Hình ảnh các em học sinh ngồi đọc sách ở những góc thư viện xinh xắn dưới bóng cây, cạnh cầu thang lên xuống, trong lớp... tại Trường TH&THCS Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã cho thấy văn hóa đọc đang lan tỏa ở ngôi trường vùng cao này. như càng tôn lên vẻ đẹp, không gian thân thiện của ngôi trường.
Ở góc thư viện cạnh cầu thang lên xuống, bức tường được trang trí bắt mắt với những khẩu hiệu và hình vẽ để khuyến khích việc đọc cho các em. Giá sách được chia thành các ngăn khác nhau, mỗi ngăn được xếp theo một chủ đề cụ thể, như: sách văn học, toán học, lịch sử, khoa học, truyện cổ tích, ngụ ngôn...
Em Sùng Thị Bla - học sinh Lớp 9B cho biết: "Giờ ra chơi và sau giờ tan học, em cùng các bạn thường rủ nhau xuống các góc thư viện của nhà trường. Đọc sách trong không gian đẹp, em rất thích. Ở đây em tìm được nhiều loại sách bổ sung cho việc học tập, giúp chúng em có thêm vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, bổ trợ cho việc học tập của mình”.
Thầy giáo Hà Việt Thành - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Suối Giàng chia sẻ: "Gọi là thư viện thân thiện vì mọi thứ ở đây được thiết kế và bố trí hài hòa, tạo sự thoải mái và hứng thú cho học sinh khi vào đọc sách. Với ngôi trường có hơn 97% học sinh là người dân tộc Mông, việc tạo ra các không gian thư viện thân thiện với hơn 3.000 đầu sách các loại đã góp phần hỗ trợ học sinh phát triển ngôn ngữ, rèn kỹ năng giao tiếp và cải thiện chất lượng học Tiếng Việt của học sinh”.
Cũng là ngôi trường luôn quan tâm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, Trường TH&THCS Tuy Lộc, thành phố Yên Bái đã dành không gian riêng để xây dựng thư viện theo hướng gần gũi với học sinh để các em hứng thú, say mê đọc sách.
Thầy giáo Nguyễn Đức Thăng - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Nhà trường đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân có sách mang đến thư viện để đọc chung miễn phí, thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể ý nghĩa như: tổ chức Cuộc thi "Mỗi tuần một cuốn sách”, thi "Xếp sách nghệ thuật, tọa đàm sách và cuộc sống”... với mục đích khuyến khích học sinh tích cực đọc sách”.
Với mong muốn "truyền lửa” văn hóa đọc cho học sinh, năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Công ty TNHH Xã hội Thư viện ước mơ của thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 7 "Thư viện ước mơ” cho các trường: PTDTBT Tiểu học Xéo Dì Hồ, PTDTBT TH&THCS Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải); PTDTBT TH&THCS Đại Sơn, PTDTBT Tiểu học Lang Thíp (huyện Văn Yên); Trường TH&THCS Tuy Lộc (thành phố Yên Bái); Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Văn Chấn); Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) với tổng kinh phí đầu tư là 580 triệu đồng (trong đó, Công ty TNHH Xã hội Thư viện ước mơ tài trợ 464 triệu đồng).
Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh nhận định: "Thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện trường học luôn được ngành giáo dục tỉnh đặc biệt chú trọng với nhiều giải pháp đồng bộ. Các nhà trường đã quan tâm phát triển văn hóa đọc với nhiều hoạt động thiết thực như: cải tạo, nâng cấp, chuẩn hóa hệ thống thư viện trường học; tổ chức "Ngày hội đọc sách” cho học sinh; tặng sách cho các điểm trường vùng cao; huy động học sinh quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học…".
"Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các nhà trường huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình thư viện thân thiện; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiểu rõ vai trò của thư viện thân thiện trong xu thế đổi mới giáo dục. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa giới thiệu về kỹ năng, phương pháp đọc, tích cực trang trí thư viện, bổ sung đầu sách mới, xây dựng tủ sách lớp học để học sinh được tiếp cận với sách dễ dàng hơn. Qua đó phát triển văn hóa đọc gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục trong nhà trường”, ông Đào Anh Tuấn nói thêm.
Thanh Chi