Năm học mới, nỗi lo cũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2022 | 7:49:37 AM

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là năm học mới bắt đầu, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa tìm đủ sách giáo khoa cho con, đặc biệt là những cuốn sách của các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Câu chuyện này vừa gây đau đầu cho các bậc phụ huynh, nhưng cũng là nỗi lo lắng đã tồn tại trong nhiều năm qua...

Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa ở một nhà sách tại quận Hoàn Kiếm.
Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa ở một nhà sách tại quận Hoàn Kiếm.

Vẫn thiếu sách cục bộ

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số hiệu sách trên địa bàn Hà Nội, tình trạng thiếu sách giáo khoa khá phổ biến, nhất là loại sách dành cho các lớp năm học đầu tiên triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm lớp 3, 7 và 10. Tại Nhà sách Hồng Hà, số 25 phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), bộ sách giáo khoa các lớp 1, 2, 4, 5, 6, 8, 9, 11, 12 cơ bản có đầy đủ; tuy nhiên, sách giáo khoa dành cho lớp 3, 7, 10 thì hiệu sách không đáp ứng đủ nhu cầu.

Cách đó không xa, tại Nhà sách Habook ở số 45 phố Lý Thường Kiệt, chị Nguyễn Kiều Nga, một phụ huynh đến mua sách cho con, chia sẻ: "Con tôi năm nay học lớp 2 ở một trường tiểu học tại phường Gia Thụy (quận Long Biên). Do con mới chuyển đến trường này nên phải đi mua sách giáo khoa theo đúng yêu cầu của nhà trường. Cô giáo chủ nhiệm đã chụp những quyển sách theo chương trình học cho phụ huynh mua vì nhà trường không có sẵn sách bán cho học sinh".

Một số hiệu sách như Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (quận Cầu Giấy), Nhà sách Đông Phương (quận Nam Từ Liêm)… cũng có nhiều phụ huynh đến rồi lại đi vì không mua được sách theo yêu cầu. Trong khi một số phụ huynh đành phải mua trước một vài quyển sách có sẵn ở hiệu sách; đặt mua sách trực tuyến hoặc chọn cách mượn sách của những người đã mua được để phô tô cho con học tạm, chờ có sách mới.

Chỉ ra nguyên nhân tình trạng nêu trên, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách cho biết, sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai lần đầu trong năm học 2022-2023. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa theo số lượng các địa phương đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 trong các nhà trường diễn ra chậm hơn so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, làm sao cung ứng đầy đủ sách giáo khoa theo chương trình mới trong một thời gian ngắn để kịp phục vụ khai giảng năm học 2022-2023.


Nhân viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hoàn thiện những cuốn sách giáo khoa cho năm học mới.

Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ mua sách giáo khoa

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Thủy cho biết, thông thường vào mỗi đầu năm học, các nhà trường thông báo đến các phụ huynh và học sinh về kế hoạch phát hành sách giáo khoa. Theo đó, có khoảng 80% phụ huynh đăng ký mua sách cho con em tại trường trên tinh thần tự nguyện. Thực tế, các nhà trường thực hiện nghiêm túc việc thống kê số lượng sách giáo khoa cần thiết theo nhu cầu của học sinh để phối hợp với các nhà xuất bản cung ứng đầy đủ vào trước năm học mới. Có khoảng 20% phụ huynh không đăng ký vì muốn tự chọn lựa sách cho con em hoặc sử dụng lại sách giáo khoa của anh chị em trong gia đình. Do vậy, nếu phải tìm mua bổ sung sách giáo khoa sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định. Đặc biệt, vào thời điểm khan hiếm thì phụ huynh sẽ khó tìm được sách hơn.

Trước thực tế nêu trên, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách thông tin, đơn vị đã bám sát nhu cầu ở từng địa phương, nắm bắt cụ thể tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để triển khai in, bảo đảm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa. Bên cạnh đó, để hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thiết lập đường dây nóng (0344.181.018), duy trì liên tục trong khoảng thời gian từ ngày 15-6 đến 15-9. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tận tình hỗ trợ các khách hàng có nhu cầu mua sách giáo khoa trước và sau dịp khai giảng năm học mới.

Được biết, đến ngày 9-8, sách giáo khoa phục vụ học sinh các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 theo chương trình hiện hành, đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản; đối với sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới, đến nay đã in, nhập kho được 46,8 triệu bản. Theo đó, hiện sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cung ứng tới các địa phương hơn 40 triệu bản sách.

Tình trạng khan hiếm sách giáo khoa đầu năm học không còn là chuyện mới, nhưng những nỗi lo của phụ huynh thì vẫn còn đó. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, các phụ huynh nên đăng ký sách giáo khoa cho con theo kênh phát hành chính thống từ nhà trường. Việc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập đường dây nóng hỗ trợ phụ huynh mua sách giáo khoa cũng là một giải pháp kịp thời, hy vọng là một trong những cách tháo gỡ vướng mắc lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua.

(Theo HNMO)

Tags sách giáo khoa năm học mới

Các tin khác
Lê Khánh Linh giới thiệu về thiết bị E-FAS.

Lê Khánh Linh - học sinh Lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cùng sự góp sức của cậu bạn cùng trường Lê Phạm Hải Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ vận động và phục hồi chức năng cho người bị liệt bàn chân có tên Electrical Foot drop Automatic Stimulator (E - FAS), đã xuất sắc dành giải Tư, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2021-2022.

Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Bông Sen kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Yên Bái đang tích cực triển khai các kế hoạch, sẵn sàng các phương án nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ trong năm học mới, đảm bảo chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Cán bộ tuyển sinh tư vấn cho thí sinh về xét tuyển đại học năm 2022.

Trước thời hạn đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022 kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hàng loạt các nội dung để các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy định trong tuyển sinh.

Các cơ quan, đơn vị, sở giáo dục- đào tạo (GD&ĐT) lựa chọn, đề cử nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục