Dù công việc ruộng nương hay làm thuê của anh Sùng A Chiu ở bản Cồ Dề Xang B, xã Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải có bận tới mấy đi chăng nữa nhưng anh chưa bao giờ bỏ một buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh của lớp con trai ở Trường Mầm non Xéo Dì Hồ. Anh có 2 con 5 tuổi và 3 tuổi đang học tại trường.
Anh chia sẻ: Hồi đầu, cô giáo bảo đi tham gia CLB mình không muốn, vì việc dạy dỗ bọn trẻ ở trường là việc của cô giáo. Nể cô giáo quá nên mình tham gia buổi đầu tiên nhưng sau về thì mình lại thích, rồi về mấy bố con làm theo hướng dẫn của cô. Bọn trẻ thì vui mà mình cũng hiểu ra dạy một đứa trẻ không đơn giản và dạy từ nhà là một phần rất quan trọng.
Chị Giàng Thị Cha ở bản Xéo Dì Hồ A có con 5 tuổi học tại trường cũng rất hào hứng với những buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh ở trường của con gái Lờ Thị Dung. Chị Cha chia sẻ: Mình chưa bỏ một buổi sinh hoạt CLB nào. Về nhà mình theo hướng dẫn của cô dạy con nhận biết con vật trong nhà, chào bố mẹ, ông bà, mời cơm… bằng tiếng Việt. Câu nào không hiểu thì đến hỏi cô giáo, cô lại chỉ cho...
Nhờ có sinh hoạt CLB mà việc tăng cường tiếng Việt đối với trẻ mầm non ở Trường Mầm non Xéo Dì Hồ có những chuyển biến rõ rệt. Được tham gia một giờ hoạt động âm nhạc của các bé lớp 5 tuổi B mới thấy rõ sự lưu loát của các bé khi trả lời câu hỏi của cô giáo xung quanh bài học bằng tiếng Việt.
Cô giáo Hoàng Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Trường bắt đầu xây dựng CLB từ đầu năm học 2021 - 2022, CLB tổ chức thường xuyên theo chủ đề được xây dựng theo kế hoạch. CLB được duy trì hoạt động ở điểm chính và tất cả các điểm lẻ. Tuy là năm đầu thực hiện nhưng đạt hiệu quả cao trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, góp phần thực hiện công tác chuyên môn của trường. Mỗi lớp thành lập một CLB chủ yếu ở lớp 3, 4, 5 tuổi. Toàn trường thành lập 12 câu lạc bộ.
Qua đánh giá, phụ huynh rất nhiệt tình, hào hứng và tham gia vào tất cả các buổi sinh hoạt. Chưa một buổi sinh hoạt nào vắng phụ huynh. Nếu bố mẹ bận thì có thể ông bà, anh, chị tham gia sinh hoạt thay. Qua các buổi sinh hoạt góp phần giúp các bậc phụ huynh có thêm kỹ năng, kiến thức biết cách dạy con ở nhà.
Mô hình CLB Cha mẹ học sinh được triển khai theo Dự án KOICA tại các trường mầm non và tiểu học thuộc các xã Lao Chải, Mồ Dề, Cao Phạ, Nậm Có đã mang lại hiệu quả tốt.
Bà Nguyễn Hương Giang - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Sau khi Dự án kết thúc, nhận thấy hiệu quả và tác động to lớn từ mô hình, Phòng đã chỉ đạo các trường nằm trong dự án tiếp tục duy trì hoạt động CLB, đồng thời triển khai tới 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% các lớp của các trường mầm non trên địa bàn huyện có tổ chức CLB và cho nhiều kết quả tốt. Đó chính là điều mà Dự án muốn hướng tới sau khi kết thúc thí điểm”.
Thông qua CLB, các mối quan tâm, nhu cầu, nguyện vọng về chăm sóc giáo dục trẻ giữa phụ huynh và nhà trường cũng thường xuyên được chia sẻ, giúp cả hai bên thuận lợi hơn trong mọi hoạt động của nhà trường, nhất là đối với các trường bán trú dân nuôi. Đặc biệt, đối với trường học vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì sự đồng hành của phụ huynh sẽ góp phần vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình, cộng đồng và nhà trường, xây dựng môi trường học tập văn hóa thân thiện, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Thanh Ba