Phương Oanh là học sinh lớp 12A7, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái đang gấp rút ôn luyện kiến thức để bước vào kỳ thi quan trọng - kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, xét tuyển đại học, cao đẳng. Em đã xác định ngành học kế toán nhưng em còn chờ điểm thi mới đăng ký vào trường nào.
Phương Oanh chia sẻ: "Trường em tổ chức khá nhiều các hoạt động hướng nghiệp. Các thầy cô lồng ghép trong các tiết học, cùng với đó, nhà trường phối hợp với một số trường đại học về nói chuyện, chia sẻ về các ngành nghề nên em cũng đỡ bỡ ngỡ hơn trong việc lựa chọn. Ngoài ra, về nhà em cũng được bố mẹ tư vấn, đặc biệt bố mẹ còn cho em tham quan tại cơ quan của bố mẹ, gặp gỡ trò chuyện với các cô các chú làm tại các bộ phận khác nhau”.
Khác với Phương Oanh, em Phạm Anh Trường - lớp 12B Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trấn Yên lại xác định đi học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Em chia sẻ: "Em dự định sẽ học nghề điện dân dụng. Em xác định khả năng của mình khó có thể đỗ vào trường đại học, được sự động viên, chia sẻ, tư vấn của thầy cô về những nghề mà học xong có thể có việc làm ngay hoặc mình tự chủ được công việc ngay khi ra trường nên em chọn điện dân dụng. Hiện tại em chưa xác định học ở trường nào nhưng vừa rồi được tham dự Ngày hội hướng nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có một số trường tại Yên Bái có nhiều chính sách hỗ trợ tốt nên em đang cân nhắc ạ!”.
Có thể thấy, nhờ có sự tư vấn sớm mà trong những năm gần đây, học sinh Yên Bái có những định hướng sớm trong lựa chọn nghề nghiệp, tự tin hơn, gần hơn với nhu cầu lao động, tránh được tình trạng lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính.
Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái đã tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, ngành GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia, đặc biệt có sự vào cuộc, sự đồng hành của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH), các địa phương, các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Năm 2020, ngành GD&ĐT đã hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao: học sinh sau tốt nghiệp THCS có 70% vào học cấp THPT, 23,8% học sinh vào học trung cấp, học nghề; học sinh tốt nghiệp THPT có 26% vào đại học, 44,2% vào học cao đẳng, trung cấp, học nghề.
Đây là cơ sở để ngành xác định mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 là 75% học sinh vào cấp THPT, 30% sau tốt nghiệp THCS và 45% sau tốt nghiệp THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp; 27% học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học. Chỉ tiêu này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về nâng cao chất lượng GD&ĐT; Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Có thể thấy, học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi thị phần việc làm cho những người học nghề ngày càng cao, các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại nên lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm từ 5 - 6%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề. Tỉnh Yên Bái hiện có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp và 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư để trở thành 1 trong 70 trường chất lượng cao của cả nước vào năm 2025; các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt 2 nghề đạt cấp độ quốc tế, 3 nghề đạt cấp độ Asean, 12 nghề đạt cấp độ quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực đạt chuẩn, có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, theo kế hoạch toàn tỉnh tuyển sinh 18.000 người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 5.100 người (chiếm 28,3%). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đang từng bước tiếp cận và bám sát nhu cầu của thị trường để tổ chức đào tạo, bảo đảm người lao động có việc làm ổn định sau tốt nghiệp, góp phần thu hút học sinh học nghề, tỷ lệ người học có việc làm sau học nghề ở các trường đều đạt 80%. Nhiều trường đã gắn kết hiệu quả với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.
Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong những năm tới, bên cạnh việc thành lập mới các doanh nghiệp (trên 200 doanh nghiệp), hàng năm các ngành, doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động thuộc các lĩnh vực như may mặc, điện tử, cơ khí, xây dựng, chế biến khoáng sản, gỗ, du lịch, dịch vụ...
Tỉnh Yên Bái đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như các doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư Hàn Quốc, Dự án của Tập đoàn TH Truemilk, Dự án của Tập đoàn Sun Group, Vingroup, Dự án chế biến gỗ của Tập đoàn An Việt Phát, Dự án sản xuất chế biến lâm sản của Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Dự án chế biến đá vôi trắng của Công ty cổ phần Vũ Gia.
Đây là cơ hội việc làm rất lớn đối với nguồn lao động địa phương. Do đó, các đơn vị trường học, phụ huynh học sinh cần có những định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các em, đón nhận được cơ hội làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp, chất lượng và có thu nhập cao.
Thanh Ba