Những clip tổng hợp lịch sử gây "bão mạng”
"EZ Sử” là kênh chuyên tổng hợp những kiến thức lịch sử Việt Nam trên YouTube. Kênh hiện có hơn 424 nghìn lượt đăng ký, thu hút đến 65 triệu lượt xem. Những video trên kênh được thiết kế bằng phương thức "motion graphic” (tạo chuyển động cho các thiết kế đồ họa) với kịch bản và hình ảnh chuyên nghiệp kèm giọng đọc nhẹ nhàng, hấp dẫn.
Điển hình như video "Tóm tắt nhanh Lịch sử Việt Nam qua 4.000 năm” với độ dài vỏn vẹn 21 phút nhưng đã thu hút tới 13 triệu lượt xem và hơn 173 nghìn lượt yêu thích. Trong video, những mốc giới địa lý đất nước qua các thời kỳ, chuyện về các vị vua, anh hùng dân tộc, các trận đánh lớn... được trình bày rõ ràng, đẹp mắt. Các mốc thời gian được thay đổi uyển chuyển, đặt phía dưới giao diện của video để người đọc có thể xem đi xem lại từng giai đoạn khác nhau. Dưới phần bình luận, nhiều bạn trẻ bày tỏ lòng biết ơn nhóm làm clip khi được tìm hiểu lịch sử bằng hình thức sinh động, gần gũi, qua đó thêm yêu đất nước hơn.
Nhóm EZ Sử đang làm việc
Anh Đoàn Hồng Nam (34 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình) một trong những người người sáng lập kênh EZ Sử nói: "Chúng mình cảm thấy rất hạnh phúc khi những video đăng tải nhận được những phản hồi tích cực. Đặc biệt, kênh đã giúp nhiều bạn trẻ quan tâm hơn đến lịch sử và tự hào về đất nước”, anh Nam chia sẻ.
Để EZ Sử đạt được số lượng người xem lớn như bây giờ, nhóm của anh Nam đã trải qua một quá trình dài. Đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Nam lên mạng xã hội để tìm hiểu về lịch sử nhưng không có các clip tóm tắt, dễ hiểu. Nghĩ nhiều người cũng có nhu cầu như mình, anh rủ thêm 2 người bạn nữa cùng lập kênh.
Tốt nghiệp đại học về lĩnh vực xây dựng và chưa từng làm nghề liên quan đến truyền thông nên để hoàn thành video đầu tiên, anh Nam và nhóm làm khá chật vật. Từ lên ý tưởng, tìm hiểu về lịch sử, làm nội dung, thiết kế đồ họa đến giọng đọc... được nhóm rà soát, chỉnh sửa nhiều lần. Chủ đề về lịch sử phải chính xác nên nhóm phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ nhiều nguồn tài liệu uy tín và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Phải mất 3 tháng làm việc liên tục, nhóm mới hoàn thành video đầu tiên.
Tốn nhiều công sức nhưng khi video được đăng tải cũng chưa thể tiếp cận được nhiều người. Nhóm kiên trì làm, nhờ vào chất lượng và cách trình bày vấn đề mới mẻ, dần dần các video của nhóm trên YouTube cũng như các mạng xã hội khác được mọi người ủng hộ hơn.
Đến nay, nhóm có 9 thành viên và đã đăng tải hơn trăm video. Không chỉ trên nền tảng YouTube, nhóm cũng xây dựng những video ngắn trên mạng xã hội TikTok và Facebook. Việc có lượng người xem lớn đã giúp nhóm có thêm thu nhập, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân sự và thiết bị cho nhóm.
Những clip ngắn có trăm triệu lượt xem
Cũng trong dịch COVID-19 bùng phát, năm 2021, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Phạm Huy Hoàng (35 tuổi, sinh sống và làm việc tại Hà Nội) bắt đầu làm những video đầu tiên đăng tải lên YouTube, TikTok và Facebook về chủ đề lịch sử. Đến nay, kênh "Dòng Máu Việt” do Hoàng lập và đăng tải đã thu hút 1,35 triệu người theo dõi với hơn 750 triệu lượt xem trên YouTube, 2,5 triệu lượt theo dõi trên nền tảng Tiktok và hơn 100 nghìn lượt trên Facebook. Những video có lượt xem "khủng” được Hoàng làm chỉ với chiếc điện thoại và chiếc máy tính cũ.
Những chủ đề về công lao của những vị anh hùng Việt Nam, những điều tích cực, tốt đẹp được anh Hoàng tóm tắt trong video dưới 1 phút đầy hấp dẫn. "Mình làm việc này chỉ để thể hiện lòng yêu nước và thỏa mãn nhu cầu đam mê lịch sử, không ngờ được nhiều người, nhất là các bạn trẻ ủng hộ nhiều đến vậy”, Hoàng bộc bạch.
Anh Phạm Huy Hoàng, kênh Dòng Máu Việt chụp ảnh cùng nút bạc YouTube
Video ngắn nên nhanh chóng tiếp cận được nhiều người, từ vài chục nghìn, đến hàng trăm nghìn và giờ là cả triệu người. Tuy nhiên, do không nắm rõ các quy định trên các nền tảng mạng xã hội, kênh đã đăng tải những hình ảnh trong cuộc chiến tranh như hình ảnh thảm sát, đổ máu, vũ khí... và bị khóa vài lần. Có lúc, kênh còn bị khóa vĩnh viễn và phải lập lại kênh mới. Những lúc như thế, Hoàng cảm thấy nản. Nhưng sau đó, Hoàng nhận được những cuộc gọi và cả mail động viên nên đã lập kênh mới. Để đảm bảo clip chính xác, tránh dài dòng để dễ tiếp cận khán giả, Hoàng thường xuyên đọc bộ "Đại Việt sử ký toàn thư” và các bài viết trên các báo chính thống.
Hầu hết những người xem video của Hoàng đều ủng hộ, nhưng không tránh được những bình luận tiêu cực. "Có những đối tượng trong nước và ngoài nước, thế lực thù địch đưa ra quan điểm trái chiều, lệch lạc. Tuy nhiên, bản thân mình phải vững vàng. Nếu chỉ vì một vài lời dọa nạt, đe dọa ... trên mạng khiến mình lo sợ thì mình đã không tiếp tục được”, Hoàng bày tỏ.
Hiện Hoàng đã có thu nhập để trang trải các chi phí sinh hoạt thông thường từ kênh nhưng anh không muốn thương mại hóa. "Rất nhiều nhãn hàng muốn hợp tác nhưng mình không nhận vì làm việc này không phải để kiếm tiền. Việc có nhiều người sẵn sàng cầm điện thoại xem các video và lan tỏa tinh thần yêu nước là thành công lớn nhất với mình”, Hoàng tâm sự.
Cần định hướng, khuyến khích và giúp đỡ
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khi nói về lịch sử, nhiều người thường nghĩ đến các bộ sách dày dặn của nhà nước, quốc sử hay của các nhà sử học, rộng rãi hơn là sách giáo khoa cho học sinh. Cách truyền bá kiến thức đó thường một chiều, buộc người đọc phải nhớ. Điều này khiến môn lịch sử trở nên xơ cứng và không hấp dẫn. Việc các bạn trẻ quan tâm đến lịch sử từ những video trên mạng xã hội nằm trong xu thế chung của phát triển công nghệ, giúp mở ra không gian tri thức rộng rãi và có hiệu quả.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cách truyền đạt lịch sử qua con mắt của các bạn trẻ khác với những nhà chuyên môn, nên rất gần gũi. Ngôn ngữ thể hiện của các bạn hiện đại, phù hợp với giới trẻ, nên tính hiệu quả rất cao. "Có những điều rất sáng tạo và tôi cho đấy là lịch sử. Làm sao để lịch sử tiếp cận đến con người đương đại và họ trăn trở, suy nghĩ, học hỏi từ lịch sử. Đó là điểm cuối cùng để học lịch sử”, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp, do cách nhận thức, hoặc một số người muốn mượn lịch sử để đưa ra những quan điểm không thích hợp. Vì vậy, theo ông Dương Trung Quốc, những nhà quản lý có thể đưa ra định hướng, các cách thức khích lệ các bạn trẻ tham gia.
(Theo TPO)