Dù còn nhiều khó khăn, song 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện
Chương trình GDPT 2018, bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị; 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để học tập. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên được quan tâm với nội dung, hình thức bồi dưỡng phong phú, phù hợp. Đội ngũ được rà soát, ưu tiên bố trí phân công giáo viên dạy các lớp của Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình; quan tâm xây dựng phương án bố trí giáo viên các môn mới, môn tích hợp và môn thiếu giáo viên.
Đặc biệt, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh cho bậc tiểu học tại các huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải khi thực hiện Chương trình, năm học 2022 - 2023 ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện "biệt phái” 15 giáo viên tiếng Anh của thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình và Trấn Yên. Nhờ đó, 100% học sinh lớp 3 trong toàn tỉnh được học Tin học và Tiếng Anh.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu kế hoạch bồi dưỡng giáo viên Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đáp ứng yêu cầu giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; triển khai bồi dưỡng các mô đun Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT; phối hợp Sở Nội vụ tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục đợt 2 để bổ sung giáo viên cho các cơ sở giáo dục...
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, ngành đã ban hành kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 của ngành; xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chuyển đổi số. Đồng thời, tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành. Đến nay, 100% các cơ sở GDPT sử dụng phần mềm quản lý trường học, sử dụng chức năng "Số điểm điện tử” và "Học bạ điện tử”; 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đã triển khai sử dụng phần mềm "CSDL ngành” - phần mềm do Bộ GD&ĐT triển khai trên phạm vi cả nước...
Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trong đó, toàn tỉnh đã có 200 trường học triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử; 90 trường triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, đến nay đã xây dựng được gần 250.000 câu hỏi trắc nghiệm. Hiện đã có 12 trường học triển khai "Thư viện số”; 38 trường học triển khai sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo…
Đặc biệt, tăng cường ứng dụng CNTT và truyền thông trong tổ chức các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh, tổ chức các lớp học không biên giới với các trường trên địa bàn, các tỉnh bạn và quốc tế. Cùng với đó, phong trào xây dựng trường học hạnh phúc được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh.
Mỗi đơn vị trường học đều có những cách làm riêng phù hợp với thực tế tại địa phương. Song, tựu chung đó là sự thay đổi từ nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh đến sự thay đổi trong hành động và cách làm, từ đó tạo môi trường học tập vui tươi, hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui cho cả giáo viên và học sinh.
Ngành GD&ĐT tỉnh xác định, năm 2023, tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động các cấp về thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; quan tâm, chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục dân tộc…
Tập trung chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc”...
Thanh Ba