Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020)

Một góc nhìn mới về vai trò người thầy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2020 | 7:52:29 AM

YênBái - Thầy giáo, cô giáo ở Việt Nam lâu nay được ví với hình ảnh "người lái đò” cần mẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà ngành giáo dục- đào tạo đang đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện thì yêu cầu đặt ra cho họ không phải là chỉ trao truyền kiến thức...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh.

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn xem vấn đề then chốt, quyết định của giáo dục chính là đội ngũ các thầy, cô giáo, những người dẫn dắt cho thế hệ trẻ; mang niềm tin, lý tưởng, nhân cách đạo đức, kiến thức đến cho học trò. 

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) xác định: xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD&ĐT… Những mục tiêu đó, đòi hỏi người thầy cần có sự thay đổi rất chủ động, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong tình hình mới.

Thầy giáo, cô giáo ở Việt Nam lâu nay được ví với hình ảnh "người lái đò” cần mẫn chở từ thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác không biết mệt mỏi.  

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà ngành GD&ĐT đang đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện thì yêu cầu đặt ra cho họ không phải là chỉ trao truyền kiến thức mà là phải phát triển được năng lực của học sinh. 

Người thầy lúc này không còn là người "lái đò” mà trở thành người dẫn dắt, đồng hành cùng những ước mơ của học trò. 

Đổi mới giáo dục hiện nay là khuyến khích giáo viên, học sinh khám phá, nghiên cứu và sử dụng tất cả các công cụ để tạo ra một cái mới hơn, sáng tạo hơn. Hay hiểu theo cách khác, đó là việc sử dụng một cách linh hoạt những phương thức khác nhau để nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo cách tốt hơn. 

Quá trình tư duy này được kích thích sẽ giúp học sinh phát triển khả năng sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề. 

Khi nói đến vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục, nhiều người lầm tưởng rằng, vai trò của giáo viên sẽ bị giảm nhẹ đi. Tuy nhiên, trong đổi mới giáo dục thì vai trò của người giáo viên là cực kỳ quan trọng, thầy cô phải đảm nhiệm nhiều hơn các vai trò khác nhau và đương nhiên trách nhiệm cũng sẽ nặng nề hơn. 

Điều tiên quyết là giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực học tập để tiếp cận các công nghệ giáo dục mới, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong dạy học và đặc biệt người giáo viên trong thời đại đổi mới không chỉ là người thầy mà còn đóng vai trò hướng dẫn, định hướng cho học sinh, khơi gợi hứng thú, đam mê, sở trường cá nhân... 

Để làm được một người dẫn dắt tốt, mỗi thầy, cô giáo cần có sự nhận thức đúng đắn với tinh thần trách nhiệm cao. Giáo viên ở bất cứ bậc học nào, lớp học nào đều phải hội đủ các điều kiện về kiến thức, khả năng giảng dạy hữu hiệu, lòng nhiệt thành và sự thân thiện. 

Đặc biệt, giáo viên phải có kỹ năng tổ chức hướng dẫn học sinh trong lớp học, có năng lực tự thu thập thông tin phong phú của thời đại để phục vụ yêu cầu dạy học. Việc dạy cách học, học cách học, hướng vào học sinh để phát huy tính chủ động của người học, làm cho học sinh biết tự học, tự vận dụng. Bài giảng liên hệ với thực tế cuộc sống; hướng dẫn học sinh biết hợp tác, chia sẻ... 

Soi vào Yên Bái, những năm gần đây, thực hiện đổi mới trong giáo dục, các thầy cô giáo đã tích cực thay đổi bản thân, thích nghi với vai trò dẫn dắt đồng hành cùng học trò. 

Những tiết học được các thầy cô làm "mềm hóa”, thân thiện và gần gũi, khơi gợi sức sáng tạo của học sinh. Công cụ giảng dạy hay ứng dụng công nghệ thông tin được khai thác tối đa. 

Hàng trăm  sáng kiến, mô hình được xây dựng và áp dụng hiệu quả trong các giờ học, nhận được phản hồi tích cực học sinh. Cơ bản không còn việc "thầy nói, trò ghi” mà mỗi tiết học thực sự trở thành những giờ thầy và trò cùng khám phá chân trời kiến thức mới. 

Giờ đây, thầy cô và học sinh vừa là người đồng hành vừa là cha mẹ, bạn bè, nhà tâm lý. Để có được những điều đó, các thầy cô đã tự thay đổi vừa là nhà giáo dục vừa là người hỗ trợ, cố vấn… 

Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp GD&ĐT, trong đó có việc chăm lo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người. Nhà giáo luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội trân trọng và xem đó là nghề cao quý. 

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn xem vấn đề then chốt, quyết định của giáo dục chính là đội ngũ các thầy, cô giáo, những người dẫn dắt cho thế hệ trẻ; mang niềm tin, lý tưởng, nhân cách đạo đức, kiến thức đến cho học trò.

Lòng yêu nghề và trách nhiệm xuyên suốt mọi thời đại

Theo Nhà giáo Ưu tú Hà Văn Lợi - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, trong bất kỳ thời đại nào thì vai trò của người giáo viên hết sức quan trọng, chủ đạo trong hoạt động giáo dục. Người giáo viên phải có tác phong sư phạm trong lời nói việc làm, hành vi đạo đức, phải là tấm gương cho học sinh - điều này xuyên suốt trong tất cả những giai đoạn lịch sử, bất kỳ thời nào hay đổi mới ra sao. Và điều không thể thiếu đó là trách nhiệm, tình thương của giáo viên như người cha, người mẹ của học trò trong giảng dạy cũng như trong đời thường. 

Thầy Lợi cho biết: "Sau rất nhiều năm công tác, tôi thấy rằng, vai trò của giáo viên với học trò phản ánh rõ nét nhất chính là tình cảm của học trò đối với các thầy cô, từ đó cho kết quả tốt hơn trong quá trình giáo dục". 

Công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay đang rất được quan tâm. Phương pháp dạy và học đã khác, yêu cầu cả thầy và trò cùng phải đổi mới. Trong đó, người giáo viên không chỉ là truyền thụ kiến thức thuần túy mà còn đòi hỏi kỹ năng để giúp học trò vận dụng những kiến thức đó vào trong cuộc sống. Do đó, vai trò của giáo viên cũng khác trước. Người thầy sẽ phải mang nhiều vai hơn, song đó là đòi hỏi tất yếu của quá trình lịch sử, của sự phát triển giáo dục. 

Trong giai đoạn hiện nay, nhất là đổi mới toàn diện của ngành GD&ĐT, áp lực với công việc nặng nề hơn. Đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt hơn, cập nhật nắm bắt nhanh nhạy với kiến thức mới… 

"Có áp lực hơn nhưng tôi nghĩ rằng, lòng yêu nghề sẽ là điều cần thiết nhất đối với mỗi giáo viên. Chỉ có yêu nghề mới có thể vượt qua được tất cả những khó khăn thử thách. Bên cạnh đó, đạo đức nhà giáo luôn phải quan tâm, từ lời nói việc làm, hành vi ứng xử… thuộc phạm trù đạo đức nhà giáo chúng ta không bao giờ được phép xem nhẹ" - thầy Lợi chia sẻ. 

"Theo dõi và chứng kiến sự thay đổi của nền giáo dục nói chung và giáo dục Yên Bái nói riêng, chúng tôi nhận thấy có nhiều thay đổi trong giai đoạn hiện nay. Tiếp xúc với những giáo viên hiện nay, tôi thấy họ cũng có những áp lực nghề nghiệp, cường độ lao động nặng hơn, dù vậy nhưng tôi vẫn thấy ở họ là lòng yêu nghề, ham học hỏi và tích cực đổi mới" . 

Thanh Vy

Các tin khác

Xã Chế Tạo - địa phương xa xôi nhất của huyện Mù Cang Chải có những thầy giáo thật đặc biệt. Đó là những thầy giáo đang theo dạy lớp học mầm non. Những thầy giáo đặc biệt này đang ngày ngày vượt qua những khó khăn để gieo ươm mầm non trên đỉnh mờ sương, giúp học trò vùng cao dệt nên những ước mơ tương lai.

Sau buổi đó, lớp chúng tôi mong đến giờ của cô, yêu thích môn học của cô và dường như với chúng tôi tình yêu đầu tiên bắt đầu từ đó. Tình yêu chớm nở bắt đầu về bài học về lịch sử, về tình yêu đất nước và tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc...

Chính sách ưu đãi của giáo viên người dân tộc thiểu số là vấn đề được nhiều thầy cô quan tâm.

Mong muốn có thêm các chính sách ưu đãi đặc thù dành cho giáo viên người dân tộc thiểu số là vấn đề trăn trở của nhiều nhà giáo tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 diễn ra vào tối 17.11.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến khen thưởng các thầy, cô giáo dân tộc thiểu số.

Tối 17-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, tuyên dương các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số, chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục