Thêm cơ hội cho lao động nông thôn ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2014 | 8:46:30 AM
YBĐT - Qua điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại 26 xã, thị trấn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong huyện Yên Bình (Yên Bái) cho thấy, có trên 5 nghìn LĐNT có nhu cầu đào tạo nghề. Qua đó, huyện đã có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của lao động địa phương.
Nhiều lao động nông thôn ở huyện Yên Bình được đào tạo nghề theo nhu cầu để phát triển kinh tế gia đình.
|
Lao động nông thôn (LĐNT) chiếm tới 76% lực lượng lao động xã hội của toàn huyện tạo cho Yên Bình những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế, diện tích mặt nước hồ Thác Bà trải rộng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là điều kiện tốt cho phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì vậy, nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã được Yên Bình chú trọng, quan tâm.
Xác định đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn với thực tiễn của địa phương, thời gian qua, huyện Yên Bình đã có những kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các xã, thị trấn, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội, các điều tra viên ở các xã, thị trấn về điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT và lao động tại các doanh nghiệp, giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn huyện.
Qua điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại 26 xã, thị trấn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho thấy, có trên 5 nghìn LĐNT có nhu cầu đào tạo nghề. Qua đó, huyện đã có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của lao động địa phương. Năm 2011, Yên Bình tổ chức 24 lớp đào tạo nghề (theo nhu cầu của lao động) cho 691 học viên là LĐNT với các ngành nghề chủ yếu như: trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, nuôi thủy sản nước ngọt, may dân dụng, sản xuất mây, tre, song đan… cho lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, người nghèo… với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.
Năm 2012, huyện mở 8 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, ngoài các nghề trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y là các lớp đào tạo nghề may, sửa chữa thiết bị máy nông cụ, y tế thôn bản, sửa chữa điện… đã thu hút đáng kể số lượng học viên tham gia.
Riêng năm 2013, là năm thứ 4 thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT nên đã có sự đầu tư rõ rệt về cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên. Do đó, số LĐNT tăng lên 865 người với các nghề về kỹ thuật thâm canh bưởi, quản lý và phát triển trang trại, nuôi cá nước ngọt. Đã xây dựng 3 mô hình thí điểm mang lại hiệu quả. LĐNT có việc làm sau học nghề theo mô hình đạt 100%.
Hiệu quả từ được đào tạo nghề trong LĐNT góp phần cải thiện đời sống trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện chia sẻ: "Đánh giá khách quan, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở một số xã, thị trấn chưa thực sự được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Mặt khác, do trình độ nhận thức của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chưa có chí hướng học nghề, vẫn theo tập quán canh tác cũ, manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT tại huyện".
Theo bà Trần Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình, khắc phục những hạn chế trong đào tạo nghề cho LĐNT, trước hết, phải gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo nghề cho LĐNT, dạy nghề phải kết hợp tuyên truyền tư vấn việc làm, vay vốn phát triển sản xuất để LĐNT hiểu về vai trò, ý nghĩa của đào tạo nghề. Hơn thế, chọn những nhóm nghề thích hợp với nhu cầu và đặc điểm của địa phương, các chương trình đào tạo nghề phải được xây dựng trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng, chú trọng đào tạo các nghề truyền thống tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương… Như thế, Yên Bình sẽ có những chuyển biến rõ nét hơn nữa trong đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT -Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 -2015”, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai có hiệu quả nội dung của đề án. Đặc biệt các cấp hội luôn xác định dạy nghề cho chị em là cách để giúp đỡ gia đình hội viên thoát nghèo nghèo hiệu quả và thiết thực nhất.
Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cho biết họ sẽ tổ chức phỏng vấn hơn 2.600 ứng viên nhằm tìm ra hơn 1.200 nhân viên làm việc tại Trung tâm và các Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 về phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020."
53 nhà tuyển dụng đã ký hợp đồng làm việc với hơn 2.000 lao động là những sinh viên đã và sắp tốt nghiệp.