Sự học ở Chống Tàu

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2020 | 7:48:17 AM

YênBái - Chống Tàu - một trong những bản người Mông xa nhất, khó khăn nhất của xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu với trên 80% là hộ nghèo, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Đây là một trong hai điểm trường lẻ duy nhất bậc tiểu học của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu chưa được sáp nhập về điểm trường chính do điều kiện giao thông cách trở, địa hình chia cắt.

Một tiết học của các em học sinh lớp 1, điểm trường Chống Tàu.
Một tiết học của các em học sinh lớp 1, điểm trường Chống Tàu.

Vượt qua những cung đường dốc vắt vẻo lưng chừng núi chúng tôi đến được điểm trường Chống Tàu thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Làng Nhì. 

Trước đây, đường vào thôn Chống Tàu hết sức khó khăn do ở cách xa trung tâm và địa hình đồi núi hiểm trở nhưng với sự thống nhất quyết tâm cao, nhân dân đã mở được con đường có chiều dài gần chục cây số đi được xe máy về thôn. 

Đây là một trong hai điểm trường lẻ duy nhất bậc tiểu học của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu chưa được sáp nhập về điểm trường chính do điều kiện giao thông cách trở, địa hình chia cắt. 

Điểm trường Chống Tàu có 89 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, 100% các em là đồng bào dân tộc Mông. Các em đến từ 3 thôn: Chống Tàu, Háng Đay và Tà Chơ, trong đó thôn Tà Chơ cách xa điểm trường tới 10 km. Vì vậy, trong số 89 học sinh của điểm trường Chống Tàu có 31 em phải ở bán trú. Giao thông cách trở, ngày nắng đã khó, ngày mưa còn khó khăn hơn gấp bội lần. 

Do vậy, để đảm bảo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần các thầy giáo đã không quản ngại đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Thầy giáo Trần Xuân Nghiệp - Phụ trách điểm trường Chống Tàu chia sẻ: "Để vận động học sinh ra lớp, các thầy giáo ở đây phải phối hợp với cấp ủy, chính quyền thôn để rà soát, nắm tình hình từng hộ dân, số trẻ trong độ tuổi đến trường, cũng như hiểu rõ điều kiện kinh tế gia đình của từng em, vì đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc học, từ đó có kế hoạch đến tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Xác định năm học 2020 - 2021 là năm học có nhiều khó khăn nên ngay từ đầu năm học giáo viên ở Chống Tàu đã đến từng hộ gia đình của 3 thôn để vận động trẻ ra lớp. Nhờ đó, 100% các cháu trong độ tuổi đều ra lớp đầy đủ”.

Nếu như ở lớp lớn, các em có thể tự làm vệ sinh cá nhân và thành thục với môi trường bán trú thì các bạn lớp 1 còn rất nhiều bỡ ngỡ. Nhiều em lần đầu xa gia đình nên còn khóc, nhớ nhà. Những lúc như thế, các thầy giáo ngoài việc dạy các em vào nề nếp sinh hoạt còn phải vỗ về động viên, an ủi để các em yên tâm ở lại trường. 

Do vậy, các em đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường bán trú, yên tâm học tập, những ngày này sĩ số của lớp 1 luôn đạt từ 97-100%. Thầy giáo Hoàng Tiến Đạt - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1, điểm trường Chống Tàu cho biết: "Không chỉ dạy kiến thức, ở đây chúng tôi còn chú trọng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp từ việc chào hỏi, xưng hô giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô giáo dần đưa các em vào nề nếp. Thậm chí hướng dẫn các em từ những việc nhỏ nhất như: đánh răng, rửa mặt, gội đầu, cách chải đầu, buộc tóc... 

Lâu dần các em làm thành thạo, rồi hướng dẫn lẫn nhau, cùng nhau gắn bó vươn lên trong cuộc sống, học tập”. Em Hờ Thị Vang dù còn nhút nhát và nói tiếng phổ thông chưa thật rõ nhưng chúng tôi cũng hiểu được niềm vui và thấy em không còn buồn vì nhớ nhà như những ngày đầu qua những lời chân thật: "Đến trường con được các thầy cô dạy chữ, được ăn ngon, vui chơi với các bạn, con không còn nhớ nhà nhiều như trước nữa”.

Xác định những khó khăn ở điểm trường Chống Tàu, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Làng Nhì đã phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, yêu nghề, mến trẻ, am hiểu phong tục tập quán và nói được tiếng của đồng bào để đảm nhiệm công tác giảng dạy tại điểm trường. Đồng thời, chỉ đạo điểm trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui và trường học như ngôi nhà thứ hai của các em. 

Với 31 em học sinh ở bán trú trong đó có 5 học sinh lớp 1, toàn bộ số học sinh này ăn ở tại trường từ thứ hai đến cuối tuần mới về với gia đình. Do vậy, mọi sinh hoạt từ ăn ở, học tập đều diễn ra ở trường, do các thầy giáo hướng dẫn, chỉ bảo. Dù cả 7 giáo viên ở điểm trường đều là nam giới nhưng các thầy vẫn luôn chăm sóc chu toàn cho các em từ những việc nhỏ nhất. Một ngày của các em học sinh điểm trường Chống Tàu thường bắt đầu từ 5h30 phút sáng và kết thúc vào 21h 30 phút tối. Ngoài được học văn hóa, các em đã được các thầy giáo dạy kỹ năng sống, được tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, tu dưỡng, rèn luyện để các em phát triển toàn diện.

Anh Dũng

Tags Trạm Tấu giáo dục vùng cao Làng Nhì Chống Tầu

Các tin khác
Trải nghiệm tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020.

Từ năm học 2014-2015 đến năm 2019-2020, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức 6 cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với tổng số 338 dự án tham gia.

Thầy Bùi Thái Sơn (đứng giữa) hướng dẫn các em lớp Điện Công nghiệp thực hành trên máy tính

Với 38 tuổi đời, 14 năm tuổi nghề, Phó Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Bùi Thái Sơn đã dẫn dắt hàng trăm học trò ở vùng cao Tây Bắc trưởng thành, giúp các em thay đổi nhận thức; rời xa hủ tục lạc hậu, có nghề nghiệp ổn định và sống được bằng nghề.

Thầy Đặng Quyết Chiến – giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình vừa vinh dự là 1 trong 99 gương mặt tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCSHCM trao tặng vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 tối 19/11 vừa qua tại Hà Nội.

Đồng chí Lương Văn Thức -Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng thầy cô giáo Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sáng 20/11, đồng chí Lương Văn Thức - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã chúc mừng thầy cô giáo Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục