Liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2014 | 9:58:09 AM
YBĐT - Văn Chấn là huyện có địa bàn rộng, đông dân cư, có nhiều tiểu vùng khí hậu đã tạo nên những lợi thế sản xuất nông nghiệp mang đặc thù vùng trọng điểm của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, huyện có nhiều dân tộc chung sống, dân trí không đồng đều, trình độ và năng lực sản xuất hạn chế, dẫn đến hiệu quả thấp, đời sống đại bộ phận đồng bào dân tộc còn khó khăn.
Nắm rõ thực trạng đó, nhiều năm qua, Văn Chấn chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Trần Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Văn Chấn cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trọng trách lớn đơn vị được cấp trên giao. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong những năm qua, đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu ở một số chuyên ngành để đào tạo nghề tại Trung tâm và đào tạo nghề tại cơ sở.
Trung tâm đã chủ động liên kết với những cơ sở đào tạo nghề, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện… nhằm bổ sung những thiếu hụt về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đồng thời đẩy mạnh mối liên hệ với cơ sở, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để nắm nhu cầu được đào tạo nghề và nhu cầu được cung ứng lao động. Thông qua liên kết đào tạo, nắm bắt nhu cầu đào tạo và cung ứng làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo. Nhờ có sự chủ động, đơn vị những năm qua đã phối hợp tốt với Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ tập trung đào tạo một số nghề như: lái xe, may mặc, sửa chữa cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, xây dựng… Đối với những nghề này, Trung tâm đặc biệt lưu ý đến thời gian, chất lượng đào tạo để các học viên sau khi tốt nghiệp đều bảo đảm kiến thức cơ bản, được cấp chứng chỉ đào tạo để hành nghề.
Lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu bám vào đặc thù từng vùng chuyên canh, vùng đặc thù khí hậu để Trung tâm thực hiện tư vấn những nghề cần đào tạo. Sau khi tư vấn, đơn vị tiến hành khảo sát nhu cầu cần đào tạo nghề ở mỗi xã và nhu cầu ưu tiên đào tạo nghề nào ngay trong một xã. Qua thực tế cho thấy, ở các xã vùng cao có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống, bà con chủ yếu cần đào tạo kỹ thuật trồng giống ngô mới bằng biện pháp thâm canh và canh tác bền vững trên đất dốc; kỹ thuật chăn nuôi lợn, gia cầm. Bà con ở vùng thấp chủ yếu có nhu cầu được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm. Vùng chuyên canh chè, người dân có nhu cầu được đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè, chế biến chè. Vùng trồng cây ăn quả, bà con mong muốn được tiếp cận kỹ thuật phòng chống các loại sâu, bệnh hại. Vùng chuyên canh rau, nông dân hướng tới kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xanh theo phương thức sản xuất an toàn.
Ông Trần Huy Sơn cho biết thêm, trong một năm, số lượng mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều đạt bình quân từ 10 lớp trở lên và mỗi lớp đạt trên dưới trăm học viên. Sau thời gian đào tạo khoảng 1 tháng, các học viên đều nắm được kiến thức cơ bản về nghề cần được đào tạo. Điều đáng khích lệ là sau khi đào tạo, các học viên đều hào hứng áp dụng kỹ thuật đã được học vào thực tế sản xuất. Đồng thời, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn kích thích nhu cầu luôn muốn được học nghề. Bởi vì, trong quá trình học tập, bà con đã được đi thăm quan các mô hình ở liền kề nên bà con tự nhận thấy vì sao cùng trồng chè ở một chỗ mà chè của người Kinh lại tốt hơn hay cùng chăn nuôi lợn mà sao người Kinh lại nuôi được nhiều hơn, mau lớn hơn, tận dụng được chất thải chăn nuôi làm khí đốt…
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề tại chỗ vừa được hỗ trợ tiền ăn trưa vừa không tốn kém chi phí đi lại, ăn ở. Một số nghề như xây dựng đã giúp cho nhiều thanh niên nông thôn hành nghề tại chỗ hoặc tham gia lao động tại các khu đô thị lớn. Nghề may mặc đã có nhiều lao động được các cơ sở may mặc ở miền xuôi tiếp nhận làm công nhân. Tới đây, nếu thành công trong chương trình hợp tác với ngành than Quảng Ninh về đào tạo, tuyển dụng thợ mỏ thì sẽ mở ra cơ hội tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn nơi đây.
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả của đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới, Trung tâm mong muốn, các cấp, các ngành, nhất là có sự nhập cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, vận động để các học viên nam giới ở nông thôn đi học nghề nhiều hơn vì hiện tỷ lệ học viên nữ vẫn chiếm đa số. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ liên hệ đầu ra cho học viên ở một số nghề sau khi được đào tạo; tăng cường trang thiết bị giảng dạy và cơ cấu hợp lý số giảng viên có chuyên môn được đào tạo chuyên sâu ở một số nghề đòi hỏi kỹ thuật cao.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Là huyện vùng cao, 90% dân số là đồng bào Mông, trình độ dân trí chưa đồng đều nên để từng bước nâng cao tay nghề cho bà con, trong những năm qua, Mù Cang Chải (Yên Bái) đã thực hiện nghiêm Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, nhiều lao động ở vùng nông thôn đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Lực lượng lao động trẻ của Việt Nam đang gia tăng mạnh theo từng năm và dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế sẽ đạt gần 63 triệu người. Trong đó, nhân lực trong ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm 35% - 38%; ngành công nghiệp - xây dựng sẽ tăng lên khoảng 31% và ngành dịch vụ sẽ chiếm 27% - 29%. Đó là những thông tin được nêu ra tại hội thảo “Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội” do Bộ LĐTB-XH tổ chức ngày 11-12 tại Hà Nội.
Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua chiều 27/11 vẫn giữ nguyên quy định trong luật hiện hành về cơ quan quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp.
Trong năm 2013, số lao động làm công ăn lương chiếm 34,8% trong tổng số việc làm, tăng so với mức 16,8% của năm 1996.