Trẻ đến trường tiếp xúc xã hội rộng lớn, thay đổi thói quen sinh hoạt nên dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm như COVID-19, cúm, viêm não, viêm phổi do phế cầu, thủy đậu…
Mùa thu - mùa tựu trường cũng là khi thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu ẩm thấp, hanh khô thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, đe dọa sức khỏe con trẻ. Đặc biệt trong môi trường như trường học, nhà trẻ, ký túc xá, trẻ có mật độ tiếp xúc đông đúc, học tập và sinh hoạt chung khiến mầm bệnh càng dễ lây nhiễm với cấp số nhân.
Theo BS CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh quay trở lại trường học an toàn, không chỉ trẻ mà giáo viên, cán bộ, nhân viên ở các trường học đều phải được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 còn chậm, đặc biệt thấp ở nhóm trẻ em. Mặt khác, việc chủng ngừa không thể bảo vệ 100% khỏi các biến chủng mới của COVID-19.
Do đó, trẻ em cần được bổ sung đầy đủ các vaccine phòng bệnh khác, tăng cường miễn dịch trước khi quay trở lại trường, đặc biệt là các vaccine phòng bệnh nguy hiểm như cúm mùa, viêm não, viêm màng não, viêm phổi do phế cầu…
Trong môi trường học đường, đặc biệt trẻ mầm non, tiểu học thường xuyên đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do rất nhiều nguyên nhân. Một phần đây là nhóm rất nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm bởi hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Tuổi này trẻ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng và hiếm khi rửa tay sạch khiến virus cúm và vi khuẩn lây nhiễm qua đường hô hấp nhanh chóng, phát triển và lan rộng cho các bạn cùng lớp.
Thêm vào đó, trẻ em khi đến lớp tiếp xúc với môi trường đông người sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh chéo, tốc độ lây truyền bệnh từ bạn học cũng sẽ rất nhanh. Đồng thời, trẻ có thể an toàn ở nhà, an toàn ở trường nhưng từ nhà đến trường và từ trường trở về nhà, trẻ có thể đối mặt với nhiều nguồn lây bất kỳ. Đặc biệt là đối với nhóm trẻ học mầm non nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh lại càng cao hơn với các bệnh nhiễm trùng, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp...
Theo các chuyên gia, một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp nhất ở trường học là cúm, các triệu chứng ban đầu là sốt, ho, chảy nước mũi… do đó thường dễ nhầm lẫn với cảm xoàng thông thường hay COVID-19 nên dễ bỏ qua.
Nếu mắc cúm, trẻ phải chịu những ảnh hưởng trước mắt như sốt cao, nhức mỏi cơ, không tập trung, giảm sút hiệu quả học tập, nếu không được điều trị kịp thời, cúm diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp, hoặc khởi phát các bệnh tiềm tàng như hen suyễn, thuyên tắc phổi mãn tính - COPD, khiến trẻ phải nghỉ học và điều trị dài ngày.
Đặc biệt nguy hiểm hơn khi cúm có thể diễn tiến ác tính, gây viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, dẫn đến những gánh nặng bệnh tật lâu dài như viêm khớp, các bệnh lý tim mạch, khờ khạo, kém phát triển về thần kinh và vận động.
Trong khi đó, các bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu được cảnh báo là bệnh tử ở trẻ do diễn biến nhanh và thường biến chứng tại chỗ. Nếu trẻ có biểu hiện của các bệnh này tại trường học như sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, phát ban xuất huyết hình sao hoặc có mụn nước nhưng không được giáo viên phát hiện sớm để chuyển đến bệnh viện, trẻ có thể tử vong trong 24 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, nếu may mắn được cứu sống vẫn có khoảng 20% trẻ phải chịu những di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy đa cơ quan, đoạn chi,...
Đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thậm chí hiện nay hàng loạt biến thể mới đã xâm nhập vào Việt Nam trong khi đó hàng triệu trẻ em sắp sửa trở lại trường học, đe dọa nguy cơ tái nhiễm, đồng nhiễm, bội nhiễm COVID-19 với nhiều mầm bệnh truyền nhiễm lưu hành trong môi trường học đường như cúm, sởi, ho gà, phế cầu khuẩn... Tiêm vaccine tăng cường đề kháng cho trẻ trước khi tựu trường là biện pháp cần thiết ngay lúc này và đang được hàng triệu phụ huynh quan tâm để bảo vệ sức khỏe thể chất trí tuệ, khả năng học tập cho con em.
Tiêm đầy đủ vaccine cho trẻ tựu trường, lấp đầy khoảng trống miễn dịch cho trẻ
Vào thời điểm này, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, trong đó chủ động tiêm phòng vaccine đủ mũi và đúng lịch, đặc biệt các vaccine nhắc là là "lá chắn" vững vàng nhất để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm mùa tựu trường. Nhiều nước trên thế giới đã quy định nếu trẻ không chích ngừa sẽ không được tới lớp. Muốn đi học phải kèm theo sổ chích ngừa, tránh gây bệnh cho cộng đồng...
Sự gia tăng trở lại của COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm như cúm mùa, viêm màng não do não mô cầu sắp vào mùa là "báo động đỏ" đối với sức khỏe của trẻ khi trở lại trường học. Do đó, bên cạnh chuẩn bị đồ dùng học tập, quần áo, thì tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ là hành trang quan trọng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, trở lại trường học an toàn trong tình hình nhiều dịch bệnh chực chờ bùng phát như hiện nay.
Trẻ ở tuổi tiền học đường trong độ tuổi 4-6 là nhóm dễ bị lãng quên vaccine trong nhiều năm do nhiều phụ huynh quên tiêm dặm vaccine nhắc lại. Tại Việt Nam, hiện đang có 52/63 tỉnh thành chưa đạt được tiến độ mục tiêu 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cơ bản được khuyến nghị khi các em khi tròn 12 tháng tuổi, điều này hình thành "khoảng trống miễn dịch" khiến nhiều trẻ em bị bệnh hơn và áp lực hơn với hệ thống y tế vốn đã gặp nhiều gánh nặng.
Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt là vaccine phòng cúm mùa và viêm màng não do não mô cầu trước khi trẻ quay trở lại trường học. Hiện nay các loại vaccine cúm tứ giá Vaxigrip Tetra, Influvac Tetra phòng hiệu quả 4 chủng cúm A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata và B/Victoria, hiệu quả lên đến 90%.
Vaccine Menactra phòng hiệu quả viêm màng não do não mô cầu các chủng A, C, Y và W135. Vaccine VA-Mengoc-BC phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu các chủng B + C. Ngoài ra, trẻ nên được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh như sởi - rubella - quai bị, ho gà - bạch hầu - uốn ván, dại, tả, viêm não Nhật Bản, phế cầu khuẩn, thương hàn… để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Ngoài việc chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ, phụ huynh nên chú ý bảo vệ sức khỏe con mình bằng cách tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, bổ sung Vitamin C vào chế độ ăn giúp tăng sức đề kháng chống bệnh, tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi khi đi học về... Nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh thì nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
(Theo VTV)