Đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thực hiện Đề án, đến năm học 2020-2021, quy mô trường mầm non, tiểu học, THCS công lập thuộc Đề án toàn tỉnh có 400 trường, 287 điểm trường, 6.164 lớp, 197.515 học sinh, 25.705 học sinh bán trú. Trong đó, bậc mầm non có 162 trường, 245 điểm trường; bậc tiểu học 56 trường, 42 điểm trường; bậc THCS 182 trường gồm 54 trường THCS, 116 trường tiểu học & THCS, 12 trường mầm non - tiểu học và THCS. So với trước khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã giảm 130 trường, giảm 478 điểm trường; tăng 29 lớp, tăng 24.687 học sinh, tăng 11.061 học sinh bán trú.
Cụ thể, bậc mầm non giảm 17 trường, giảm 190 điểm trường, tăng 131 lớp, tăng 3.751 cháu, học sinh; bậc tiểu học giảm 109 trường, giảm 284 điểm trường, giảm 185 lớp, tăng 12.900 học sinh, tăng 8.590 học sinh bán trú; bậc THCS giảm 91 trường THCS, tăng 80 trường TH&THCS, tăng 7 trường mầm non - TH&THCS, giảm 4 điểm trường, tăng 83 lớp.
Thực hiện Đề án, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được củng cố và phát triển với quy mô 50 trường PTDTBT, 57 trường có học sinh bán trú với trên 25.700 học sinh; trong đó, trên 25.300 học sinh ở trong trường. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, THCS được học tại trường PTDTBT đạt 27%; số lượng học sinh bán trú hàng năm tăng khoảng trên 10%.
So với trước khi thực hiện Đề án, số trường PTDTBT tăng 3 trường, số trường phổ thông có học sinh bán trú tăng 5 trường; số học sinh bán trú tăng 11.061 học sinh bán trú, số học sinh bán trú được ở trong trường tăng 6,8%. So với trước khi thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục tại các trường PTDTBT tăng lên rõ rệt.
Được biết, giai đoạn 2016-2020 đã triển khai thực hiện 435 dự án, tổng mức đầu tư đã phê duyệt là trên 783 tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2020, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 425 danh mục dự án phục vụ Đề án. Tổng vốn đầu tư đã huy động thực hiện Đề án từ năm 2016 đến nay là trên 699 tỷ đồng, đạt 161,6% so với mục tiêu của Đề án.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và cấp tỉnh là trên 377 tỷ đồng, đạt 121,9%; vốn ngân sách cấp huyện huy động trên trên 198 tỷ đồng, đạt 331,7%; nguồn vốn xã hội hóa trên 123 tỷ đồng, đạt 195,6%.
Việc xử lý đất, tài sản, tài chính của các cơ sở giáo dục được thực hiện nghiêm túc. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm 478 điểm trường, cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ sau khi thực hiện sắp xếp lại được các địa phương quản lý, sắp xếp sử dụng cho mục đích giáo dục, một số được chuyển đổi mục đích sử dụng cho cộng đồng, phục vụ mục tiêu nông thôn mới.
Đi đôi với đó, công tác bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức được cấp ủy, chính quyền các địa phương và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ.
Việc bố trí, sắp xếp, cử đi đào tạo lại, bồi dưỡng được các địa phương thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch, do đó quá trình triển khai đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, giáo viên, viên chức; đồng thời, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
Đội ngũ công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp hợp lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình triển khai sắp xếp lại trường, lớp học đã thực hiện sắp xếp lại 970 người, đạt mục tiêu Đề án đề ra.
Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí việc làm theo trình độ cho 319 người giáo viên, nhân viên.
Phải khẳng định, việc thực hiện chủ trương sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Yên Bái là rất cần thiết, đúng đắn và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quá trình thực hiện Đề án, tỉnh đã chỉ đạo sát sao và ban hành các quyết định điều chỉnh Đề án để tháo gỡ khó khăn và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
So với mục tiêu ban đầu của Đề án, các quyết định điều chỉnh cho phép tách, không sáp nhập 21 trường, không sáp nhập 138 điểm trường và các huyện, thị xã, thành phố đã sáp nhập ngoài mục tiêu Đề án được 12 điểm trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện Đề án còn vướng những khó khăn, cần được quan tâm.
Đến nay, vẫn còn một số trường liên cấp có quy mô lớn, cơ sở vật chất độc lập giữa các cấp học, không liền kề nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Số phòng học, phòng ở bán trú hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng quy mô các trường PTDTBT trong giai đoạn 2021-2025.
Thêm vào đó là những khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc học sinh đối với một số trường có học sinh nhỏ tuổi, chủ yếu từ từ lớp 1 đến lớp 3. Trong điều kiện toàn tỉnh vẫn còn thiếu giáo viên theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Minh Thúy