắm sửa điện thoại, ti vi, mua áo quần cho bố mẹ, thì nhà bố mẹ Kia mỗi lúc một nghèo đi.

Người cha kiệm lời ít khi tâm sự với con gái, nhưng mỗi lần ông mang gì trong nhà đi bán để cho con đóng tiền học, tiền ăn, Kia đều biết hết. Có cuối tuần bất ngờ về từ trường nội trú, thấy bữa trưa của cha mẹ chỉ có cơm trắng, Kia bật khóc đòi nghỉ học đi làm công nhân, nhưng bị bố mắng.

"Em không kiên cường mấy đâu, suýt bỏ học mấy lần vì thấy bố mẹ khổ vì mình quá, nhưng bố em không cho", Kia kể. Hôm đó ông Ninh bảo đời mình không biết chữ, các chị của Kia cũng vậy rồi nên không muốn con khổ nữa.

Lớp Kia năm đó có 32 học sinh, chỉ hai người đăng ký thi đại học. Kia làm hồ sơ duy nhất một nguyện vọng vào khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Tân Trào, Tuyên Quang. Bạn cùng lớp trách Kia sao không xuống Hà Nội học, để vươn ra ngoài, nhưng Kia chỉ muốn về lại thôn Toạt làm cô giáo, sống gần mẹ cha.

Sau kỳ thi, biết mình thừa 4 điểm so với ngành học, Kia tâm sự, "tay mình như đã chạm được vào viên phấn", nhưng đợi mãi không thấy giấy báo trúng tuyển, cô lòng như lửa đốt. Nhìn từng tốp học sinh ríu rít gọi nhau đi học, Kia thấy hy vọng tắt dần, nhưng lại tự an ủi bản thân, giờ nghỉ học để kiếm tiền phụ bố mẹ cũng không sao.

Một chiều cuối tháng 8/2018, người dưới trung tâm xã mang đến cho ông Ninh một phong thư. Người cha không biết chữ nhưng linh cảm của ông mách rằng, đây là thứ con gái mình đang mong chờ. Ông cầm phong thư mang tận vào nương tìm, đưa cho con. Quệt vội bàn tay còn bám đất bùn vào vạt áo, Kia hối hả bóc rồi reo lên "Con đỗ rồi!". Ông Ninh đỡ tờ giấy trong tay, nâng niu như vật quý.

"Con gái ông Ninh đỗ đại học" trở thành tin tức lớn của cả xã Hùng Lợi, nhưng tài sản của cha mẹ Kia chẳng có gì ngoài sự tự hào. Nhớ lại ba năm học, đến cả gạo, sắn, mắm muối trong nhà, bố mẹ cũng phải bớt lại cho Kia mang lên thành phố ở trọ.

"Em nhớ, mỗi tháng em về xin ít nhất 300 nghìn, nhiều là 500 nghìn đồng. Với bố mẹ em, đấy thực sự là gánh nặng. Nhiều đêm rất lạnh, bố mẹ vẫn đi mò ốc cua để sáng đem bán, tích cóp tiền cuối tháng em về để cho", Kia kể lại với đôi mắt đỏ hoe.

Đầu học kỳ hai năm thứ hai, Kia về nhà, không thấy chiếc xe đạp thồ cũ kỹ năm xưa. Để có tiền cho Kia ăn học, bố mẹ đã bán chiếc xe.

Nhìn lại 15 năm học trải qua trong đời, Kia tâm sự, tài sản và bài học lớn nhất mình học được là sự hy sinh của cha mẹ. Kia bây giờ không còn là "đứa con gái thứ tư nhà ông Ninh bà Xía", mà đã được dân làng gọi là "cô giáo Kia của thôn Toạt". Những phụ huynh người Mông ở Hùng Lợi mừng vì lũ trẻ được gửi gắm vào bàn tay của một cô giáo sinh ra ở chính mảnh đất của mình. Mỗi lần nghe phụ huynh đưa con đến lớp, dặn "học giỏi để mai sau thành cô giáo Kia", cô gái trẻ biết, cả nghề và người đã chọn đúng.

Mùa hè năm trước, trường Tiểu học Hùng Lợi 2 tổ chức cho giáo viên đi du lịch Cát Bà, Kia thuyết phục bố mẹ đi cùng. Ngắm nhìn người cha đã 50 tuổi mới có chuyến nghỉ ngơi đầu tiên trong đời, Kia vừa mừng, vừa thương.

"Cả đời bố mẹ đã đứng sau để em được tiến về phía trước. Em hy vọng từ giờ, có thể đi cùng bố mẹ đến bát cứ nơi nào bố mẹ muốn đi", Ngô Thị Kia nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục