Văn Yên chủ động đào tạo nguồn lao động tại chỗ
- Cập nhật: Thứ ba, 24/12/2013 | 8:56:48 AM
YBĐT - Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên (Yên Bái) đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.
Dạy nghề trồng nấm tại xã Đại Phác.
|
Ngay từ đầu năm, Trung tâm Dạy nghề huyện đã căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện giao để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT.
Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, cơ cấu nghề cần học, phân loại đối tượng học nghề theo độ tuổi, trình độ nhận thức làm căn cứ mở lớp dạy nghề phù hợp với từng địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm mở 22 lớp với 660 học viên đào tạo các nghề như: chăn nuôi lợn, chăn nuôi thủy sản nước ngọt, thú y, bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng lúa, chế biến sắn, chế biến gỗ rừng trồng, quản lý và phát triển trang trại, kỹ thuật trồng nấm và kỹ thuật nấu ăn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tuyển sinh và tổ chức đào tạo hai lớp học nghề làm mô hình điểm đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh gồm 60 lao động. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đơn vị đã sử dụng chương trình, giáo trình do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội biên soạn.
Ngoài ra, Trung tâm còn biên soạn, bổ sung 6 bộ giáo trình khác trên cơ sở ý kiến tham gia của các nhà quản lý, các kỹ sư nông nghiệp, các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cho phù hợp với tình hình phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. Các bộ giáo trình được thiết kế đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu của LĐNT.
Trong quá trình dạy và học có kiểm tra và cấp chứng chỉ cho học viên theo quy định. Bên cạnh đó, Trung tâm đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời liên kết hợp đồng, mời đội ngũ giáo viên thỉnh giảng có tay nghề, uy tín thường xuyên đảm nhiệm công tác giảng dạy, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ quan như: Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật và các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh về giảng dạy cho học viên.
Hiện nay, Trung tâm Dạy nghề huyện có 10 giáo viên cơ hữu, trên 20 giáo viên thỉnh giảng. Đội ngũ giáo viên không ngừng đổi mới nội dung, cải tiến giáo trình, phương pháp giảng dạy, kỹ năng thực hành phù hợp với đối tượng học nghề LĐNT. Trung tâm còn chủ động phối hợp với địa phương tạo địa điểm, cơ sở vật chất, khu thực hành cho học viên học nghề.
Nhờ sự chủ động phối hợp với các cấp, ngành đã giúp công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn ngày càng đạt hiệu quả cao. Nhiều LĐNT được tiếp thu nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Qua đánh giá kết quả các lớp đào tạo nghề cho thấy, sau khi kết thúc lớp học nghề dưới 3 tháng, có trên 80% học viên tự tạo việc làm cho bản thân. Lớp nghề kỹ thuật nấu ăn có 90% học viên được các trường mầm non, tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS nhận hợp đồng nấu ăn với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/tháng. Lớp chế biến gỗ rừng trồng có trên 90% học viên được các cơ sở chế biến gỗ nhận hợp đồng, mức thu nhập bình quân 2,5- 3 triệu đồng/tháng.
Thông qua các khóa đào tạo nghề đã giúp LĐNT bổ sung những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, sản xuất nông - lâm nghiệp, tạo cơ hội cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại năng Suất, hiệu quả kinh tế cao và nâng cao hệ số sử dụng thời gian lao động trong năm.
Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên, cho biết: “Phần lớn học viên tham gia các lớp học nghề là người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, Trung tâm thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngay tại xã, thôn, bản. Nhiều học viên sau khi tham gia các lớp học nghề trở về địa phương đã tìm được việc làm, biết áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của gia đình mình. Một số học viên năng động tự bỏ vốn đầu tư, mở các dịch vụ sửa chữa xe máy, điện tử, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng nấm hay chế biến nông - lâm sản… góp phần tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của Trung tâm hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chương trình, giáo trình, giáo viên dạy nghề còn thiếu nên nâng cao chất lượng dạy nghề còn hạn chế. Do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chưa thực sự quan tâm, nhận thức đầy đủ về lợi ích trong đào tạo nghề, hơn nữa, nhu cầu việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện còn ít nên chưa thu hút được nhiều người dân trong độ tuổi lao động tham gia.
Bên cạnh đó, nhận thức của một số lãnh đạo cơ sở về vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của dạy nghề chưa đầy đủ nên thiếu sự tích cực trong công tác phối hợp dẫn đến tuyển sinh còn khó khăn. Nhiều LĐNT còn quan tâm đến thu nhập trước mắt từ lao động thủ công, chưa chú trọng học nghề để ổn định sản xuất lâu dài.
Tuy vậy, với sự cố gắng, nỗ lực, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên vẫn từng bước khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy trong việc hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động khu vực nông thôn của huyện, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, giúp các địa phương chủ động nguồn lao động tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.
Hồng Vân
Các tin khác
Đây là một trong những điểm mới của Nghị định số 148/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề chính thức được áp dụng từ ngày 15/12/2013.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 11 tháng năm 2013, cả nước giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động, đạt 87,8% kế hoạch.
Điều này được thể hiện trong quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
YBĐT - Năm 2013, huyện Trạm Tấu có 740 lao động có nhu cầu học nghề, đã đào tạo được 446 lao động và 90 lao động liên kết dạy nghề với mô hình điểm của tỉnh Yên Bái.