Tấm gương của phóng viên Phạm Như Đại - quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vốn là một thầy giáo chuyển làm việc ở báo Nghĩa Lộ năm 1964. Anh hy sinh năm 1967 tại Hát Lừu, huyện Trạm Tấu trong khi đang làm nhiệm vụ với lãnh đạo xã và nhà trường về đưa thanh niên lên đường đi chiến đấu.
Sự hy sinh của anh là một tấm gương để những người làm báo thế hệ sau thêm nhiệt huyết cống hiến. Trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, những người làm báo ở báo Hoàng Liên Sơn ngày ấy đều hăng hái ra mặt trận.
Nhà báo Nguyễn Bội Đông - nguyên Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn, Báo Yên Bái kể: Chiến tranh biên giới nổ ra, từ Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập đến các biên tập viên, phóng viên đã lên mặt trận biên giới sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Và điển hình đó là Bùi Nguyên Khiết. Trong cuộc chiến đấu này, anh đã cầm bút lên biên giới ngay từ lúc mà chiến tranh sắp nổ ra. Nhưng khi đối mặt với kẻ thù thì Bùi Nguyên Khiết lại đổi bút lấy súng - như một người chiến sĩ thực thụ. Chiến đấu trên chiến trường, anh đã hy sinh ở chốt Tả Ngải Chồ của huyện Mường Khương. Một nhà báo cũng xuất thân bằng nghề giáo, quê ở thân xã Xích Thổ - Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình mới đóng góp cho tờ báo được 5 năm đã ra đi như đã có sự mách bảo.
Nhà báo Bùi Anh Túy - nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái - lớp nhà báo đàn em của Bùi Nguyên Khiết kể lại: "Trong thư gửi về cho chúng tôi, anh viết: Ngày mai mình sẽ đi Trung Trung Phố cùng các anh biên phòng để xem lại trận đánh sáng 29 Tết. Sau đó mình có thể đi Pha Long. Làm phóng viên lúc này mà không lao vào đây thì mình thấy không chịu nổi. Đánh địch bằng mồm quả dễ hơn đánh địch dưới tầm hỏa lực của nó. Chết mình cũng đi! Chết mình cũng phải viết một cái gì đó về những ngày tháng này. Việc đoàn nhờ Túy; trồng cây nhờ các anh!”…
Nhà báo Bùi Nguyên Khiết tác nghiệp trên chiến sự Mường Khương.
Nhớ lại nơi biên giới nóng bỏng hơn 40 năm trước, Ban biên tập Báo Hoàng Liên Sơn thường cử những phóng viên thường trực trên trận tuyến. Đúng vào tháng 2/1979 là tháng Tết, nhà báo Bùi Nguyên Khiết được phân công trực ở trên tuyến đầu. Anh đã lên Pha Long cùng với bộ đội, để xem các trận đánh.
Khi anh Khiết tham gia cùng với bộ đội ở trên Mường Khương là lúc cuộc chiến tranh diễn ra rất là ác liệt vào sáng ngày 17/2. Mặc dù các đồng chí chỉ huy của đơn vị bộ đội yêu cầu ra ngoài nhưng anh Khiết vẫn xin ở lại để trực tiếp chiến đấu và chứng kiến sự dũng cảm của chiến sĩ ta để viết. Anh đã tham gia chiến đấu, bắn hết đạn ở khẩu súng của mình thì vác đạn súng cối cho bộ đội. Khi được lượt thứ hai đạn cối lên trên đồi thì trúng đạn của địch và hy sinh.
Bức thư của nhà báo Bùi Nguyên Khiết.
Nhà báo Bùi Anh Túy kể: Chiến sự xảy ra ngay trong ngày 17/2, Ban biên tập Báo Hoàng Liên Sơn đã cử anh em chúng tôi gồm năm anh em đầu tiên để tăng cường lên mặt trận. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng biên tập dẫn đầu, tôi và anh Quang Bích, anh Phạm Quang Trung, anh Hữu Tê cùng lên mặt trận. Chúng tôi được Tỉnh đội phát cho mỗi người một khẩu K44 rồi xuống Trạm Tiền phương nhận bông băng, thuốc thiết yếu, lương khô… rồi thì anh em chúng tôi vào mặt trận. Phải nói rằng rất là quyết liệt và không khí chiến tranh nó hừng hực lên.
Hôm ấy, chúng tôi tiếp cận mặt trận của Bản Việt, ngay trong đêm chúng tôi chứng kiến một trận đánh quyết liệt. Sáng hôm sau ngày 18, tôi được phân công vào mặt trận Mường Khương. Trên đường vào gặp bộ đội ở trong ra, tôi có hỏi về tình hình trong mặt trận thế nào thì có người nói với tôi rằng, có một phóng viên chết ở trong đấy rồi. Tôi hỏi là ai thì anh ấy bảo có hai phóng viên thì một anh ra được, một anh chiến đấu cùng với chúng tôi thì đã hy sinh ở trong ấy rồi.
"Nghe miêu tả anh phóng viên chết mặc áo bông màu xanh sĩ đông, đôi giày coóc-sơ-gin thì tôi biết ngay là anh Bùi Nguyên Khiết rồi. Bấy giờ tôi sững người ra ở trên xe tải của bộ đội” - Nhà báo Bùi Anh Túy chậm nghẹn trở về ký ức.
Noi tấm gương của anh Khiết, những phóng viên của báo Hoàng Liên Sơn ngày ngày lăn lộn ngoài chiến trường, có những lúc địch bắn rát, bao vây quyết liệt, nhưng đổi lại anh em đã phản ánh rất kịp thời những tấm gương của các chiến sĩ, của nhân dân trong những ngày gian khổ. Vượt đèo vượt suối, rồi nhịn đói đi bộ hàng chục cây số cùng với bộ đội cũng coi như lẽ thường. Thế nhưng tinh thần rất sảng khoái và thấy cái sự hy sinh nó cũng rất là nhẹ nhàng. Khi Tổ quốc lâm nguy mà mình được ra mặt trận như thế cũng là một điều vinh dự và cảm thấy cái chết cũng hết sức đơn giản - đó là suy nghĩ chung của những người cầm máy, cầm bút lúc ấy.
Nhà báo Bùi Anh Túy bồi hồi kể: "Tôi nhớ khi tôi với anh Tê, anh Tăng Thái, anh Bích từng leo lên kết quả đồi ở Phong Hải để chụp ảnh trực tiếp trận đánh thì đã được các anh chỉ huy dặn là khi thấy pháo ta bắn xong thì phải chạy ngay chứ không là nó phản pháo. Thế nhưng chúng phản pháo quá nhanh nên anh em chúng tôi lăn từ trên đồi xuống, địch vẫn bắn đuổi may mà mấy anh em chúng tôi không ai bị thương... Đổi lại, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh bộ đội ta chiến đấu dũng cảm trên mặt trận để phản ánh, thông tin kịp thời. Ngày đó thông tin cũng khó khăn, viết xong anh em lại ra ngay bưu điện fax hoặc bằng nhiều cách để chuyển về tòa soạn, thấy là cũng nhanh và cái rõ nhất là tinh thần rất hăng hái phục vụ mặt trận của phóng viên”.
Nguyên TBT Bùi Anh Túy chia sẻ: "Trong cái thời gian đó, cuộc sống gian khổ, khó khăn về vật chất, khó khăn lắm nhưng mà tình cảm thì rất đặc biệt. Anh Khiết làm Bí thư Thanh niên, còn tôi làm Phó Bí thư Thanh niên. Bức thư của anh như là một kỷ vật; như là lời dặn dò lại anh em chúng tôi về sau. Mỗi khi đọc bức thư ấy chúng tôi luôn tâm niệm làm hết sức vì cảm được cái tinh thần của anh. Những điều anh ấy nói với anh em chúng tôi, sau khi ra mặt trận từ tôi cho đến anh Hữu Tê, rồi anh Bội Đông, anh Quang Trung, anh Bích, anh Sần Quán… phải nói là rất hăng hái, rất dũng cảm. Nhiều khi đói, khát, rồi bị bao vây nhưng anh em chúng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người phóng viên trong mặt trận ngày ấy. Tấm gương hy sinh của đồng đội sáng mãi và bức thư của nhà báo, liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết luôn là nguồn động viên và là kỷ niệm mà anh em làm báo Yên Bái, Hoàng Liên Sơn không bao giờ quên được”.
Minh Quang (ghi)