Nguyễn Văn Hoàng, 19 tuổi, là sinh viên năm thứ nhất ngành Toán, hệ Cử nhân tài năng của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hôm 5/4, Hoàng và 5 sinh viên khác được trao giải đặc biệt ở kỳ thi Olympic Toán học sinh, sinh viên toàn quốc.
Dự thi cả hai môn Đại số và Giải tích, Hoàng đều giành huy chương vàng, trong đó là thủ khoa Giải tích ở bảng A (nhóm trường đào tạo chuyên sâu ngành Toán) với 26/30 điểm.
"Đây là kết quả bất ngờ, bởi trước giờ, Giải tích không phải thế mạnh nên mình chỉ mong giành huy chương vàng là tốt rồi", nam sinh nói.
Hoàng là cựu học sinh chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, từng thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và giành huy chương đồng.
Với cuộc thi Olympic Toán toàn quốc, Hoàng thấy tự tin ở môn Đại số vì mạnh về kỹ thuật, phương pháp làm bài. Ngược lại, môn Giải tích đòi hỏi tưởng tượng khá nhiều, không phải sở trường. Ngoài học cùng đội, Hoàng dành cuối tuần để luyện đề các năm trước.
Theo Hoàng, điểm khác biệt lớn nhất của cấu trúc đề thi Olympic Toán toàn quốc với IMO là độ rộng kiến thức. Đề IMO bao quát nhiều nội dung hơn, như số học, tổ hợp, hình học... nên thí sinh phải học đa dạng thể loại. Ngược lại, Olympic Toán toàn quốc chỉ gồm hai môn, có bài ở mức độ cơ bản chứ không nâng cao như IMO.
Trước giờ thi môn Đại số khoảng 30 phút, ban tổ chức thông báo không cho mang máy tính vào phòng thi. Một số thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý, nhưng Hoàng không thấy lo lắng. Nam sinh cho biết IMO và nhiều cuộc thi chọn học sinh giỏi đều không cho sử dụng máy tính, nên đã quen với việc này.
Mỗi môn đều có 5 bài, thi trong 180 phút. Hoàng đánh giá 2-3 bài đầu của mỗi môn ở mức cơ bản, nhưng cả hai buổi thi, nam sinh đều mất thời gian cho những bài này hơn phần nâng cao. Lý do là Hoàng không thường xuyên luyện tập những dạng này, bị nhầm lẫn nên phải gạch đi làm lại.
"Lúc đó, mình khá hoảng và lo lắng, vì biết các bài sau khó hơn. Nhưng dù thế nào, kinh nghiệm là phải chắc được bài dễ để lấy điểm đã", Hoàng nói.
Để kịp xong bài, Hoàng phải làm tắt một số bước ở môn Đại số. Đây là điều nam sinh tiếc nuối, vì cho rằng nếu làm đủ bước, kết quả sẽ tốt hơn. Tương tự với đề Giải tích, vì sức ép thời gian, Hoàng còn một ý chưa kịp hoàn thiện, dù biết cách làm.
Vì vậy, khi được thông báo đạt giải vàng hai môn, trong đó một môn đạt điểm cao nhất, Hoàng như cởi bỏ được áp lực tâm lý.
PGS.TS Trịnh Viết Dược, giảng viên bộ môn Giải tích, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhận xét Hoàng khá cầu toàn trong thi cử. Nam sinh chăm chỉ, có học lực nổi trội và cởi mở, thường xuyên trao đổi bài với bạn bè, thầy cô.
"Trước kỳ thi, tôi đánh giá Hoàng có khả năng giành giải nhất Giải tích, nhưng đạt cả danh hiệu thủ khoa cũng là điều ngoài mong đợi", thầy Dược chia sẻ.
Hoàng thấy trải nghiệm tại Olympic Toán toàn quốc đã trọn vẹn, nên dự định không tham gia cuộc thi này vào năm tới. Thay vào đó, nam sinh muốn dành thời gian để thực hiện các dự án liên quan tối ưu hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
"Mình thấy bản thân còn thiếu sót nhiều, nên sẽ học thêm các lĩnh vực khác ngoài Toán", Hoàng nói.
(Theo VnExpress)