Dân tộc Mông
- Cập nhật: Thứ bảy, 1/1/2005 | 12:00:00 AM
Dân tộc Mông ở Yên Bái có khoảng 55.000 người, chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh, cư trú tại 40 xã thuộc 6 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên.
|
Dân tộc Mông gồm 3 nhóm chính: Mông hoa, Mông đen và Mông trắng. Các nhóm Mông có sự khác nhau đôi chút về tiếng nói nhưng cũng thuộc nhóm ngôn ngữ Mông- Dao. Nông nghiệp trồng trọt là nguồn sống chính của đồng bào. Trước đây người Mông ở Yên Bái chỉ trồng 1 vụ lúa do điều kiện canh tác rất khó khăn. Đồng bào có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang với trình độ canh tác thông thạo. Tiềm năng thế mạnh là: nghề rừng, chăn nuôi đại gia súc, cây đặc sản và cây công nghiệp ngắn ngày. Nghề rèn của họ nổi tiếng với kỹ thuật cao.
Xã hội người Mông được tổ chức, điều hành theo dòng họ khép kín, có luật lệ, quy định, ký hiệu riêng cho mỗi dòng họ. Tín ngưỡng là thờ cúng tổ tiên, đó là thờ cúng ông bà, cha mẹ. Bàn thờ tổ tiên đặt ở vị trí trang trọng gian giữa, có họ không lập bàn thờ riêng.
Nghệ thuật dân gian của người Mông rất phong phú, vào mùa xuân, dịp tết hay lễ cưới người Mông đều hát dân ca và múa khèn. Trong các làn điệu dân ca, đặc biệt là loại hát kể chuyện lịch sử gọi là hát "Thân chù", hát "Gầu phềnh" trai gái hát trong khi chơi Pa Pao, hát qua sợi chỉ nối với 2 ống nứa bịt da ếch cho riêng hai người. Trong hội "Gầu tào", múa khèn là nghi lễ mở hội. Ngoài khèn bè, người Mông còn sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, thổi sáo.
Người Mông ý thức tự chủ cao, tính tình trung thực thẳng thắn, có đức tin bền vững, có truyền thống yêu nước và sự cần cù trong lao động. Nhờ những phẩm chất này cộng đồng người Mông tồn tại và phát triển trong quá trình biến thái của lịch sử và vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Các tin khác
Người Dao là dân tộc có dân số khá đông, khoảng 62.000 người chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở giữa vùng cao và vùng thấp, đông nhất là huyện Văn Yên.
Có khoảng 120.000 người, chiếm 17% dân số, đồng bào Tày Yên Bái sống tập trung ở 7/9 huyện thị trong tỉnh.
Chiếm 54%dân số toàn tỉnh, dân tộc Kinh có một vị trí quan trọng trong đời sống nói chung và việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở tỉnh Yên Bái.