Hối hận
- Cập nhật: Thứ năm, 8/11/2012 | 3:46:40 PM
Trống trường vang lên giòn giã như kêu gọi, thúc giục. Thường ngày, tiếng trống ấy là một niềm vui của tôi.
Ảnh minh họa.
|
Nó giải thoát tôi ra khỏi những giờ học căng thẳng. Nhưng hôm nay tôi bị giằng co bởi suy nghĩ: ở lại trường ư? Bạn bè tôi sẽ nhìn tôi với cặp mắt dè bỉu, khinh khỉnh. Về nhà ư? Bố mẹ tôi sẽ phải “chiêm ngưỡng” cái hậu quả tồi tệ mà tôi gây nên. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng phải lê bước nặng nề về nhà. Tôi cúi đầu lầm lũi đi như kẻ bị tù đày khổ sai. Giả sử chuyện sáng nay đừng xảy ra, tôi có thể bon bon về nhà, ríu rít như chú chim non. Đằng này lại thế...
Sáng nay, lớp chúng tôi có sinh viên dự giờ. Ôi chao! Tôi ghét nhất là chuyện này, cứ ngồi yên như phỗng rồi lại giơ tay rào rào như cái máy. Chẳng hiểu lũ bạn tôi sáng nay thế nào mà chúng nó chăm chú theo dõi bài ghê lắm. Đứa nào cũng say sưa hết nhìn lên bảng lại nhìn sách, vở.
Còn tôi, cứ ngoái sang cái Thủy mượn thước, rồi quay sang cái Dung mượn bút. Thôi thì đủ thứ chuyện, tôi cố tình tạo ra tình thế làm cho bài giảng của cô như “nước đổ đầu vịt”, có lúc cô giáo nói “lộn”, tôi lí nhí che miệng cười.
Thình lình cô đến gần bàn tôi và đặt câu hỏi. Tôi điếng người, không biết trả lời sao cả. Chúng bạn thì cứ giơ tay rào rào như khiêu khích. Mặt tôi “đỏ ngầu” vì xấu hổ nhưng để bào chữa tôi nói:
- Thưa cô, em chẳng hiểu bài cô giảng nên em không trả lời được. Xin lỗi cô, cô giảng bài còn dở lắm.
Như búa bổ vào đầu, mặt cô tái mét đi vì xấu hổ. Cô chỉ còn ấp úng:
- Em...em...
Rồi cô ôm mặt và xin ra ngoài. ở cuối lớp, bao tiếng rì rầm nổi lên, cả lớp nhìn tôi với đôi mắt “rực lửa”. Lát sau thầy phụ trách đại diện lên xin lỗi vì đã không “chọn đúng cô giáo”... Mặc dù bạn lớp trưởng phân giải:
- Thưa thầy, xin tha cho bạn em. Thật tình cô giáo giảng rất tận tình...
Cả đoàn người không ai nói gì hết thất thểu tuyệt vọng bước ra khỏi lớp, họ như không còn muốn thi nữa...
Không khí nặng nề tràn vào lớp tôi. Lũ bạn tôi hậm hực nhìn tôi với cặp mắt xa lạ, căm hờn. Còn tôi thì ngẩn cả người ra. Tôi hiểu là mình vừa phạm tội. Cái tội ấy không gây ra vết thương từ da thịt mà nó ngấm sâu trong lòng. Đang trong cơn bàng hoàng, cô chủ nhiệm đến. Tôi run lên và đứng không vững. Tai tôi ù ù... tiếng kết tội của cô và tôi cũng chẳng biết mình trả lời những gì. Và bây giờ là quyển sổ liên lạc có cả chữ ký của cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm.
Mải mê “ôn” lại những gì đã xảy ra hồi sáng, tôi đụng phải cái cổng sắt. Tôi vội vàng lau khô nước mắt, cố tạo vẻ vui mừng. Bố mẹ tôi không hay biết gì cả, ít ra thì tôi cũng có thời gian “thư giãn” đầu óc để chờ những phút giây đen tối xảy ra.
Đêm buông xuống, cả nhà tôi sau giờ xum họp trong phòng khách xem ti vi đã chìm trong giấc ngủ. Tôi giật mình vì một bàn tay ấm ấp, dịu dàng trên má. Mắt tôi cố rướn lên xem ai. Trời! Mẹ! Tôi sờ sẫm tìm quyển sổ liên lạc nhưng nó biến mất. Tôi sợ hãi nhìn mẹ rồi nước mắt cứ tuôn ra. Nhưng mẹ tôi không quát mắng một lời. Vẫn đôi mắt hiền từ nhìn tôi mà bảo.
- Con ạ, mẹ đã biết hết cả rồi. Sao con lại dại dột thế nhỉ? Con không chịu hiểu cô mình. Cô ấy là giáo viên thực tập thì làm sao tránh khỏi sự lúng túng, hồi hộp. Thật ra trình độ của cô cao lắm chứ không như con nghĩ đâu.
Tôi nấc lên từng hồi, bao lời nói của mẹ thấm vào tâm trí của tôi. Tôi không biết nói gì, chỉ gọi: “Mẹ...mẹ...”.
- Con hãy xin lỗi cô, con nhé!
Cái đồng hồ đã kêu lên. Tôi giật mình vì đã 7 giờ kém. Tôi vội vàng mặc quần áo, lôi cái cặp nặng trịch chạy vội đến trường, không quên đưa mẹ tôi ký tên và ghi mấy lời.
Vào đến lớp bao nhiêu cặp mắt nhìn tôi như kết tội. Tôi rùng mình ớn lạnh, lấy ra quyển sổ liên lạc đưa cho cô chủ nhiệm, rồi quay về chỗ chờ kết quả. Tôi thấy cô đọc đi đọc lại lời phê của mẹ, rồi thỉnh thoảng lại nhíu mày suy nghĩ. Chợt cô gọi:
- Linh, lên đây cô bảo.
Tôi rụt rè bước lên.
- Em có thể được tha, nhớ hãy làm theo lời mẹ dặn.
Rồi cô phân giải cho cả lớp nghe, các bạn không còn ghét tôi nữa. Chúng tôi lại vui vẻ với nhau.
Trải qua ngày nặng nề ấy, tôi nhẹ nhàng hẳn. Theo lời mẹ tôi mua một bó hoa và một cái thiệp đến xin lỗi cô. Quả nhiên, sau việc làm đó, các thầy cô hết giận và ai cũng vui vẻ.
Tôi tung tăng trên con đường về nhà với tâm trạng đầy thoải mái.
Đặng Vũ Hoài Linh -(Lớp 9A, trường THCS Yên Thịnh, TP Yên Bái)