Lòng yêu nước
- Cập nhật: Thứ ba, 4/9/2012 | 2:49:42 PM
Tiết Địa lý. Dù là môn học thuộc nhưng đâu đó góc lớp vẫn có tiếng rì rầm bàn luận to nhỏ. Môn Địa lý không quá khó hiểu và khô khan nên bọn học trò đủ tỉnh táo, ít nhất đủ để nhận ra bài học của ngày hôm nay: Địa lý Việt Nam và hăng hái… nói chuyện riêng về chủ đề liên quan.
Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo Song Tử Tây.
|
Tôi nghe đâu đó kiểu câu: Việt Nam mình… lặp đi lặp lại. Lại thế rồi, cứ mỗi lần chỉ cần có “mùi” của chủ đề này là dấy lên những tràng: nước mình thế nọ, nước ngoài thế kia. Nào là nước mình giàu tài nguyên nhưng chưa biết khai thác, nước mình rộng hơn mà nghèo hơn, nước mình để chảy máu chất xám… Tôi thở dài, ngao ngán. Không hiểu sao tôi rất khó chịu khi phải nghe những lời như thế, hơn nữa là nghe đi nghe lại, ở khắp các cuộc “tán chuyện” và từ toàn những bạn trẻ tuổi mình.
Vấn đề sính ngoại nổi cộm nhất có lẽ ở đối tượng người trẻ. Cũng thật dễ hiểu vì họ là những người thuộc thế hệ sau trong xã hội hiện đại, được giáo dục qua trường lớp thời buổi đất nước hội nhập quốc tế, rồi còn điều kiện nhìn ra thế giới qua mạng toàn cầu. Họ biết ngoại ngữ, biết hát nhạc ngoại và “phát cuồng” về các ban nhạc thần tượng. Họ thích dùng hàng hiệu, hàng xách tay vì đó là những sản phẩm “chất” hay nói khác là thể hiện đẳng cấp. Nhưng thái độ sống đó chẳng phải chỉ riêng giới trẻ và chỉ bắt đầu từ giới trẻ.
Người lớn cũng lấy “cao to, mũi thẳng như Tây”, “lãng mạn như phim Hàn”, “khu vực VIP dành cho Tây”… làm chuẩn, đặt những cái tên Samsung, Tiểu Hạ Vy… coi là hay. Nhiều người còn nuôi “mộng trời Tây”, những tưởng cứ đi nước ngoài là sướng, đi xuất khẩu lao động thì tha hồ kiếm tiền, cho con gái đi lấy chồng người nước ngoài…
Hình như trước đây, khoảng xa xưa thời cấp hai, tôi cũng là một trong số họ. Tôi ao ước về môi trường mới lịch sự, văn minh hơn với siêu thị chứ không phải là chợ, với nhạc pop chứ không phải dân ca quan họ, với fastfood chứ không phải bữa cơm, với cửa sổ mạng thay vì cửa sổ nhìn ra ban công… Có lẽ vì mê tít những bài hát Âu Mĩ nên tôi dần yêu ngôn ngữ cũng như văn hóa Anh để đến giờ, ngồi học trong lớp chuyên Anh- nơi mà các thần dân “nhiễm” phong cách sống, lối suy nghĩ “nhập ngoại”: con gái vẫn có thể đá bóng và mơ ước trở thành kĩ sư máy, con người sống tự lập, tự chủ là tốt nhất… Nhiều “phá cách” tôi ủng hộ và coi là quan niệm sống. Nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó mà chúng ta cần phải có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, phải “nghe bằng hai tai”:
Có thể đất nước họ có nền kinh tế phát triển, học sinh được học chơi nhạc cụ, các môn thể thao nhưng tỉ lệ học sinh tự tử vì stress trong học tập, sử dụng chất kích thích quá liều cũng là con số đáng kể.
Có thể người dân nước họ giàu nhưng không cảm thấy hạnh phúc, tức là không thấy yêu đời, lạc quan hay nói cách khác là hài lòng với cuộc sống. Người dân Mĩ chỉ muốn có được giây phút an tâm sống hằng ngày mà không lo khủng bố, biểu tình, không đánh bom hay xả súng. Có những người chỉ mong rời siêu đô thị với nhịp sống chóng mặt để về những vùng ngoại ô yên bình như làng quê Việt mà thôi. Có người nước ngoài thích mặc áo phông May10 chứ không phải hàng hiệu đắt tiền nào cả. Có du khách nước ngoài thích phở. Có “ông Tây” yêu nhạc Trịnh…
Có những đồng bào ta ở nước ngoài giữ nếp nhà Việt, muốn có lá dong giữa trời tuyết lạnh để gói bánh chưng, gói lại chút hương vị Tết cổ truyền. Có cậu du học sinh nghe giọng Huế mà nhớ tiếng mẹ đẻ đến nao lòng… Những người con đất Việt ấy đã luôn cố gắng sống cho xứng đáng là “đại sứ văn hóa” của dân tộc nơi xứ người.
Và vẫn có những người trẻ đang ngày đêm lao động, cống hiến dựng xây Tổ quốc từ đấu trường học tập - nghiên cứu, kinh tế, nghệ thuật đến những chiến dịch mùa hè xanh, những phong trào gây quỹ. Không đổ xương máu như thế hệ trước nhưng họ đưa nước ta hội nhập với thế giới, họ làm hai chữ Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt trong mắt bạn bè quốc tế. Đó phải chăng là cách “trông ra bên ngoài” tốt đẹp nhất, không so bì, không chê bai, chỉ đơn giản là làm cho nước mình ngày một tươi đẹp.
Nguyễn Diệu Huyền (Lớp 12Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Trời lại mưa, mọi người đã chìm vào trong giấc ngủ nhưng tớ thì không sao ngủ được, tớ nghĩ đến cậu và tớ muốn viết cho cậu một điều gì đó.
Hơn hai tháng hè đã lặng lẽ trôi đi thật nhanh. Hôm nay những đứa con của núi rừng lại quay trở lại với ngôi trường Nội trú thân yêu.
Một chút nhẹ nhàng, một chút mong manh, một chút bâng khuâng đủ để làm nên mùa thu và đủ để khiến nó khác biệt, khiến con người sống chậm lại và nghĩ khác!