Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học ở các tỉnh Tây Bắc

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/9/2022 | 9:14:53 AM

Hiện các địa phương Tây Bắc đang tích cực triển khai các phương án, nỗ lực khắc phục để 100% học sinh được học đầy đủ các môn học theo quy định.

Thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị, mạng Internet...là tình trạng chung tại nhiều trường học ở Tây Bắc.
Thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị, mạng Internet...là tình trạng chung tại nhiều trường học ở Tây Bắc.

Ở thời điểm đã bước vào năm học mới 2022 - 2023 được 1 tháng, các tỉnh Tây Bắc vẫn thiếu hàng trăm giáo viên 2 bộ môn Tiếng anh và Tin học. Đây là 2 môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiện các địa phương Tây Bắc đang tích cực triển khai các phương án, nỗ lực khắc phục để 100% học sinh được học đầy đủ các môn học theo quy định.

Thời điểm hiện tại, riêng với môn tiếng Anh, tỉnh Yên Bái đang thiếu gần 60 giáo viên, trong đó hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải còn thiếu nhiều nhất. Cá biệt, cấp Tiểu học của huyện Mù Cang Chải chỉ có duy nhất 1 giáo viên Tiếng Anh.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trước năm học mới, tỉnh Yên Bái đã biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh từ các địa phương vùng thấp cho 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để khắc phục một phần việc thiếu giáo viên cục bộ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Bên cạnh đó là sắp xếp giáo viên Tiếng Anh dạy liên cấp, liên trường; bố trí nơi thiếu ít hỗ trợ nơi thiếu nhiều; không bố trí giáo viên ở bộ môn thiếu thực hiện các nhiệm vụ khác; tăng số tiết vượt định mức… Về lâu dài, tỉnh Yên Bái có kế hoạch đào tạo theo địa chỉ, tổ chức thi tuyển bổ sung giáo viên cho các bộ môn bị thiếu.
khac phuc tinh trang thieu giao vien tieng anh va tin hoc o cac tinh tay bac hinh anh 2
Điểm trường lẻ ở xa trung tâm cũng là những khó khăn không nhỏ khi đưa môn Tiếng Anh và Tin học vào giảng dạy.

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết, trước thềm khai giảng, giáo viên Tiếng Anh duy nhất của trường đã xin nghỉ việc. Do vậy, nhà trường phải xin giáo viên tăng cường từ trường khác và việc này đã được giải quyết ổn thỏa.

"Nhà trường có 2 giáo viên sang tăng cường dạy tiếng Anh bậc Tiểu học và THCS, một giáo viên tăng cường dạy Toán – Lý. Về mặt thời gian, hai nhà trường đã thống nhất sắp xếp để kế hoạch giảng dạy không trùng nhau. Đối với môn Tin học, chúng tôi đã lựa chọn các giáo viên có khả năng công nghệ thông tin để gửi đi đào tạo, bồi dưỡng để về giảng dạy trong năm học mới này. Cơ bản tại trường đến thời điểm này đảm bảo được công tác giảng dạy"- thầy giáo Nguyễn Duy Tiến cho biết. 

Huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu có hơn 15.000 học sinh, ở 36 đơn vị trường. Cũng như nhiều địa phương trên địa bàn, năm học này, toàn huyện còn thiếu hơn 140 giáo viên ở các cấp học. Trước thềm năm học, địa phương cũng đã tổ chức tuyển dụng, nhưng chỉ tuyển được gần 40 giáo viên, chưa được một nửa so với số giáo viên cần tuyển.

Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp như hợp đồng giáo viên, dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, điều động giáo viên từ trường đủ đến trường thiếu... nhưng tất cả chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, rất cần có những chính sách đặc thù về mức lương, như vậy mới có thể thu hút được giáo viên từ miền xuôi lên, để các thầy cô có điều kiện sống tốt hơn để bám trường, bám lớp.

"Ngành thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non và giáo viên THCS; giáo viên tiểu học thiếu hơn 10 người nhưng lại rơi vào những môn chuyên ngành như Tiếng Anh, Tin học và Âm nhạc. Trước mắt ngành đã điều chuyển, biệt phái một số giáo viên từ những đơn vị trường đủ bổ sung cho những đơn vị thiếu nhiều giáo viên. Ngành cũng đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện tổ chức tuyển dụng viên chức thuộc ngành Giáo dục; tiếp tục ra văn bản hợp đồng giáo viên bổ sung cho những đơn vị thiếu và ưu tiên cho đối tượng là con em người địa phương để sau này các cháu tham gia thi tuyển"- ông Tống Thanh Sơn cho biết. 

Tại tỉnh Sơn La, năm học này có hơn 30.000 học sinh lớp 3, trong đó hơn 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh có gần 8.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp Tiểu học, thiếu hơn 300 giáo viên dạy môn Tiếng anh và Tin học.

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: Hiện ngành Giáo dục Sơn La đang rà soát và xây dựng, thực hiện phương án sắp xếp lớp 3 ở các điểm trường lẻ về trường trung tâm để thực hiện dạy học, làm sao phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, từng địa phương; bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường thông qua phương án dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến; ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định hiện hành của Pháp luật và công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục - đào tạo. 

khac phuc tinh trang thieu giao vien tieng anh va tin hoc o cac tinh tay bac hinh anh 3
Các trường học ở Tây Bắc đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm học.

"Để đảm bảo 100% học sinh lớp 3 trên địa bàn được học môn Tiếng anh và Tin học, Sở Giáo dục và đào tạo đã tập trung khai thác tối đa đội ngũ giáo viên Tiếng Anh và Tin học hiện có trong các đơn vị trường học và trên địa bàn; Bên cạnh đó, sẽ bố trí giáo viên Tiếng anh và Tin học dạy liên trường và thực hiện dạy thêm giờ tối đa theo quy định; Đồng thời các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị để có những giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả nhất"- bà Điêu Thị Dân cho biết. 

Ngoài thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học, với địa hình miền núi đặc thù, các địa phương ở Tây Bắc còn phải đối mặt với khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là trong mùa mưa lũ.

Đơn cử như trường THCS Tạ Khoa ở xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La có hơn 200 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà trường có một nửa số học sinh thuộc diện bán trú và 15 giáo viên ở tại trường. Ngôi trường này nằm ở vị trí khá trũng, sát cạnh suối nên thường xảy ra ngập lụt khi mưa lớn. Đã nhiều lần ngôi trường bị chìm trong biển nước, vào các năm 2008, 2018; nửa đầu tháng 9 năm nay thì thầy trò đã 2 lần chạy lũ, khi nước ngập sâu toàn bộ sân trường và nhà lớp học từ 1,5 - 2m.

"Chưa đầy một tuần chúng tôi đã phải hứng chịu 2 trận lũ. Thiệt hại cơ sở vật chất lần trước còn chưa xử lý xong đã lại ngập nên rất khó khăn. Khi nước cơ bản rút, trường đã huy động các nguồn lực đến hỗ trợ khắc phục"- Thầy giáo Vũ Văn Tiếm, Hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa cho biết. 

Bằng các phương án linh hoạt, cụ thể, các tỉnh Tây Bắc đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần có những chính sách đặc thù, thu hút giáo viên, giúp các thầy cô có điều kiện để bám trường, bám lớp, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Ảnh minh hoạ.

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản gửi các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục