Làm báo nơi vùng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2015 | 2:55:17 PM
YênBái - YBĐT - Trong quãng đời làm, báo vùng cao luôn là đề tài hấp dẫn với tôi. Bởi lẽ, cuộc sống đang thay da đổi thịt ở vùng cao, vùng các dân tộc thiểu số đã cuốn hút, mang lại nhiều cảm hứng, do đó những tác phẩm như: "Người giỏi Pá Hu", "Chuyện từ làng Dao Khe Ván", "Về vùng đặc sản nếp Tan", "Lênh đênh làng ven"... không chỉ là sự thích thú cho bản thân mà còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc.
Trồng đậu tương ở Khai Trung (Lục Yên).
|
Nhưng để đi và thâm nhập thực tế vùng cao thì chẳng chút dễ dàng. Nhớ lần đi xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình để viết về bưu điện văn hóa xã. Lúc ấy, đường Đông hồ chưa thông nên phải vòng sang huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Đến đèo Gàng đúng lúc trời đổ mưa to, khiến mặt đường đầy thùng vũng, trơ ra những hòn đá mồ côi gồ ghề. Ô tô dù đã gài cầu vẫn trơn trượt không thể vượt đèo, đành quay lại. Rồi cũng không thiếu những nguy hiểm rình rập dọc đường.
Một số anh em ở Báo Yên Bái chắc khó quên cảnh bị kiềm tỏa trên đèo Khau Phạ dịp đi làm số báo kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Mù Cang Chải. Mưa bão ào ào. Đất sạt đá lở chặn cả đường tiến lẫn đường lùi, đành nằm lại giữa đèo. Chờ đợi qua đêm mà bụng thon thót lo, nhỡ có viên đá lạc giáng thẳng vào xe. Cũng ở Mù Cang Chải, cơ may còn đến khi chiếc u - oát, trong đó có anh Nguyễn Văn Ngọc lúc ấy là Bí thư Thành ủy Yên Bái; anh Thào A Sàng - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải và tôi bị bó phanh trượt dốc trên đường Nậm Khắt đi xã Ngọc Chiến (tỉnh Sơn La). Nhảy vội xuống khi xe dừng, hú hồn nhìn lại thì bánh trước ô tô chỉ còn cách mép vực chưa đầy nửa mét.
Gian khổ vậy, thế mà vui. Nhớ lần đầu đến xã Khai Trung của huyện Lục Yên. Dân vẫn quen kiểu làm ăn manh mún tự cấp tự túc nên còn nghèo lắm. Về viết bài đăng báo và có làm bài thơ "Lên Khai Trung", rồi công việc cũng cuốn đi chẳng nhớ nữa. Ai dè lần sau quay lại, lớp cán bộ xã bây giờ chỉ còn gặp Phùng Thừa Lâm hiện là Bí thư Đảng bộ. Nắm chặt tay tôi, anh Lâm hồ hởi: “Thế là lại đến với Khai Trung rồi nhé! Mọi người vẫn nhớ như in lời nhà báo hẹn. Thoắt cái đã hơn chục năm trời. So với năm 1999, cảnh sắc, con người đã đổi thay nhiều lắm. Các thôn: Giáp Luồng, Giáp Chảy, Giáp Cay, Khe Rùng, Tác Én đều có chi bộ Đảng và là làng văn hoá. Viễn thông phủ sóng điện thoại. Nhà sàn văn hoá thôn được dựng lên làm nơi đón khách và giao lưu trong những ngày xuân hay ngày hội; có sân bóng đá, bóng chuyền và mở vòng xoè đêm hội.
Còn ở xã Nà Hẩu (huyện văn Yên), người Mông ra sức gìn giữ những cánh rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp bằng những quy ước tự ngàn xưa của đồng bào. Đời sống chưa dư dả, nhưng lòng hiếu khách thì lúc nào cũng sẵn. Người dân hay nhắc tới Cư A Phần - cháu của nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Cư Hoà Vần. Nhà Cư A Phần ở đỉnh dốc Ba Khuy, mỗi khi vượt đèo vào Nà Hẩu không thể không dừng chân nghỉ. Cư A Phần hiếu khách, nên rất buồn khi cơm mời không đắt, rượu chúc không vơi. Bây giờ có xe ô tô, song hầu như ai đi qua đều dừng ghé lại. Cư A Phần quả là người biết làm ăn. Riêng quế có 3ha, đàn trâu 6 - 7 con. Giữa bao nhiêu đồ đạc sang trọng, góc nhà vẫn còn chiếc cối xay đá. A Phần bảo: “Vẫn phải giữ nó, thi thoảng xay ngô làm mèn mén để nhớ về thời gian khó”. Con người vùng cao chân chất là thế đấy.
Tôi cũng từng gặp "Người giỏi Pá Hu" - Thào A Tông ở Trạm Tấu; Đặng Phúc Vạn, ở Văn Yên - người bỏ công sức, tiền của mở đường dân sinh; Giàng A Tếnh, Giàng A Đằng ở Suối Giàng (Văn Chấn)... Đầu năm 2015, có dịp đến xã Suối Bu và ấn tượng vô cùng với đội ngũ lãnh đạo địa phương như Vàng Sáy Tùng - Bí thư Đảng ủy, Mùa A Của - Chủ tịch UBND xã, Mùa A Chang trưởng bản Bu Cao cùng Phó chủ tịch UBND xã Sùng Thị Sía. Suối Bu chưa vượt qua cái ngưỡng nghèo, nhưng đã biết trồng nhiều ngô vụ đông, khai hoang ruộng nước và phát triển cây chè để tăng thu nhập, xóa đói giáp hạt.
Đặc biệt, bản Bu Cao có 114 hộ với 554 khẩu đã hưởng ứng cuộc vận động hạ sơn, năm 2009 có 85 hộ đầu tiên rời bản trên núi cao xuống nơi ở mới. Được Nhà nước đầu tư từ các chương trình: 135, 134 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nên có mặt bằng làm nhà ở, có đường bê tông, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học mầm non. Bây giờ, tất cả các hộ ở bản hạ sơn đều được dùng điện lưới quốc gia, nước sạch; 80% số hộ có xe máy; gần 90% có phương tiện nghe nhìn. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, những ngôi nhà người Mông lợp phi brô xi măng xếp ngay ngắn hai bên đường trục chính đẹp như phố thị.
Nổi bật nhất là ngôi nhà xây hai tầng của trưởng bản Mùa A Chang - những hộ đầu tiên tại bản Bu Cao tự nguyện hạ sơn. Để xây dựng được ngôi nhà ngót nghét nửa tỷ đồng này, vợ chồng trưởng bản phải tích lũy suốt 5 năm, từ thu hoạch 5.000m2 chè, cùng phát triển chăn nuôi và mở thêm dịch vụ kinh doanh hàng tạp hóa. Đáng chú ý nhất là vai trò nêu gương của trưởng bản - người đảng viên 38 tuổi đời. Anh đi đầu trong trồng và vận động mọi người phát triển cây chè vùng cao; lăn lộn với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở bản.
Còn Sùng Thị Sía thì tiêu biểu cho tấm gương phụ nữ vùng cao vượt khó. Chị sinh năm 1982, gia đình ở bản Ba Cầu, lấy chồng về bản Bu Cao từ lúc 18 tuổi. Năm 1999, bắt đầu tham gia công tác xã hội, làm chi hội trưởng phụ nữ bản, chủ tịch Hội Phụ nữ xã và đầu năm 2015 được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch UBND xã. Xác định rõ vai trò nêu gương của cán bộ, chị luôn đi đầu trong nhiều phong trào như: học văn hóa, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với suy nghĩ cần có cái chữ để làm việc, Sùng Thị Sía dám vượt qua định kiến về người phụ nữ Mông chỉ biết quanh quẩn việc nhà để đi học xóa mù chữ tại xã. Sau 15 năm kiên trì, chị đã học xong lớp 12 và vừa hoàn thành Đại học Luật hệ tại chức. Chị cũng là người đầu tiên ở bản Bu Cao không sinh con thứ ba cho dù hai con đều là gái.
Con người vùng cao, cuộc sống vùng cao đã cuốn hút tôi. Nơi đây giúp tôi hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội miền núi; hiểu thêm cái tình của đồng bào các dân tộc. Điều đó, đã trở thành động lực để xác định rõ trách nhiệm của mình mà rèn luyện "tâm sáng, lòng trong, bút sắc".
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Giữa tháng Năm, tôi đến xã Đại Minh, huyện Yên Bình thực hiện bài viết về việc quy hoạch nghĩa trang theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tôi đã tìm hiểu tình hình chung, các vấn đề liên quan qua Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, UBND xã. Nhưng tôi muốn, phải xuống tận cơ sở để nắm bắt thông tin kỹ hơn. Và tất cả những nơi tôi đã đến, đều chân thực, sống động với mọi tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của người dân về vấn đề này. Cũng theo câu chuyện của người dân, tôi tìm tới thôn Khả Lĩnh.
Nhiều nhà báo đã bày tỏ kinh nghiệm, tâm huyết của mình khi viết về công tác xây dựng Đảng trong cuộc tọa đàm với chủ đề "Báo chí cách mạng với công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới" do Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 17-6, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
YBĐT - Với những người làm báo thì “ngôn ngữ báo chí” chính là nền tảng cho công việc của mình. Và nếu ai đã học môn Ngôn ngữ báo chí, do Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Hào (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) thì đó quả là điều may mắn lớn.
YBĐT - Ấn phẩm Yên Bái vùng cao (YBVC) là một trong ba ấn phẩm của Báo Yên Bái và có vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng xa. Những năm gần đây, YBVC đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp, văn minh.