Chỉ đi làm việc ở nước ngoài khi có thông tin chính thống
- Cập nhật: Thứ bảy, 12/4/2014 | 9:56:10 AM
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nên đến Sở LĐTBXH địa phương hoặc liên hệ với đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước để được giải đáp.
Người lao động rất cần được tư vấn cụ thể trước khi đi XKLĐ.
|
Thiếu thông tin, không nắm rõ quy trình về việc tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài khiến những người lao động mang ước mơ đổi đời lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”, trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo “cò mồi” xuất khẩu lao động.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Trung tuần tháng 3/2014, Công an huyện Yên Thành, Nghệ An đã lật tẩy đường dây lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Canada. Cầm đầu đường dây là Ngô Thu Lý (SN 1983) trú tại Tân Yên, Bắc Giang cùng đồng bọn lừa đảo hàng chục người dân nghèo ở các huyện trong tỉnh Nghệ An với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.
Những đối tượng lừa đảo có lai lịch xuất xứ không rõ ràng, giấy tờ, tài liệu đều là giả nhưng người lao động vẫn tin và sẵn sàng nộp cho chúng hàng tỉ đồng với mong muốn đi làm việc ở nước ngoài càng nhanh càng tốt.
Những thị trường được các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh thì có cả những nước phương Tây. Câu hỏi đặt ra là vì sao người lao động và cả gia đình bất chấp hình thức xuất khẩu lao động “chui”, hay rủi ro khi sang nước ngoài làm việc vẫn sẵn sàng nộp tiền trước những lời hứa hẹn “trên trời”?
Lý giải cho điều này, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời điểm và sự thiếu hiểu biết của người lao động để thu lợi bất chính.
Sau kỳ thi đại học, cao đẳng, nhiều thí sinh không trúng tuyển thường có ý muốn đi xuất khẩu lao động để tìm kiếm việc làm. Một số tổ chức, cá nhân cũng nhân thời điểm này để lừa đảo từ những người lao động nhẹ dạ cả tin.
Những đối tượng này thường về các vùng nông thôn, miền núi, tiếp cận với những gia đình đang có nhu cầu cho con em đi xuất khẩu lao động. Thậm chí, có những trường hợp còn liên hệ làm việc với chính quyền địa phương với vỏ bọc là các doanh nghiệp, trung tâm có chức năng thực hiện việc xuất khẩu lao động, làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, giả con dấu và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước.
Một thủ đoạn phổ biến nữa là thông qua các trang mạng rao tuyển người xuất khẩu lao động, đưa người xuống từng địa phương, thông qua mối quan hệ quen biết, họ hàng xa gần để mời chào đi xuất khẩu lao động với nhiều hứa hẹn hấp dẫn như làm việc ở các nước tiên tiến, công việc lương cao, không nặng nhọc... để thuyết phục người lao động.
Những chiêu lừa như vậy không phải là mới, nhưng vẫn dụ dỗ được những người nhẹ dạ. Nguyên nhân là do nhận thức của người lao động ở nông thôn, miền núi còn nhiều hạn chế. Họ thiếu tìm hiểu, thiếu thông tin về xuất khẩu lao động, cùng với tâm lý nôn nóng muốn đi làm việc nhanh, không cần phải qua đào tạo, thi tuyển.
Kiểm tra thông tin từ cơ quan chức năng
Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ LĐTBXH và Thanh tra các Sở LĐTBXH đã tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra định kỳ về hoạt động xuất khẩu lao động tại các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động.
Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra bất thường tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi nhận được thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân, từ các phương tiện thông tin đại chúng, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó, đã phát hiện và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc chuyển hồ sơ tới cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng có dấu hiệu phạm tội.
Tuy nhiên, những giải pháp trên dù được thực hiện thường xuyên vẫn khó ngăn chặn được triệt để bởi các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Vì vậy, theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần công bố thông tin công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí đối với từng thị trường, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Người lao động khi nhận được thông tin xuất khẩu lao động cần kiểm tra lại thông tin từ cơ quan chức năng, đến Sở LĐTBXH địa phương để được giải đáp thông tin, hoặc liên hệ với đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước để được giải đáp theo số máy 04 38249517, các số máy lẻ: 511, 512, 513.
Riêng đối với chương trình đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc bị nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, chương trình cấp phép đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc (EPS) do hai chính phủ ký kết trên tinh thần phi lợi nhuận, nên việc đưa lao động đi làm việc không qua bất cứ một doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào. Không có doanh nghiệp nào được tham gia vào quy trình tuyển chọn và đưa lao động sang Hàn Quốc. Chỉ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ dự tuyển và chuyển sang Cơ quan lao động Hàn Quốc.
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
YBĐT - Tận dụng lợi thế về đất đai của gia đình, chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng huyện Yên Bình (Yên Bái) chọn chăn nuôi vịt đẻ trứng là hướng phát triển kinh tế.
Với tư cách là nước chủ nhà kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X (tổ chức từ ngày 23-28/10), Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để kỳ thi thành công.
Ngày 14/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có khoảng 8.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với các ngành nghề chủ yếu là vệ sỹ, xây dựng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ khách sạn, siêu thị, salon.
Ngày 14/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở ngoài nước.