Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý, đó là tỷ lệ thí sinh đạt cao, từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao, thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm. Việc tính mức điểm ưu tiên mới này sẽ tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng ưu tiên khác nhau.
Cụ thể, mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được tính theo công thức sau: Mức điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục - đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng ưu tiên là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu tiên cần đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh. Bởi, thực tế nhiều năm qua, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hằng năm. Từ năm 2023, chính sách tính điểm ưu tiên điều chỉnh giảm dần với các thí sinh đạt điểm cao là phù hợp thực tiễn thi cử, tuyển sinh hiện nay. Điều chỉnh này vừa tạo công bằng giữa các nhóm thí sinh vừa góp phần giúp các trường có mức điểm chuẩn cao tuyển được người học sát với năng lực thật.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách này hướng đến sự minh bạch và công bằng trong thi cử, tuyển sinh giữa các nhóm thí sinh. Bởi thực tiễn thi cử, tuyển sinh trong những năm qua có điều chưa hợp lý khi có trường hợp thí sinh được cộng điểm ưu tiên cao, dẫn đến việc có thí sinh vượt ngưỡng 30 điểm (3 môn) vẫn không trúng tuyển.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, với quy định này sẽ không có thí sinh có điểm xét tuyển vượt quá 30 điểm, giúp sự cạnh tranh của thí sinh ở các ngành có điểm đầu vào cao trở nên công bằng hơn. Chủ trương này tạo điều kiện cho thí sinh ở khu vực khó khăn vẫn được cộng điểm ưu tiên, có thêm điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc điều chỉnh mức điểm ưu tiên giảm dần là phù hợp điều kiện hiện nay. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng đề xuất Bộ nên tính đến việc bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực trong những năm tới. Bởi khoảng cách về điều kiện học tập ở các địa phương đang được thu hẹp lại. Chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực có thể tạo sự bất công giữa các nhóm thí sinh. Ví dụ, ở những trường, ngành có điểm chuẩn cao, giữa thí sinh trúng tuyển và không trúng tuyển có thể chỉ cách nhau 0,1-0,2 điểm, trong khi đó điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa đến 0,75 điểm. Thay vì cộng điểm ưu tiên, Bộ có thể thực hiện các chính sách khác để hỗ trợ thí sinh ở khu vực khó khăn học tập. Mặt khác, hiện nay, học sinh có có hội học tập ở các bậc học khác ngoài đại học, với nhiều điều kiện học liên thông lên bậc cao hơn.
Tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh diện ưu tiên theo đối tượng khác nhau, học sinh ở 5 huyện ngoại thành được cộng điểm ưu tiên theo khu vực 2 (0,25 điểm), học sinh ở các quận còn lại thuộc khu vực 3 không được cộng điểm ưu tiên. Quy định tính điểm ưu tiên mới này tác động trực tiếp đến quyền lợi của học sinh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) cho rằng, thi cử là để tuyển chọn nhân tài, vì thế trong xét tuyển đại học nên tính toán bỏ cộng điểm ưu tiên. Thay vì cộng điểm ưu tiên, các ngành, địa phương có thể thay đổi chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng miền xa, khó khăn, ví dụ như chính sách cử tuyển...
(Theo Tin tức)