Kỹ thuật chăm sóc ngô nương đồi xuân hè
- Cập nhật: Thứ ba, 13/5/2014 | 2:51:59 PM
YBĐT - Bên cạnh việc lựa chọn giống ngô tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương thì việc chăm sóc, bón phân cho cây ngô đúng thời điểm, đúng cách có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây ngô. Để cây ngô nương đồi thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong quá trình chăm sóc, bà con cần lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật.
Mô hình chuyển đổi lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
1. Xới xáo, làm cỏ: Cây ngô có đặc điểm là thân cao lớn, lá rộng, sinh trưởng nhanh, mạnh trong một thời gian ngắn nên việc tạo điều kiện cho bộ rễ ngô phát triển thuận lợi, không bị cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng cũng là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng, góp phần làm tăng năng suất ngô. Để rễ ngô phát triển thuận lợi cần làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt, sạch cỏ dại bằng kỹ thuật làm cỏ, xới xáo, vun gốc. Quá trình làm cỏ thường kết hợp với xới xáo, vun gốc và có thể tiến hành làm 2 lần như sau:
- Làm cỏ lần 1 khi cây ngô có 3 - 5 lá: Nên làm bằng cuốc, xới nông để diệt cỏ dại kết hợp bón thúc và vun ít đất vào gốc ngô.
- Làm cỏ lần 2 khi cây ngô có 9 - 10 lá, xới xáo diệt cỏ giữa 2 hàng ngô kết hợp bón phân, vun cao gốc.
Quá trình xới xáo, vun gốc cho ngô thường khó tránh làm đứt rễ, vì thế sau khi xới xáo, vun gốc cần tăng cường bón phân, tưới nước giữ ẩm cho đất để rễ ngô nhanh chóng phục hồi.
2. Bón thúc: Bón thúc cho ngô có tác dụng tăng năng suất rất rõ rệt, nhất là những nơi lượng phân bón lót ít. Khi bón thúc cho ngô phải dùng phân có hiệu quả nhanh như các loại phân đạm và phân kali. Bón thúc cho ngô có 3 thời kỳ chính sau:
- Bón thúc lần 1 khi cây ngô có 3 - 5 lá: Giai đoạn này chất dinh dưỡng trong hạt đã hết, cây ngô phải hút chất dinh dưỡng từ đất, đây cũng là thời kỳ cây ngô đang phân đốt. Do đó, bón thúc lúc này cung cấp chất dinh dưỡng kịp thời cho ngô xúc tiến quá trình phân hóa đốt và số lá. Thường những nơi đất xấu ít phân bón lót nếu không bón thúc thời kỳ này thì cây thấp bé, các thời kỳ sau có bón bổ sung cây vẫn không lớn được. Bón thúc lần 1 kết hợp xới xáo, làm cỏ. Lượng bón thúc lần 1: 3 - 4kg đạm urê + 2 - 3kg phân kali clorua.
- Bón thúc lần 2 khi cây ngô có 7 - 9 lá: Lúc này, cây ngô bước vào giai đoạn phân hóa các cơ quan sinh sản cái. Bón thúc cho ngô lúc này có tác dụng làm cho quá trình hình thành bắp được thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của bộ rễ đốt, giúp cho cây hút được nhiều chất dinh dưỡng, chống đổ tốt. Lượng bón: 3 - 4kg đạm urê + 2 - 3kg phân kali clorua.
- Bón thúc lần 3: Bón lúc ngô xoắn nõn (10 - 15 ngày trước trỗ). Lần bón này có tác dụng tốt cho quá trình phân hóa bắp, trổ cờ, tung phấn, thụ tinh. Lượng bón 3 - 4kg đạm urê + 2 - 3 kg phân kali clorua.
Cách bón: Trộn đều phân, bón theo rãnh hoặc hốc. Bón thúc giai đoạn 3 - 5 lá nên bón gần gốc, cách gốc 4 - 5cm và bón nông. Các lần bón thúc sau nên bón xa gốc và sâu hơn, thường bón cách gốc 12cm và sâu 5 - 7cm. Khi bón thúc phải làm cỏ xới xáo, bón thúc xong phải vun gốc ngay mới tăng hiệu lực phân.
3. Phòng trừ sâu bệnh: Ngô nương đồi thường bị sâu ăn lá, sâu đục thân, rệp hại lá hại cờ và bệnh khô vằn, bệnh đốm lá… gây hại. Để phòng trừ hiệu quả nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp:
* Biện pháp canh tác:
- Gieo trồng đúng khung thời vụ, thời vụ gieo trồng tập trung.
- Mật độ gieo trồng theo đúng kỹ thuật, không trồng quá dày, chăm sóc kịp thời giai đoạn ngô non.
- Bón phân đầy đủ và cân đối.
- Trồng xen ngô với cây đậu tương để phát huy tác dụng của thiên địch, đặc biệt là nhóm thiên địch bắt mồi ăn thịt như bọ rùa, nhện, cánh cứng 3 khoang.
- Thu nhặt và xử lý tàn dư cây ngô sau thu hoạch để hạn chế nguồn bệnh gây hại vụ sau.
* Biện pháp hóa học:
- Sâu đục thân: Khi tỷ lệ cây, bắp hại từ 20% trở lên, dùng thuốc Padan 50SP, Regent 800WG... để phòng trừ vào lúc sâu non bắt đầu nở theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Rệp cờ: Khi tỷ lệ cây nhiễm rệp trên 30%, dùng thuốc Fastac 5 EC, Trebon 10 EC... phun phòng trừ, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Bệnh khô vằn: Khi tỷ lệ cây hại từ 20% trở lên (giai đoạn loa kèn - trỗ cờ), dùng thuốc Validacin 5L, Vida 3SC... phun phòng trừ, chú ý cần loại bỏ các bẹ và lá bị bệnh đem đi xử lý trước khi phun thuốc, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Bệnh đốm lá: Khi tỷ lệ lá hại từ 30% trở lên (giai đoạn loa kèn - trỗ cờ) dùng thuốc Tilt 250ND, Anvil 5SC... phun phòng trừ, phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
Trần Ngọc Sơn
Các tin khác
Ngày 25/4, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã diễn ra tại Hà Nội.
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nên đến Sở LĐTBXH địa phương hoặc liên hệ với đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước để được giải đáp.
YBĐT - Tận dụng lợi thế về đất đai của gia đình, chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng huyện Yên Bình (Yên Bái) chọn chăn nuôi vịt đẻ trứng là hướng phát triển kinh tế.
Với tư cách là nước chủ nhà kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X (tổ chức từ ngày 23-28/10), Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để kỳ thi thành công.